Xung quanh việc lấn chiếm Hồ thủy lợi Tiền Phong: Kỳ II: Ngang nhiên đổ đất lấn hồ
Công trình hồ thủy lợi Tiền Phong là một trong những công trình thủy lợi nhân tạo lớn nhất của tỉnh Sơn La. Công trình được xây dựng bằng mồ hôi, công sức của hàng nghìn người, là nguồn sinh kế cho hàng trăm hộ dân, hiện đang 'kêu cứu' vì bị lấn chiếm trong gần hai chục năm qua.
Đổ đất lấn hồ trở thành “phong trào”
Từ năm 2002-2020 đã có 62 hộ vi phạm, lấn chiếm lòng hồ thủy lợi Tiền Phong, gồm: 28 hộ tiểu khu 10; 20 hộ tiểu khu Nà Sản; 14 hộ thôn Tiền Phong với tổng diện tích đất vi phạm lấn chiếm trên 42.700 m², hộ lấn chiếm ít 60m², nhiều nhất lên tới 3.417m².
Điển hình là hộ ông Nguyễn Văn Thành, thôn Tiền Phong đã đổ đất lấn chiếm nằm trong cao trình 600.2 m của lòng hồ Tiền Phong. Bản đồ cấp quyền sử dụng đất phân mảnh F48 - 1010 (147-2) ngày 28/8/2000 giữa UBND xã Hát Lót và Sở Địa chính (nay là Sở Tài Nguyên và Môi trường) chỉ ra phần đất được cấp quyền sử dụng là 2.980 m² đất vườn, còn lại là lấn chiếm vào lòng hồ khoảng 2.000 m². Đến ngày 13/11/2018, Chi nhánh Công ty TNHH MTV quản lý khai thác công trình thủy lợi Sơn La tại Mai Sơn (đơn vị được giao quản lý hồ) phối hợp với Phòng TN&MT huyện, UBND xã Hát Lót (Mai Sơn) kiểm tra thực địa thống nhất triển khai đo và xác định lại mốc giới cao trình hồ thì toàn bộ diện tích đất hộ gia đình ông Nguyễn Văn Thành đã đổ đất đều nằm trong cao trình 600.2 m (bản đồ địa chính quy hoạch hồ Tiền Phong cấp ngày 12/12/2002 do Sở Địa chính Sơn La lập).
Một trường hợp khác là hộ ông Nguyễn Văn Quang, tiểu khu 10, xã Hát Lót. Ngày 27/3/2017, Đoàn công tác của huyện Mai Sơn kiểm tra, phát hiện hộ ông Nguyễn Văn Quang đã đổ khoảng 1.000 m³ đất vào phạm vi lòng hồ thủy lợi Tiền Phong. Ngày 7/4/2017, UBND xã Hát Lót ban hành Quyết định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với ông Nguyễn Văn Quang. Từ ngày 10 đến ngày 24/4/2017, UBND xã Hát Lót đã ban hành 4 lần thông báo về việc tự trả lại hiện trạng ban đầu của đất trong phạm vi lòng hồ, nhưng gia đình ông Quang không thực hiện. Ngày 12/4/2021 (tức là sau gần 4 năm phát hiện vi phạm), diện tích đất lấn chiếm đã được gia đình ông Nguyễn Văn Quang trồng cây ăn quả lâu năm và cây đã cho thu hoạch.
Hộ ông Trần Minh Thuận, tiểu khu 10 (xã Hát Lót), hiện có dãy nhà kho lấn vào đuôi hồ gần 40m. Ông Thuận giải thích: Tôi mua mảnh đất này có diện tích mặt đường 54 m, mua gom của gần 10 hộ dân cách đây 5 năm, trị giá 5 tỷ đồng. Khi mua, các hộ chỉ có biên lai nộp thuế đất. Năm 2019, cũng có cán bộ địa chính đến đo hiện trạng thửa đất nhưng chưa được cấp “bìa đỏ”. Hiện nay, toàn bộ diện tích đất được gia đình xây dựng làm văn phòng đại diện làm nhà phân phối của Công ty Đại An Tín.
Tình trạng lấn chiếm hồ Tiền Phong diễn ra nhiều năm nay, nhưng khi phóng viên đặt câu hỏi, vì sao phát hiện các hộ vi phạm lấn chiếm đất lòng hồ lại không xử lý? Ông Lò Văn Biên, Trưởng phòng Phòng TN&MT huyện Mai Sơn, cho biết: Nguyên nhân của những vi phạm trên hầu hết là do lịch sử để lại. Do đặc thù công trình thủy lợi có quy mô diện tích lớn, dao động về mực nước trong năm, hầu hết bao quanh là đất người dân, có nhiều hộ ở trước khi công trình thủy lợi xây dựng. Bên cạnh đó, sự phối hợp trong công tác xử lý vi phạm chưa chặt chẽ, đồng bộ, chưa có biện pháp mạnh để ngăn chặn triệt để.
Làm rõ thẩm quyền xử lý đối với các trường hợp vi phạm lấn chiếm đất lòng hồ giai đoạn 2002 - 2017 và các trường hợp phát sinh từ đó đến nay, ông Cầm Ngọc Quý, Chủ tịch UBND xã Hát Lót, cho biết: Năm 2017, tôi không công tác trong lĩnh vực này và đồng chí cán bộ địa chính hiện nay cũng mới chuyển về xã. Từ năm 2020 trở lại đây, chúng tôi đều phối hợp với đơn vị quản lý công trình thủy lợi và các phòng ban chuyên môn của huyện lập biên bản xử lý kịp thời (Có 1 trường hợp hộ ông Đỗ Văn Hiển đổ đất lấn chiếm hồ thủy lợi Tiền Phong tháng 9/2020 - PV).
