Xung quanh vụ máy bay trinh sát Đức bị tàu chiến Trung Quốc chiếu laser ở Biển Đỏ

Ngày 8/7, Bộ Ngoại giao Đức cho biết họ đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc tại Berlin về một vụ việc mà bộ này cho rằng 'hoàn toàn không thể chấp nhận được'.

Thông báo của Bộ Ngoại giao Đức trên nền tảng mạng xã hội X về vụ việc. Ảnh chụp màn hình

Thông báo của Bộ Ngoại giao Đức trên nền tảng mạng xã hội X về vụ việc. Ảnh chụp màn hình

Trang thông tin TWZ cho biết một tàu chiến Trung Quốc đã chiếu laser vào một máy bay trinh sát của Đức đang hoạt động trên không phận Biển Đỏ. Sự việc bị cáo buộc xảy ra vào tuần trước, khi máy bay của Đức đang hỗ trợ Chiến dịch Aspides của Liên minh châu Âu (EU), bắt đầu từ tháng 2/2024 nhằm bảo vệ hoạt động hàng hải ở Biển Đỏ trước các cuộc tấn công của lực lượng Houthi ở Yemen.

Trong một tuyên bố đưa ra trên nền tảng mạng xã hội X hôm 8/7, Bộ Ngoại giao Đức cho biết họ đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc tại Berlin để yêu cầu giải thích về vụ việc. “Việc đe dọa tính mạng nhân viên Đức và gây gián đoạn hoạt động thực thi nhiệm vụ là hoàn toàn không thể chấp nhận được”, tuyên bố viết.

Theo các báo cáo trên truyền thông Đức, chiếc máy bay trinh sát nói trên do một nhà thầu vận hành, bay từ Djibouti. Ngoài phi hành đoàn dân sự, trên máy bay còn có tới bốn quân nhân thuộc Lực lượng Vũ trang Đức. Chiếc máy bay bị chiếu laser khi đang bay ngoài khơi Yemen vào ngày 2/7.

Tạp chí Der Spiegel của Đức đưa tin, vụ việc xảy ra khi chiếc máy bay trên tiếp cận một tàu hộ vệ thuộc Hải quân Trung Quốc (PLAN), và chiếc tàu này đã chiếu laser vào máy bay. Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đức cho biết tàu chiến Trung Quốc không được nêu tên này đã nhiều lần xuất hiện trong khu vực trước đây, và đã “chiếu laser vào máy bay trong một chuyến bay thực hiện nhiệm vụ thông thường mà không có lý do hay thông báo trước”. Sau khi bị chiếu laser, chiếc máy bay trinh sát của Đức buộc phải hủy bỏ nhiệm vụ và quay trở về Djibouti.

Loại laser được sử dụng chưa được xác định chi tiết, nhưng công nghệ laser quân sự bao gồm nhiều hệ thống với mức độ công suất khác nhau, một số đủ mạnh để gây ra mối đe dọa nghiêm trọng. Tùy theo công suất, laser có thể làm mù tạm thời các thiết bị quang học hoặc tầm nhìn của con người, thậm chí có thể gây hư hỏng vĩnh viễn. Các loại laser mạnh hơn còn có thể đốt thủng cấu trúc máy bay, làm vô hiệu hóa hoặc phá hủy thiết bị.

Theo Der Spiegel, “thiệt hại tiềm ẩn hiện chưa rõ và đang được điều tra thêm”.

Bộ Ngoại giao Đức cho biết các chuyến bay trinh sát đã được nối lại sau sự cố.

Phía Trung Quốc chưa đưa ra bình luận tức thời về vụ việc.

TWZ cho biết chiếu laser vào máy bay hoặc tàu thuyền khác, dù là quân sự hay không, rõ ràng là một hành động nguy hiểm và có khả năng dẫn đến hậu quả pháp lý. Việc sử dụng laser như vậy có thể vi phạm Bộ Quy tắc Ứng xử đối với các cuộc chạm trán không lường trước trên biển (CUES), trong đó đặc biệt đề cập đến việc sử dụng laser gây nguy hại cho con người hoặc thiết bị.

Các hệ thống laser trên tàu chiến đang ngày càng phổ biến, kể cả trong Hải quân Mỹ, và hiện nay bao gồm nhiều loại có công suất và chức năng khác nhau. Ở cấp thấp là các thiết bị laser cầm tay gây lóa mắt, tiếp theo là các loại phức tạp hơn dùng để gây nhiễu và đối phó với nhiều loại cảm biến khác nhau, bao gồm cảm biến trên tàu mặt nước, máy bay,UAV và thậm chí một số tên lửa chống hạm. Còn có các vũ khí laser mạnh hơn nhiều, chủ yếu nhằm tiêu diệt chứ không chỉ gây nhiễu.

Theo TWZ, khi sức mạnh mở rộng sang các khu vực mới. PLAN dường như sẵn sàng sử dụng hệ thống laser và không có gì ngạc nhiên khi Berlin phản ứng mạnh mẽ như vậy, dù hiện chưa rõ Bắc Kinh sẽ phản hồi ra sao. PLAN rõ ràng đang ngày càng nắm bắt tiềm năng của vũ khí laser trên biển, thể hiện qua việc trang bị vũ khí laser trên một tàu đổ bộ tấn công Type 071, tương tự như những hoạt động mở rộng của Mỹ và các quốc gia khác trong lĩnh vực này.

Đồng thời, các quan chức châu Âu ngày càng lo ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc đối với các cơ sở hạ tầng chiến lược, bao gồm các tuyến hàng hải trọng yếu. Điều này hiện nay không chỉ là mối lo ngại ở Biển Đỏ mà còn ở biển Baltic và vùng Cực Bắc, nơi Trung Quốc cũng đang gia tăng ảnh hưởng.

Tuy nhiên, với việc chính thức triệu tập Đại sứ Trung Quốc, Đức đã thực hiện một động thái ngoại giao khá mạnh mẽ nhằm phát đi thông điệp không hài lòng về hành vi bị cáo buộc của PLAN ở Biển Đỏ.

Thành Nam/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/ho-so-quan-su/xung-quanh-vu-may-bay-trinh-sat-duc-bi-tau-chien-trung-quoc-chieu-laser-o-bien-do-20250709182042302.htm