Xung quanh việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống S-400 của Nga

Ngày 12-7, những lô hàng S-400 đầu tiên của Nga đã được bàn giao cho Ankara và dự kiến sẽ hoàn tất trong năm 2020. Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ nhất quyết mua các hệ thống phòng không S-400 từ Nga bất chấp sức ép từ Mỹ và NATO, việc này sẽ gây ra hậu quả như thế nào?

Ngày 14-7, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho rằng việc giao hàng và lắp đặt S-400 sẽ kết thúc vào năm 2020. Là thành viên của NATO, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần tuyên bố rằng các hệ thống phòng không của Nga không gây ra mối đe dọa nào cho liên minh quân sự này. Nhưng NATO và Mỹ đã chỉ trích sự hợp tác của Thổ Nhĩ Kỳ với Nga, nói rằng S-400 không tương thích với các hệ thống phòng không của NATO.

Washington từng đề nghị Ankara mua các hệ thống tên lửa Patriot của Mỹ thay vì S-400. Mỹ cũng nói rằng nếu các hệ thống S-400 được triển khai gần máy bay F-35 của Mỹ mà Thổ Nhĩ Kỳ đang mua và giúp sản xuất thì chúng sẽ làm suy yếu hệ thống phòng thủ của chiến đấu cơ tàng hình này.

Các quan chức Mỹ đã cảnh báo rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị loại khỏi chương trình F-35 nếu họ nhận các hệ thống S-400 và cũng sẽ đối mặt với các chế tài theo luật pháp của Mỹ nhằm ngăn chặn các quốc gia mua thiết bị quân sự từ Nga.

Xe và thiết bị quân sự thuộc hệ thống phòng không S-400 được dỡ xuống từ máy bay vận tải của Nga, tại sân bay quân sự Murted ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 12-7.

Xe và thiết bị quân sự thuộc hệ thống phòng không S-400 được dỡ xuống từ máy bay vận tải của Nga, tại sân bay quân sự Murted ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 12-7.

Ngay sau khi Thổ Nhĩ Kỳ nhận lô hàng S-400 đầu tiên từ Nga, tại Washington, cả đảng Cộng hòa và Dân chủ đều đòi ban hành lệnh trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vì việc này. Trong khi đó, hãng tin Bloomberg cùng ngày đưa tin, giới chức Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ đã quyết định một gói trừng phạt để áp đặt lên Thổ Nhĩ Kỳ.

Phản ứng trước thông tin này, Tổng thống Erdogan tuyên bố: “Tổng thống Trump có thể từ bỏ hoặc trì hoãn các biện pháp trừng phạt trong Đạo luật Chống lại kẻ thù của nước Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA), bởi đây là trường hợp mà người cần tìm sự thỏa hiệp là ông ấy”.

Ông Erdogan cho hay, Thổ Nhĩ Kỳ là một đối tác chiến lược của Mỹ và kêu gọi Tổng thống Trump nên “làm những việc cần thiết”. “Các thành viên NATO nên cảm thấy hạnh phúc vì Thổ Nhĩ Kỳ đã mua S-400, bởi điều đó sẽ giúp cho liên minh này mạnh hơn. Thông qua thương vụ S-400, chúng tôi đang cố gắng đảm bảo hòa bình và an ninh quốc gia của mình” - ông Erdogan nhấn mạnh.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng không S-400 của Nga sẽ không làm trầm trọng thêm mối quan hệ vốn đã rất căng thẳng giữa Washington và Ankara, giáo sư chính trị người Đức Thomas Jager cho biết, đồng thời ông không loại trừ rằng cuộc xung đột này có thể dẫn đến việc Thổ Nhĩ Kỳ rời khỏi NATO. Nếu “Thổ Nhĩ Kỳ quyết định rút khỏi NATO, đó sẽ là một tổn thất lớn về mặt địa lý cho liên minh quân sự này”, ông Jager viết.

Chuyên gia chính trị người Đức lưu ý rằng ngay cả khi Thổ Nhĩ Kỳ ở lại NATO, sự rạn nứt cũng sẽ xuất hiện trong Liên minh quân sự này. Ông Jager cho rằng nhờ hợp đồng này với Thổ Nhĩ Kỳ, danh tiếng của Nga trên thế giới sẽ tiếp tục tăng với tốc độ chóng mặt, nhất là khi cuộc xung đột giữa Ankara và Washington ngày càng khó giải quyết.

