Xung quanh vấn đề dạy kỹ năng sống trong trường học
Đẩy mạnh giáo dục kỹ năng sống (KNS) trong trường học là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục tỉnh. Những năm qua, các nhà trường đã quan tâm, chú trọng triển khai thực hiện. Tuy nhiên, hoạt động giáo dục KNS trong các nhà trường còn gặp nhiều khó khăn, cần có giải pháp tháo gỡ.
Hiệu quả bước đầu của việc đưa giáo dục KNS vào trường học
Trong tiết học KNS tại lớp 2C, Trường tiểu học Thanh Lãng B, huyện Bình Xuyên, giáo viên hướng dẫn học sinh tìm hiểu những hình ảnh, video, tình huống của bài học “Kỹ năng đứng trước đám đông”, từ đó, rút ra kết luận khi một người đứng trước đám đông phải có trang phục, thái độ, nét mặt, cử chỉ như thế nào. Sau đó, nhiều học sinh đã được thực hành kỹ năng của bài học bằng việc đứng trước lớp giới thiệu về bản thân hoặc bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ về một người hay một sự vật, sự việc.
Năm học 2021-2022, Trường tiểu học Thanh Lãng B có hơn 550 học sinh, trong đó, có 80% đăng ký học KNS. Nhà trường đã bố trí giờ dạy KNS đảm bảo không ảnh hưởng đến thời gian học buổi thứ 2 của học sinh.
Về chương trình, giáo án do Trung tâm KNS Phúc Giang, thành phố Vĩnh Yên chuẩn bị theo từng khối lớp. Sau đó, trung tâm tổ chức tập huấn cho giáo viên nhà trường và giáo viên nhà trường trực tiếp dạy KNS cho học sinh.
Cô Trần Thị Thu Phương, giáo viên dạy KNS cho học sinh lớp 2C cho biết: “Từ giáo trình do trung tâm KNS cung cấp, tôi tích cực giúp học sinh rèn luyện sự tự tin, gọn gàng, sạch sẽ, yêu thương người thân, bạn bè, thầy cô, kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích… Những kỹ năng này sẽ hỗ trợ để các em hình thành và phát triển các phẩm chất nhân cách cũng như các thói quen tốt”.
Trước đây, Trường THCS Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên tích cực lồng ghép dạy KNS cho học sinh trong các môn học, các hoạt động ngoại khóa… Từ năm học 2021-2022, nhà trường phối hợp với Trung tâm KNS Phúc Giang tổ chức dạy KNS cho học sinh.
Toàn trường có 1.032/1.100 học sinh đăng ký tham gia học KNS với lệ phí 50.000 đồng/tháng/học sinh. Theo đó, mỗi tuần, sau giờ sinh hoạt của sáng thứ Bảy, học sinh các lớp học một tiết giáo dục KNS.
Nội dung giáo dục KNS gồm nhiều chủ đề cụ thể giúp học sinh hình thành các kỹ năng như tự phục vụ, giao tiếp, ứng xử, phòng, chống tai nạn thương tích, đảm nhận trách nhiệm, quản lý thời gian, hợp tác làm việc nhóm…
Ban Giám hiệu nhà trường xét duyệt chặt chẽ giáo án và thường xuyên dự giờ để đánh giá chất lượng giờ học. Sau một học kỳ, hầu hết học sinh được nâng cao vốn sống, hiểu biết, có nền nếp, kỷ luật hơn.
Em Phạm Ngọc Khánh, học sinh lớp 9A, Trường THCS Khai Quang chia sẻ: “Những tiết học giáo dục KNS tại trường giúp em biết cách giải tỏa tâm lý áp lực, duy trì tinh thần lạc quan, biết tự thay đổi bản thân để đạt mục tiêu trong học tập và cuộc sống… Đây là những kỹ năng rất cần thiết đối với em, nhất là thời điểm chuẩn bị bước vào Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10”.
Những năm qua, ngành GDĐT tỉnh đã tích cực đẩy mạnh hoạt động giáo dục KNS trong trường học. Sở GDĐT mời nhiều chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực giáo dục KNS, tư vấn tâm lý học đường để bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ giáo viên. Trên cơ sở đó, các nhà trường lồng ghép, tích hợp dạy KNS cho học sinh trong các môn học, các hoạt động ngoại khóa...
Từ năm 2019 đến nay, Sở GDĐT cấp phép hoạt động cho 50 cơ sở giáo dục KNS trên địa bàn tỉnh. Các cơ sở này đã phối hợp với các nhà trường đưa hoạt động giáo dục KNS vào trường học một cách bài bản và đem lại hiệu quả thiết thực. Bước đầu trang bị cho học sinh kiến thức, thái độ, kỹ năng phù hợp lứa tuổi và hình thành những hành vi, thói quen lành mạnh, tích cực, giúp các em có khả năng xử lý vấn đề, tình huống xảy ra trong sinh hoạt hằng ngày của bản thân.
Còn đó những khó khăn
Tuy nhiên, hiện nay, hoạt động giáo dục KNS trong trường học còn gặp nhiều khó khăn. Đầu tiên là việc tổ chức tập huấn của Sở GDĐT và phòng GDĐT các huyện, thành phố chủ yếu là tổ chức điểm nên chưa đáp ứng được mức độ, yêu cầu về giáo dục KNS trong nhà trường.
Cùng với đó, đội ngũ giáo viên chưa được đào tạo chính quy, chuyên sâu, công tác này chủ yếu do các cơ sở giáo dục KNS đảm nhiệm khiến việc triển khai trong trường học chưa phổ biến.
Thêm nữa là nhiều phụ huynh học sinh chưa thực sự quan tâm, đầu tư, phối hợp với nhà trường trong việc tổ chức giáo dục KNS cho học sinh, do đó, hiện tại, hoạt động này chủ yếu được tổ chức tại các trường học thuộc khu vực thành phố.
Bên cạnh đó, 3 năm học qua, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều thời điểm các nhà trường phải chuyển từ dạy học trực tiếp sang trực tuyến cũng gây khó khăn cho công tác tuyên truyền, tổ chức giáo dục KNS trong trường học…
Trong thời kỳ công nghiệp 4.0, cùng với tri thức, trí tuệ, con người cần phải có KNS, kỹ năng hòa nhập, ứng phó với những thay đổi của cuộc sống và xã hội, vì vậy, việc đào tạo KNS cho học sinh càng trở nên cấp thiết.
Từ thực tế đó, thời gian tới, ngành GDĐT tỉnh tiếp tục chỉ đạo các nhà trường tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, từ đó, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của phụ huynh học sinh trong việc đẩy mạnh giáo dục KNS trong trường học theo hình thức xã hội hóa.
Đối với các trường học vùng nông thôn, vùng khó khăn chưa tổ chức giáo dục KNS theo hình thức xã hội hóa thì cần tăng cường dạy KNS cho học sinh bằng cách tự thiết kế nội dung cần thiết và lồng ghép vào các bài học, môn học liên quan để giúp học sinh phát triển toàn diện.