Theo ông Lò Đức Hương, Trưởng chi nhánh Công ty TNHH MTV quản lý khai thác công trình thủy lợi tại Mai Sơn, khó khăn trong việc quản lý hồ thủy lợi Tiền Phong hiện nay chính là việc bảo vệ hành lang công trình. Hiện nhiều mốc giới nằm trong vườn của hộ dân, nhiều mốc giới đã bị đào, nhổ mất. Hành vi đổ đất lấn chiếm hồ của các hộ đều thực hiện vào ban đêm và diễn ra rất nhanh. Năm 2019, khi phát hiện trường hợp hộ ông Nguyễn Văn Minh chở đất, Trạm quản lý đã đến kiểm tra thì thấy hộ chỉ đổ đất làm đường trong phần diện tích đất của gia đình. Nhưng chỉ sau 2 ngày nghỉ cuối tuần đến thứ 2 kiểm tra lại thì gia đình đã đổ 1.000 m³ đất lấn chiếm lòng hồ... Số hộ vi phạm lấn chiếm đất quy hoạch lòng hồ đều lập danh sách có biên bản cụ thể nhưng mới xử lý 1 vụ, còn lại hầu hết người dân không ký xác nhận vi phạm.
Nhiều công trình trái phép
Không chỉ ngang nhiên đổ đất lấn hồ, nhiều năm gần đây, tình trạng xây dựng trái phép nhiều công trình trong diện tích quy hoạch hồ thủy lợi đang diễn ra mà không được giải quyết dứt điểm.
Hộ anh Nguyễn Văn Cường, thôn Nà Sản, bị lập biên bản năm 2006 về vi phạm xây dựng nhà cấp 4 trên đất lấn chiếm với diện tích 100 m². Anh Cường thừa nhận nhà chưa có bìa đỏ và đang xây dựng trên phần diện tích đất vườn của bố mẹ. Làm việc với ông Nguyễn Mạnh Hùng (bố anh Cường) được biết, trước kia vợ chồng ông làm ở Công ty cá (từ năm 1985 đến năm 1993) nên được làm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (năm 2000) với tổng diện tích 678 m² (150 m² thổ cư và 528 m² đất vườn). Tuy nhiên, hiện tổng diện tích đất của gia đình đang sử dụng là hơn 700 m². Ngoài gia đình anh Cường, hiện có 4 hộ lấn chiếm đất để xây dựng nhà trái phép đã bị lập biên bản, gồm: bà Lê Thị Hoa, tiểu khu 10 xây nhà cấp 3 năm 2000, diện tích vi phạm 100 m²; ông Nguyễn Mạnh Mừng, thôn Tiền Phong 2 xây dựng trái phép nhà cấp 4 trên cao trình hành lang hồ năm 2006; ông Voong Cắm Lìn, xây nhà cấp 4 năm 2008, diện tích vi phạm 60 m²; bà Lò Thị Ánh, tiểu khu Nà Sản, xây nhà cấp 4 năm 2006, diện tích vi phạm 60 m².
Thị sát khu vực xung quanh lòng hồ thuộc địa phận tiểu khu 10, xã Hát Lót cùng cán bộ của Trạm Quản lý và Khai thác công trình thủy lợi Chi nhánh Mai Sơn, trên đường vào ngay cạnh tường nhà văn hóa, có cắm cột mốc công trình thủy lợi, hỏi tại sao lại cắm mốc ở đây thì cán bộ của Trạm cho biết: Đúng ra vị trí cột mốc này phải cắm phía trong tường nhưng người dân không cho nên chúng tôi phải cắm ở đây. Nhiều cột mốc cắm trong vườn nhà của người dân, nếu muốn vào kiểm tra thì phải được sự đồng ý của gia đình???.
Tình trạng lấn chiếm đất ở hồ Tiền Phong xảy ra gần chục năm qua, không những không được giải quyết mà việc lấn chiếm diễn ra nhiều hơn. Điển hình là tuyến đường đất được người dân đắp đất đổ trên phần đất lòng hồ tạo thành tuyến đường dài hàng chục mét nối từ Quốc lộ 6 địa phận tiểu khu 10 vào khu dân cư phía trong hồ. Từ một con đường thấp, nhỏ được vài hộ trong xóm làm để đi lại cho thuận tiện không phải đi đường vòng phía eo hồ thì nay đã hình thành một con đường cao khoảng 4 m, lòng đường rộng 5 m, được rải đá dăm đảm bảo cho xe ô tô tải đi qua. Phần eo hồ được các hộ dân đào ao thả cá, xây dựng nhà kho, chuồng trại, các công trình phụ và trồng kín cây ăn quả.
Để xảy ra tình trạng này, theo người dân thì cơ quan quản lý và chính quyền địa phương không sát sao, nhiều hộ dân lúc đầu lấn chiếm đất chỉ để trồng rau, sau đó chuyển dần sang trồng cây ăn quả, cứ thế lấn dần vào cao trình đỉnh đập. Cũng do việc giao đất chồng lấn, chưa bóc tách cũng như công tác kiểm tra, xử lý chưa kịp thời, dứt điểm dẫn đến tình trạng lấn chiếm đất ngày càng diễn ra phức tạp.
Một hộ làm được, các hộ khác làm theo, việc đổ đất lấn chiếm lòng hồ trở thành “phong trào”; việc xử phạt không kiên quyết, nên lòng hồ thủy lợi Tiền Phong ngày một bị thu hẹp lại.
(Còn nữa)