Xung quanh câu chuyện gắn nhãn mác Việt Nam

Sau khi có thông tin cho rằng sản phẩm ti vi Asanzo thực chất là hàng Trung Quốc nhưng đã được gắn mác hàng Việt Nam, một số siêu thị điện máy đã tạm ngưng kinh doanh sản phẩm mang thương hiệu Asanzo.

Sáng ngày 24/6, khảo sát tại hệ thống siêu thị điện máy Nguyễn Kim tại phố Tràng Thi, Hà Nội cho thấy, không còn một sản phẩm mang thương hiệu Asanzo nào được bày bán. Đại diện Siêu thị điện này cho biết đã ngưng bán sản phẩm thương hiệu Asanzo. Trước đó, các sản phẩm Asanzo cũng được bày bán khá khiêm tốn trong hệ thống.

Ông Nguyễn Văn Trương – Trưởng phòng kinh doanh KTS điện tử, Siêu thị điện máy Nguyễn Kim: “Thương hiệu Asanzo này đưa vào Nguyễn Kim tháng 11 năm 2018.Theo như thông tin phản ánh của báo , thì tất cả những sản phẩm mang thương hiệu Asanzo chúng tôi không bày bán và không trưng bày quầy kệ, chờ đến khi có kết luận của cơ quan chức năng chúng tôi sẽ tiếp tuc.”

Chuyên gia chống hàng giả cho rằng, việc lấy hàng gần như sản xuất hoàn toàn của nước ngoài, sau đó về Việt Nam gắn mác Made in VN là vi phạm luật pháp, vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ. Đây là hành vi giả nhãn mác đánh lừa người tiêu dùng, là điều không thể chấp nhận được.

Ông Lê Quốc Bảo – Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam: “Thực tiễn trên thị trường Việt Nam, nào là hàng điện máy, nào là hàng tủ lạnh, tivi, các hàng quạt điện…hầu hết là mua từ nước ngoài và ghi Made in Việt Nam, chất lượng cao. Tôi không đặt vấn đề chất lượng cao, mà là vấn đề ghi Made in VN là không đúng về mặt luật pháp. Đứng về mặt luật SHTT không cho phép làm điều đó”

Việt Nam đã tham gia Hiệp định CPTPP và rất nhiều Hiệp ước FTA, trong đó quy định rất rõ, hàng được đóng mác Made in VN là phải có 35 – 55% là linh kiện sản xuất nội địa thì mới được dán mác. Tuy nhiên, ở trong nước lại chưa có quy định, tiêu chí rõ ràng về "xuất xứ" hay "sản xuất".

Ông Phạm Ngọc Hùng – Viện Nghiên cứu chính sách, pháp luật và phát triển: “Lỗ hỏng của chúng ta ở đây là chúng ta cam kết với quốc tế, thế nhưng mà chúng ta lại không cam kết với chúng ta, tức là chưa có một văn bản nào quy định là có bao nhiêu % hàng hóa bán trên thị trường được công nhận là hàng VN, có bao nhiêu % linh kiện nội, bao nhiêu % linh kiện ngoại. Chính đây là lỗ hỏng mà Asanzo đã áp dụng vào để đánh lừa người tiêu dùng.”

Hiện nay cũng có quan niệm giải thích rằng, cứ sản xản xuất, lắp ráp trên đất nước Việt Nam thì là hàng Made in Việt Nam. Tuy nhiên, về mặt luật pháp thì cần quy định rõ ràng, cụ thể hơn nữa. Trong câu chuyện này, một là DN chưa hiểu pháp luật, nhưng cũng có thể DN cố tình lách luật để trục lợi.

Trong khi chờ đợi các cơ quan chức năng kiểm tra, xác minh về việc gắn nhãn mác xuất xứ các sản phẩm của Asanzo thì có thể thấy rằng: Việc xây dựng tiêu chí hàng Việt, cần có phải quy trách nhiệm của nhà phân phối, nhà ban danh hiệu… cho DN phải quay trở lại kiểm tra thực tế sản xuất DN theo định kỳ./ .

Nguồn VNEWS: http://vnews.gov.vn/xung-quanh-cau-chuyen-gan-nhan-mac-viet-nam