Xung quanh vụ người đàn ông bị hổ tấn công ở DNTN Thanh Cảnh
Ngày 11-6, trao đổi với Báo CAND, ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Bình Dương, cho biết: Liên quan đến việc ông Võ Thành Quới (SN 1970, ngụ An Giang), nhân viên cũ của DNTN Thanh Cảnh (Khu du lịch Thanh Cảnh, thị xã Thuận An) tiếp cận khu vực chuồng nuôi 3 con hổ trưởng thành và bị hổ cắn đứt lìa sát nách phần cánh tay phải, riêng cánh tay trái thì bị đứt lìa nửa tay.
Đến nay, chủ cơ sở đã cam kết chăm lo thuốc men, sức khỏe cho anh Qưới tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) đến khi hồi phục thương tích, thậm chí sau khi nạn nhân xuất viện.
“Từ khi nhận được tin báo, Sở NN và PTNT tỉnh Bình Dương đã trực tiếp phối hợp cùng Công an tỉnh và các cơ quan khác nhanh chóng có mặt hiện trường điều tra làm rõ vụ việc. Qua đó, bước đầu xác định, cách đây khoảng 10 năm, anh Qưới là nhân viên cũ của DNTN Thanh Cảnh. Chiều 4-6, anh Quới trong tình trạng say xỉn đã trở lại cơ sở này chơi để thăm các bạn. Anh Qưới chọc ghẹo hổ và gặp nạn. Về trách nhiệm hành chính hay hình sự, sở đã đề nghị cơ quan Công an điều tra làm rõ, kết luận xử lý theo quy định của pháp luật”, ông Phạm Văn Bông, nhấn mạnh.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương, cho biết: Trên địa bàn có 3 cơ sở được cấp phép nuôi hổ theo quy định. Trong đó Khu du lịch Thanh Cảnh hiện đang nuôi 5 cá thể hổ; vườn thú Khu du lịch Đại Nam đang nuôi 31 cá thể hổ và tại cơ sở nuôi Công ty Thái Bình Dương (thị xã Dĩ An) đang nuôi 14 cá thể hổ. Ngoài vụ, anh Quới bị hổ tấn công chiều 4-6, trước đó chiều 10-9-2009, trong lúc 3 nhân viên vườn thú Khu du lịch Đại Nam đang trồng cây xanh bất ngờ bị một con hổ chuồng kế bên nhảy qua vách ngăn cao 3m tấn công khiến ông Nguyễn Công D. (47 tuổi) bị hổ cắn chết tại chỗ. Chiều 23-9-2016, ông Lương Văn H. (40 tuổi, quê Thái Bình) cho con hổ cái nặng 120kg ăn tại chuồng nuôi của Công ty Thái Bình Dương, phường Bình An, thị xã Dĩ An thì bất ngờ bị hổ cắn tử vong tại chỗ.
Nói về vấn đề trên, ông Dương Thành Phi, chuyên gia có kinh nghiệm 24 năm chăm sóc, nuôi dưỡng hổ, cho biết: Bản tính hoang dã luôn có trong các loài thú rừng, nhất là loài hổ. Dù được nuôi từ bé, bản năng hoang dã vẫn tiềm ẩn, khi gặp điều kiện hổ sẵn sàng tấn công kể cả đó là người chăm sóc hàng ngày. Một hổ con nuôi nếu cách ly với mẹ thì chúng có thể không nhanh chóng học được các bản năng hoang dã từ mẹ. Nếu nó gần hổ mẹ lâu ngày, dù hổ con được người chăm sóc, thuần dưỡng nhưng vẫn nhanh chóng học được các kỹ năng tấn công, săn mồi từ hổ mẹ. Nếu chúng tiếp cận thường xuyên như vậy thì rất dễ xảy ra các vụ tấn công con người, ngay cả người hàng ngày chăm sóc, cho chúng ăn.
Cũng theo ông Phi, đặc tính hổ thường phản ứng bằng cách tấn công bất cứ cá thể, vật thể nào di chuyển vào khu vực được chúng đánh dấu là lãnh địa của mình. Trường hợp ông Quới bị hổ của DNTN Thanh Cảnh tấn công có thể do sự xuất hiện đột ngột của nạn nhân tạo tiếng động lạ, khiến bản năng hoang dã của chúng trỗi dậy.
Ngoài ra, có thể nạn nhân tiếp cận chúng trong người có mùi rượu khiến hổ lao vào tấn công, cho dù trước đó nạn nhân đã từng chăm sóc, cho hổ ăn. Trên thế giới, ngay cả những người huấn luyện thú, các diễn viên xiếc thú cũng bị hổ, sư tử tấn công ngay khi họ đang diễn. Nguyên nhân do họ từ buổi tiệc trở về người có mùi rượu, hay xức nước hoa tạo mùi lạ khiến họ bị tấn công khi đang trình diễn…