Xưởng sản xuất chân tay giả miễn phí cho người khuyết tật
Tại căn nhà trong ngõ Gốc Đề, phường Minh Khai (Hà Nội), suốt 15 năm qua, bác sĩ Lê Thành Đô cùng những cộng sự của mình hàng ngày miệt mài làm chân tay giả miễn phí giúp những người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn.
Công tác tại khoa Kỹ thuật Chỉnh hình - Trường Đại học Lao động Xã hội, sau khi nghỉ hưu, bác sĩ Lê Thành Đô quyết định biến căn phòng nhỏ tại ngôi nhà tập thể của gia đình thành xưởng sản xuất dụng cụ chỉnh hình miễn phí cho người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn.
“Tôi là bác sĩ chỉnh hình, thương binh loại 2, nghỉ hưu từ năm 2006. Cảm thông với những người khuyết tật nghèo, không có tiền nên tôi mở xưởng giúp họ có một bộ phận cơ thể mới để cuộc sống được thuận tiện hơn”, bác sĩ Đô chia sẻ.
Để tạo ra một dụng cụ chỉnh hình cần sự tỉ mỉ đến từng chi tiết. Chính vì vậy, đòi hỏi kỹ thuật viên chỉnh hình phải có tay nghề cao thì người khuyết tật mới cảm thấy thoải mái mỗi khi sử dụng dụng cụ.
“Lắp được một chiếc tay, chân giả phải trải qua khá nhiều công đoạn kỳ công như thử tay, chân, đổ bột, mài giũa sao cho phù hợp với từng người. Mỗi dụng cụ chỉnh hình làm ra phải thuận tiện và dễ chịu nhất đối với những người phải thường xuyên mang nó như một phần cơ thể của mình. Ở đây chúng tôi chia nhau mỗi người một việc, làm thật tỉ mỉ và cẩn thận để đảm bảo cả tính thẩm mỹ, giúp mọi người có thêm tự tin khi sử dụng”, bác sĩ Trần Thu Nguyệt – Kỹ thuật tại xưởng sản xuất chia sẻ.
Mất đi đôi chân lành lặn trong lúc làm việc ở nhà máy gạch, cuộc sống của anh Phạm Thanh Tuyền (Ninh Bình) tưởng chừng như đi vào ngõ cụt. Tìm đến Trung tâm Tư vấn và Trợ giúp dụng cụ chỉnh hình cho người tàn tật, anh Tuyền đã được hỗ trợ miễn phí làm lại bên chân đã mất, giúp anh tìm lại được cuộc sống thường nhật của mình.
“Đây là lần thứ 3 tôi đến xưởng sản xuất của bác sĩ Đô để thay chân. Mỗi lần tôi đến, bác đều hỏi thăm sức khỏe, ân cần chỉ dạy cách giữ gìn chiếc chân giả. Cuộc sống của tôi như được sang một trang mới, tôi có thể tiếp tục làm việc và giúp đỡ gia đình”, anh Tuyền nói.
Không chỉ giúp người khuyết tật có được đôi chân, đôi tay giả, bác sĩ Lê Thành Đô còn động viên, tư vấn cách vận động, giúp họ lấy lại được sự ổn định tâm lý, có niềm tin hơn vào cuộc sống, vào bản thân mình.
“Có được đôi chân giả này tôi không còn cảm thấy tự ti, mặc cảm. Bản thân tôi còn kiếm được những việc làm phù hợp với điều kiện bản thân và sức khỏe”, chị Đàm Thị Na (Lạng Sơn) chia sẻ.
Kể từ khi thành lập đến nay, Trung tâm Tư vấn và Trợ giúp dụng cụ chỉnh hình cho người tàn tật đã hỗ trợ được 450 chân giả, hơn 300 tay giả và 1.200 trường hợp bệnh nhân đến thăm khám. Ngoài hoạt động tại xưởng sản xuất, bác sĩ Lê Thành Đô cùng các cộng sự còn tham gia các hoạt động hỗ trợ người khuyết tật tại các tỉnh, thành phố khác trên cả nước, giúp đỡ những người già neo đơn và gia đình có công với cách mạng.
“Cho đi không phải để nhận lại”, những gì mà bác sĩ Lê Thành Đô và các cộng sự của mình đã và đang làm khiến cho cuộc sống này thêm đẹp đẽ hơn. Những đôi chân, tay giả nhưng lại mở ra cánh cửa mới, ấp ủ những hy vọng vào tương lai của người khuyết tật.