Xứng tầm đô thị lõi của thành phố Vĩnh Phúc tương lai
Với vai trò là đô thị trung tâm, cùng sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, thành phố Vĩnh Yên đã phát huy nội lực, thực hiện tốt công tác quy hoạch và đầu tư xây dựng, nâng cấp hạ tầng đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại, liên hoàn, kiến trúc đô thị hài hòa với thiên nhiên. Qua đó, từng bước hoàn thiện các tiêu chí của đô thị loại I, cơ bản trở thành đô thị xanh, hướng tới đô thị thông minh, phù hợp với quy hoạch chung xây dựng đô thị Vĩnh Phúc.
Từ những quyết sách đúng đắn...
Nằm trong lõi quy hoạch chung đô thị Vĩnh Phúc, để nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý đô thị, phát triển không gian thành phố với vai trò đô thị hạt nhân của tỉnh, thành phố Vĩnh Yên đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành của tỉnh trong việc rà soát, hoàn chỉnh các quy hoạch liên quan.
Giai đoạn 2014-2021, trên địa bàn thành phố đã triển khai 21 đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 nhằm cải tạo chỉnh trang và phát triển đô thị tại các xã, phường và 42 đồ án quy hoạch chi tiết các khu chức năng đô thị như khu đất ở, dự án nhà ở đô thị, khi đô thị mới, công viên cây xanh… Đến nay, trên địa bàn thành phố đã phủ kín 100% quy hoạch chung đô thị và quy hoạch phân khu đô thị.
Sau khi được công nhận là đô thị loại II (năm 2014), thành phố Vĩnh Yên tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng và phát triển đô thị theo hướng đảm bảo các tiêu chí đô thị loại I.
Trong quá trình triển khai, thành phố có nhiều thuận lợi nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; đặc biệt là các chính sách đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị, chủ trương đưa các dự án phát triển đô thị về Vĩnh Yên và nhiều quyết sách quan trọng, tạo tiền đề cho sự phát triển tổng thể của thành phố đã được ban hành như Nghị quyết số 07 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển thành phố Vĩnh Yên đến năm 2020, định hướng đến năm 2030"; Nghị quyết số 04 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Đầu tư tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2025” với tổng số vốn đầu tư cho các dự án hạ tầng đô thị trên địa bàn thành phố hơn 11.000 tỷ đồng.
Trên cơ sở quy định của Trung ương và của tỉnh, Vĩnh Yên đã nghiên cứu, vận dụng các chính sách ưu đãi đầu tư trên địa bàn nhằm chủ động tăng cường cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng đô thị; khuyến khích, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị; đồng thời, sử dụng các nguồn vốn đầu tư phát triển theo hướng tập trung, nâng cao hiệu quả.
... Hình thành đô thị trung tâm đáng sống, văn minh, hiện đại
Trên cơ sở đó, kết cấu hạ tầng đô thị của thành phố từng bước được đầu tư đồng bộ với việc mở rộng, nâng cấp các tuyến đường giao thông, hệ thống thoát nước, quy hoạch hệ thống cây xanh đô thị, công viên, vườn hoa, đèn, điện chiếu sáng, điện trang trí…
Hàng loạt công trình lớn, trọng điểm đã và đang được triển khai, tạo điểm nhấn cho thành phố như Công viên Quảng trường Hồ Chí Minh, Nhà hát tỉnh, Chợ Vĩnh Yên, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc, Trường THCS Vĩnh Yên…
Một số công trình, dự án đang chuẩn bị đầu tư trong thời gian tới như Đài PT-TH tỉnh, Trung tâm triển lãm, giới thiệu thành tựu kinh tế-xã hội tỉnh, Thư viện tỉnh…
Mạng lưới giao thông trên địa bàn được đầu tư xây dựng với quy mô tương đối hiện đại, đồng bộ và có tính liên thông, liên kết cao giữa các địa phương trong tỉnh. Các dự án đường vành đai 1, đường vành đai 2, đường hướng tâm và các tuyến đường nội thị chính trên địa bàn thành phố được triển khai đã góp phần đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, mở rộng không gian đô thị, từng bước hình thành khung đô thị Vĩnh Phúc.
Bên cạnh đó, thành phố đã và đang triển khai một số dự án cải tạo, chỉnh trang các tuyến đường nội thị với các hạng mục như lát vỉa hè, trồng bổ sung cây xanh, hạ ngầm hệ thống điện và hệ thống đường dây thông tin liên lạc, cải tạo hệ thống chiếu sáng, hệ thống thoát nước, hào kỹ thuật… nhằm đảm bảo cảnh quan, mỹ quan đô thị.
Các dự án đầu tư xây dựng đô thị trên địa bàn thành phố tăng nhanh về số lượng và được phân bổ hợp lý, góp phần tăng tỷ lệ đô thị hóa, tăng nhu cầu lao động, việc làm, giải quyết lao động dôi dư từ khu vực nông thôn.
Giai đoạn 2014-2021, trên địa bàn thành phố đã có 11 dự án đô thị, nhà ở được chấp thuận đầu tư, chấp thuận và quyết định chủ trương đầu tư, nâng tổng số lên 31 dự án với diện tích sử dụng đất là 714,3 ha; sau khi hoàn thành, các dự án sẽ đáp ứng chỗ ở cho gần 111.800 người.
Đối với hạ tầng thoát nước mưa, để khắc phục tình trạng ngập úng tại một số tuyến đường khi có mưa to kéo dài, thành phố tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án xây dựng các tuyến cống trục chính, cải tạo và mở rộng một số tuyến cống chưa đảm bảo khả năng thoát nước; cải tạo, nạo vét hồ Đầm Vạc để tăng khả năng chứa nước và bảo vệ cảnh quan môi trường…
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quy hoạch xây dựng trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên còn gặp một số khó khăn, vướng mắc do hệ thống quy hoạch ngành, quy hoạch lĩnh vực còn chồng chéo, không đồng bộ, dẫn đến công tác quy hoạch xây dựng phải điều chỉnh hoặc chưa thống nhất với các quy hoạch liên quan.
Xu hướng tập trung đô thị hóa trên địa bàn ngày càng gia tăng, đặc biệt là tại vùng lõi thành phố đã tạo áp lực lớn lên hệ thống hạ tầng; tiến độ triển khai các dự án hạ tầng kỹ thuật khung đô thị còn chậm, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các dự án giao thông lớn; tiến độ triển khai các dự án nhà ở, đô thị còn chậm so với tiến độ được duyệt...
Để phát huy tốt vai trò trung tâm tỉnh lỵ, đô thị lõi của thành phố Vĩnh Phúc trong tương lai, thành phố Vĩnh Yên tiếp tục tăng cường xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại; khắc phục những hạn chế về quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch.
Cùng với đầu tư các dự án giao thông đô thị và các dự án trọng điểm ưu tiên về hạ tầng xã hội, thành phố tiếp tục quan tâm đến các dự án trồng cây xanh theo quy hoạch, xây dựng cơ chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị Vĩnh Yên theo tiêu chí xanh, sạch, đẹp.
Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đô thị mới, hình thành nên các khu đô thị kiểu mẫu, đáng sống, văn minh, hiện đại nhưng cũng đậm chất văn hóa, mang bản sắc riêng; chú trọng xây dựng nếp sống văn minh đô thị, bảo vệ môi trường…