Xuống giống lúa thuận lợi nhờ nguồn nước tưới ổn định

Thời điểm này, nông dân các địa phương đang tập trung xuống giống, chăm sóc lúa đông xuân 2022- 2023 với kỳ vọng một mùa vụ bội thu. Chúng tôi ghi nhận không khí sản xuất tại huyện Bắc Bình, một vựa lúa ở phía bắc tỉnh.

Lúa gieo kín đồng

Những ngày này, cánh đồng Ma Khốc ở thị trấn Lương Sơn, huyện Bắc Bình đã trải một màu xanh của mạ non. Trái ngược với sự khô khốc như tên gọi vì thiếu nước tưới những năm trước đây, nông dân hầu như không còn lo chuyện tưới tiêu mỗi khi vào vụ. Trên từng bờ ruộng, bà con tranh thủ gieo lúa kín đồng, đắp bờ, bón đạm theo lịch để lúa kịp giai đoạn phát triển. Trời đã gần trưa, nắng chói chang xuống cánh đồng. Tay thoăn thoắt rải phân bón trên trà lúa 23 ngày tuổi, ông Huỳnh Văn Ninh - khu phố Lương Hòa, thị trấn Lương Sơn chia sẻ: “Vụ đông xuân năm nay gia đình xuống giống 1,4 ha. Nhờ nguồn nước từ thủy lợi Đại Ninh, những năm gần đây bà con không phải thấp thỏm chuyện nước tưới cho lúa. Nhờ có nước, cộng thêm điều kiện thời tiết khá thuận lợi, nên năng suất, hiệu quả sản xuất khá hơn mọi năm”.

 Nông dân Huỳnh Văn Ninh chăm sóc lúa

Nông dân Huỳnh Văn Ninh chăm sóc lúa

Sự thuận lợi và kết quả thành công trong giai đoạn đầu sản xuất vụ đông xuân còn có sự nỗ lực của các đơn vị, cá nhân lĩnh vực liên quan, nhất là xây dựng phương án sử dụng nước. Qua đó, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước tưới sản xuất vụ đông xuân.

Trao đổi về vấn đề cấp nước tưới, ông Võ Thành Giác - Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình thủy lợi - Chi nhánh Bắc Bình cho biết: Nguồn nước hiện tại ở các hồ chứa trên địa bàn huyện Bắc Bình đảm bảo phục vụ sản xuất toàn bộ diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ đông xuân gần 13.600 ha, nguồn nước sinh hoạt cho gia súc và các nhà máy nước trong mùa khô. Đơn vị đã triển khai vận động bà con xuống giống kín đồng theo kế hoạch đề ra.

Lực lượng cán bộ thủy lợi tại Bắc Bình kiểm tra hệ thống kênh mương

Lực lượng cán bộ thủy lợi tại Bắc Bình kiểm tra hệ thống kênh mương

Chủ động phòng, chống hạn hán

Ông Nguyễn Hữu Phước - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT đã đề nghị Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi phối hợp các địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động đăng ký sử dụng nước sinh hoạt tại các hệ thống nước hiện có. Song song, chủ động các giải pháp phòng, chống hạn hán như nạo vét kênh mương, lắp đặt các trạm bơm dã chiến, đắp đập tạm trên sông, suối. Ngoài ra, đào ao trữ nước, đào, khoan giếng để khai thác nguồn nước ngầm khi xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn nước. Cùng với đó, tận dụng triệt để nguồn nước trên các lưu vực sông, suối tự nhiên, nguồn nước chạy máy phát điện kết hợp cấp nước về hạ du của thủy điện Đại Ninh và Hàm Thuận trữ vào hồ chứa, ao bàu, đập dâng, kênh trục chính, phục vụ chống hạn khi cần thiết…

Sở Nông nghiệp và PTNT cũng đề nghị Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình thủy lợi tỉnh khẩn trương kiểm tra, rà soát, đánh giá thực trạng hoạt động của các hệ thống công trình thủy lợi do đơn vị khai thác tại các địa phương. Qua đó, xây dựng kế hoạch bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi năm 2023 theo quy định. Bảo đảm công trình hoạt động an toàn, duy trì năng lực trữ nước, lấy nước, cấp nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Trong đó ưu tiên bảo dưỡng, nạo vét các hệ thống kênh để kịp thời lấy nước, cấp nước sản xuất vụ đông xuân năm 2022 - 2023 xuyên suốt.

Khung thời vụ chung đông xuân 2022- 2023 trên toàn tỉnh từ ngày 25/11/2022 đến ngày 20/1/2023. Tuy nhiên, nông dân tập trung xuống giống trong thời gian từ ngày 5/12/2022 đến ngày 5/1/2023. Tùy theo tình hình thực tế của địa phương để bố trí lịch thời vụ gieo trồng cho phù hợp, bảo đảm không ảnh hưởng đến thời gian của các mùa vụ tiếp theo.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/xuong-giong-lua-thuan-loi-nho-nguon-nuoc-tuoi-on-dinh-104786.html