Đối với Moscow thương vụ này trước hết là một thành công về mặt công nghiệp, trị giá hợp đồng ước tính lên tới hơn 2 tỷ USD. S-400 được coi là tủ kính của nền công nghệ chế tạo vũ khí Nga, từng bán được cho Trung Quốc và Ấn Độ. Cung cấp S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ là một thành công mới của loại trang thiết bị quân sự được xem là một trong những hệ thống phòng không hiệu quả nhất trên thế giới.

Bên cạnh thành công về mặt công nghiệp thì đây còn là một thắng lợi về phương diện ngoại giao. Bán được S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ, Nga gây chia rẽ trong NATO, bởi Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên của NATO mà lại trang bị vũ khí của Nga.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

Trong bài viết trên báo Die Welt của Đức, nhà báo chuyên viết về quân sự Vladimir Kalnoky cho rằng việc Ankara mua S-400 bất chấp những cảnh báo và chỉ trích gay gắt từ NATO và Mỹ, có thể được coi là quyết định “không thể quay đầu lại” đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Đây có thể là cái cớ để Ankara “rời khỏi NATO”. Theo ông Kalnoky, khi mua S-400, Tổng thống Erdogan muốn nói: “Tạm biệt phương Tây”.

Nhà báo này tin rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định có bằng được hệ thống S-400 vì Ankara chắc chắn đã coi Nga là đối tác đàm phán ở Trung Đông và vì theo Thổ Nhĩ Kỳ, Moscow sẽ có ảnh hưởng ở khu vực này nhiều hơn Mỹ trong thời gian tới.

Mark Sleboda, nhà phân tích quốc tế và an ninh tại Moscow, cho rằng Ankara mua S-400 từ Nga để đảm bảo sự độc lập trong trường hợp đảo chính do chính lực lượng không quân của họ tiến hành và có lẽ không có ý định tích hợp chúng vào các hệ thống của NATO như điều mà Mỹ lo sợ.

Theo chuyên gia Sleboda, những lo ngại của Washington không có cơ sở, bởi vì “động cơ thực sự của ông Erdogan để có được S-400 của Nga là để bảo vệ ông ta chống lại nguy cơ quân đội đảo chính”.

“S-400 có những khả năng mà Thổ Nhĩ Kỳ không có vào lúc này... Hơn nữa, S-400 không tích hợp với các hệ thống NATO. Và NATO cũng không thể vô hiệu hóa S-400, như những gì đã xảy ra trong Chiến tranh Vùng Vịnh giữa Iraq và Koweit. Iraq đã mua các hệ thống phòng không của Pháp, hệ thống này đã bị các tín hiệu từ Mỹ vô hiệu hóa từ xa”, ông Sleboda nói.

Nếu Mỹ và các nước NATO khác có lập trường chính trị chống lại Thổ Nhĩ Kỳ và quyết định thay đổi quyền lực ở nước này thì S-400 sẽ cho phép Tổng thống Erdogan “phòng thủ chống lại điều đó”.

Hầu hết các cuộc đảo chính quân sự ở Thổ Nhĩ Kỳ chống lại ông Erdogan đều do không quân nước này thực hiện. Ông Sleboda nói thêm rằng không quân là một trong những đơn vị có xu hướng thân phương Tây nhất của lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ. Đơn vị này không chỉ sử dụng nhiều thiết bị do phương Tây sản xuất mà còn được đào tạo từ các quốc gia phương Tây, do đó là mối nguy hiểm chính trị lớn nhất đối với ông Erdogan.

“Ông Erdogan không chỉ có thể sử dụng hệ thống phòng không của Nga chống lại các nước thành viên NATO và các quốc gia khác như Israel, được trang bị vũ khí của Mỹ, mà còn có thể sử dụng hệ thống phòng không của Nga trong trường hợp bị đảo chính. Vì vậy, đây là một cách mà Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ bảo vệ bản thân trước chính quân đội của mình”, Sleboda lưu ý.

Tổng thống Erdogan nhiều lần nói rằng ông không phải xin phép bất cứ ai khi bảo vệ đất nước của mình và nói rằng đó là “một vấn đề đã được quyết định và không thể thay đổi”.

Mộc Thạch (tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/xung-quanh-viec-tho-nhi-ky-mua-he-thong-s-400-cua-nga-553615/