Xung quanh thỏa thuận hạt nhân Iran (Tiếp theo và hết)

Iran sẽ bầu cử tổng thống vào tháng 6-2021. Tại một quốc gia bị ảnh hưởng sâu sắc bởi các lệnh trừng phạt do Mỹ áp đặt, kết quả của cuộc bầu cử sẽ quyết định Iran có nối lại đối thoại với Mỹ hay không? Tuy nhiên, rất nhiều yếu tố cản trở việc Mỹ trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran.

Iran đang tận dụng tình hình hiện tại để vượt ra ngoài nhiều giới hạn mà thỏa thuận Vienna đặt ra. Điều này có thể được hiểu là Tehran muốn dành cho mình một khoảng trống để đàm phán. Tuy nhiên, thái độ này không đơn giản hóa việc nối lại các cuộc đối thoại.

Từ nay đến 20-1-2021, không ai biết Tổng thống Trump sẽ còn làm cho mối quan hệ Mỹ - Iran xấu đi tới mức nào

Từ nay đến 20-1-2021, không ai biết Tổng thống Trump sẽ còn làm cho mối quan hệ Mỹ - Iran xấu đi tới mức nào

Israel và Iran có một mối quan hệ tồi tệ. Israel không quan tâm đến việc nối lại các cuộc đàm phán về hạt nhân Iran vì có thể sẽ dẫn đến một kết quả có lợi cho Iran, bao gồm cả việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Kể từ khi ông Joe Biden đắc cử Tổng thống Mỹ, Tel Aviv đã tăng cường các hành động nhằm làm tồi tệ tình hình để buộc chính quyền Mỹ tương lai phải nhúng tay: Chuẩn bị tấn công quân sự Iran với ủng hộ của Mỹ, ám sát nhà vật lý hạt nhân Iran Mohsen Fakhrizadeh ngày 17-11-2020 (Israel không công nhận cũng không phủ nhận)... Có khả năng Israel sẽ tiếp tục cố gắng hết sức để ngăn chặn việc nối lại các cuộc đàm phán, bằng cách xoay xở để tình hình xấu đi hoặc bằng cách gây áp lực lên chính quyền tương lai của Mỹ nhờ các trung gian đắc lực mà nhà nước Do Thái có ở Washington.

Các nước khác tham gia ký thỏa thuận hạt nhân Iran vẫn trung thành, nhưng không thể duy trì thỏa thuận này sau sự rút lui của Mỹ và việc Washington áp đặt các lệnh trừng phạt đơn phương với Iran.

Nhiều khả năng Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức sẽ tìm cách nối lại các cuộc đàm phán để bình thường hóa tình hình, bảo vệ vai trò của IAEA, ngăn chặn khả năng Iran phổ biến vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, các nước này cũng muốn có những bảo đảm vững chắc từ phía Iran trong trường hợp đàm phán.

Chế độ trừng phạt mà Mỹ đưa ra đã làm giảm nghiêm trọng sản lượng dầu thô của Iran. Từ gần 4 triệu thùng/ngày (Mb/d) không bao gồm chất ngưng tụ vào năm 2017, sản lượng dầu của Iran đã giảm xuống chỉ còn hơn 2,3 Mb/d vào năm 2019. Nhu cầu trong nước lên tới khoảng 2 Mb/d, có nghĩa là xuất khẩu của Iran đã giảm xuống còn khoảng 300.000 thùng/ngày, chủ yếu sang Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, những quốc gia duy nhất dám thách thức lệnh cấm của Mỹ.

Nếu Iran và chính quyền Joe Biden thành công trong việc khắc phục sự khác biệt giữa họ, có khả năng khoảng 1,7 Mb/d dầu thô sẽ quay trở lại thị trường quốc tế. Trong thị trường toàn cầu 100 Mb/d trong một năm bình thường, việc tăng nguồn cung gần 2% có thể làm trầm trọng thêm sự sụt giảm của giá “vàng đen”, vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.

Ngày 3-12-2020, sau các cuộc đàm phán căng thẳng, OPEC và các đồng minh đã quyết định một lần nữa gần như giữ nguyên việc cắt giảm sản lượng tự nguyện của họ, chỉ giảm từ 7,7 Mb/d hiện nay xuống 7,2 Mb/d trong tháng 1-2021, vì sợ giá “vàng đen” giảm trở lại. Trong bối cảnh này, sự trở lại thị trường của dầu Iran có thể là một vấn đề đáng quan tâm, đặc biệt trong khi dầu của Libya cũng đang trở lại thị trường khi tình hình chính trị được cải thiện.

Theo BP, sản lượng dầu thô hằng năm của Iran (bao gồm cả dầu ngưng tụ) đã giảm 31% từ năm 2018 đến năm 2019

Theo BP, sản lượng dầu thô hằng năm của Iran (bao gồm cả dầu ngưng tụ) đã giảm 31% từ năm 2018 đến năm 2019

Đây là bài toán không hề đơn giản đối với Mỹ. Giá “vàng đen” tái rơi vào khủng hoảng có thể gây nguy hiểm nghiêm trọng đến sự phục hồi của dầu đá phiến Mỹ, dẫn đến áp lực mới đối với việc làm ở Mỹ. Theo một số chuyên gia, sản lượng dầu của Mỹ có thể giảm từ 13 Mb/d vào cuối năm 2019 xuống 6-7 Mb/d vào giữa năm 2021, dẫn đến việc cắt giảm hàng trăm nghìn việc làm. Giá dầu dưới 40 USD/thùng có thể khiến nhiều người mất việc làm gần như vĩnh viễn.

Ngoài ra, trong khi Tổng thống Mỹ đắc cử Joe Biden vận động về việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng để đạt được mức độ trung hòa carbon vào năm 2050, việc cho phép đưa dầu rẻ tiền trở lại thị trường sẽ thúc đẩy sự phục hồi tiêu thụ “vàng đen”, điều này có thể phá hỏng mục tiêu của ông Joe Biden.

Iran luôn sẵn sàng trong mọi trường hợp. Tổng thống Iran Hassan Rouhani được cho là đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ Dầu khí thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để có thể khôi phục hoàn toàn xuất khẩu dầu trong vòng 3 tháng. Bằng cách thể hiện sự tin tưởng vào việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, Iran đang gián tiếp công bố mong muốn hòa hoãn trước những hành động khiêu khích của Israel và chính quyền Donal Trump, để có thể nối lại các cuộc đàm phán với chính quyền Joe Biden trong tương lai.

Mặc dù vậy, có rất nhiều yếu tố cản trở việc Mỹ trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran như sự phản đối của các đảng chính trị Mỹ, Israel... Tổng thống Mỹ tương lai Joe Biden có ý muốn nối lại đối thoại với Iran, không ai cấm cản, nhưng ông sẽ phải xoay xở với những trường hợp khẩn cấp và vấp phải nhiều sự phản đối, trong khi tình hình có thể xấu hơn nữa theo sáng kiến của Israel hoặc ông Donal Trump. Điều này sẽ gây nguy hiểm cho việc nối lại các cuộc đối thoại. Về phần mình, Iran dường như muốn phá vỡ các cam kết trong thỏa thuận, không phải để đáp trả những hành động khiêu khích mới nhất, mà muốn mọi thứ có thể thay đổi trong ngắn hạn vì cuộc bầu cử Tổng thống Iran vào tháng 6-2021.

Cuối cùng, diễn biến giá dầu phụ thuộc rất nhiều vào thái độ của Mỹ đối với Iran. Trong mọi trường hợp, tình hình Iran nhắc chúng ta về sự phụ thuộc cực độ của một quốc gia vào dầu mỏ, không chỉ là một mối đe dọa về khí hậu mà cả về an ninh năng lượng.

S.Phương

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/xung-quanh-thoa-thuan-hat-nhan-iran-tiep-theo-va-het-593937.html