Xuyên biên giới khám phá địa điểm du lịch 'hot' của giới trẻ
Hà Khẩu là địa điểm du lịch đang được nhiều bạn trẻ Việt Nam háo hức lên lịch và khám phá ẩm thực, cảnh vật, văn hóa và con người ở mảnh đất này.
Hà Khẩu là một huyện cửa khẩu của tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Đây là điểm đến được nhiều bạn trẻ yêu thích lựa chọn trải nghiệm, khám phá. Khi du lịch Lào Cai, nhiều bạn đã tranh thủ đến thị trấn Hà Khẩu phía bên kia biên giới để du lịch.
Dạo gần đây, địa điểm du lịch Hà Khẩu khá hot, mọi người check-in rần rần với những tấm ảnh đẹp đã thôi thúc nhiều bạn trẻ muốn ghé qua một lần.
Hoài Nguyễn - cô nàng Travel Blogger tự do ở Hà Nội, vừa có chuyến vi vu 2 ngày 2 đêm đến Sa Pa (Lào Cai) kết hợp với Hà Khẩu cùng bạn bè.
Nói về lý do kết hợp chuyến đi này, cô gái sinh năm 1999 nói với Tạp chí Du lịch TP. HCM: “Mình chọn du lịch Hà Khẩu bởi đây là địa điểm du lịch khá hot dạo gần đây. Là một huyện biên giới của Trung Quốc nhưng đường đi và thủ tục để đến Hà Khẩu cũng khá dễ dàng, thêm nữa từ cửa khẩu Lào Cai đến Sa Pa cũng chỉ mất khoảng gần tiếng đồng hồ đi xe, nên chúng mình quyết định kết hợp hai địa điểm này với nhau”.
Lần đầu tiên trong đời đi đến một địa điểm ngoài lãnh thổ Việt Nam, Hoài cảm thấy lạ lẫm. Cô nàng cũng không biết tiếng Trung nên mọi thứ khá mới mẻ.
“Bù lại, mình được trải nghiệm khá nhiều điều thú vị và mới lạ từ ẩm thực, cảnh vật đến văn hóa, con người. Mình nghĩ, với những ai chưa có kinh nghiệm đi nước ngoài và muốn lựa chọn một địa điểm dễ đi, có thể khám phá trong ngày như mình thì Hà Khẩu là sự lựa chọn hợp lý”, Hoài chia sẻ.
Một tình huống “dở khóc dở cười” và cũng là kỷ niệm đáng nhớ nhất trong chuyến đi này với Hoài là bị khai báo y tế nhầm thông tin và phải ở lại cửa khẩu Trung Quốc.
“Chúng mình có đặt bên dịch vụ làm sổ thông hành khai báo y tế qua WeChat trước để quét mã cho nhanh, nhưng thông tin của mình bị sai và phải ở lại. Lúc đó, chúng mình đã ở bên đất Trung Quốc, mình không có biết tiếng Trung, nhân viên bên này cũng không nói tiếng Anh. Các bạn trong nhóm mình đi qua cửa khai báo thì không được ở lại, cũng không được dùng điện thoại nên lúc đấy mình khá hoảng. Phải chờ mất hơn 30 phút, bên dịch vụ làm sổ mới hỗ trợ được nên với mình có lẽ đây là kỷ niệm đáng nhớ nhất”, Hoài kể lại.
Tại Hà Khẩu, ngày đầu tiên vì chờ xếp hàng qua cửa khẩu khá lâu nên nhóm Hoài đã ghé qua một số địa điểm nổi bật như trà sữa YH Tang, mực nướng ông trọc, công viên Ánh Sáng, ga tàu hỏa Hekou, công viên dưới lòng đất, phố đi bộ ăn kẹo hồ lô, lạp xưởng..., trà sữa 123, quán bánh bao, há cảo nhỏ tại gần cửa khẩu...
Mọi người di chuyển về Sa Pa trong tối ngày đầu tiên nên có nguyên một ngày hôm sau để chơi và trải nghiệm những điều mới tại “thị trấn sương mù”.
Họ ăn sáng, check-in vài kiểu tại khách sạn, rồi dạo quanh một số địa điểm nổi bật gần quảng trường như Sunplaza, nhà thờ cổ, hồ Sapa, đi dạo một vài con dốc ở gần đó và ăn trưa.
Chiều đến, thời tiết hửng sáng hơn nên cả nhóm Hoài quyết định đi xe xuống Tả Van ngắm đồi núi, cafe tám chuyện và đi bộ xuống suối Mường Hoa kiếm vài chiếc ảnh.
Vào khoảng 18h, các du khách di chuyển về lại thị trấn, ăn tối dạo quanh tại quảng trường tận hưởng chút không khí Sa Pa ban đêm. Tầm 21h30’, nhóm Hoài về phòng dọn đồ và di chuyển ra xe về Hà Nội.
“Đến Sa Pa, mọi người có thể thử một số món ăn như cốn sủi, lẩu cá tầm, gỏi cá hồi, ngựa hấp bia hay một số món bản địa như thắng cố, khâu nhục, cơm lam, gà nướng bản...”, Hoài cho biết.
Hoài cũng đã chia sẻ một số lưu ý khá cần thiết dành cho các bạn di chuyển đến Sa Pa - Hà Khẩu.
Với sổ thông hành, mọi người nên đặt làm sổ trước khoảng 4-5 ngày. Lưu ý trước ngày đi nên nhắn bên làm sổ để check lại thông tin trước một lần tránh trường hợp bị sai lệch thông tin sẽ ảnh hưởng đến lịch trình chuyến đi.
“Trước khi đặt dịch vụ, mọi người nên hỏi về thời gian trả sổ vì nếu bạn nhận được sổ sớm, xếp hàng sang sớm thì thời gian chờ sẽ đỡ lâu hơn. Mọi người cũng nhớ là phải mang theo căn cước công dân để làm thủ tục qua cửa khẩu”, Hoài nói.
Hoài chia sẻ, về việc đổi tệ, gần cửa khẩu bên mình và bên Hà Khẩu đều có rất nhiều người đổi tệ. Hoài di chuyển trong ngày, ăn uống và mua đồ về không nhiều thì hết khoảng 100-150 tệ. Nếu sang bên kia có thiếu vẫn có nhiều người đổi nên mọi người có thể yên tâm.
“Mọi người cũng nên học trước một vài từ Trung Quốc cơ bản và chụp hoặc note offline lại các địa điểm muốn đi bằng tiếng Trung để dễ hỏi đường cũng như bắt xe. Việc khai báo y tế cũng rất quan trọng. Hiện tại, mình thấy các bên dịch vụ làm sổ thông hành cũng hỗ trợ khai báo y tế cho bạn. Mọi người nên check lại thông tin cẩn thận”, Hoài cho hay.
Phương tiện di chuyển:
Nhóm Hoài lựa chọn xe giường nằm khứ hồi Hà Nội - Sa Pa của Hà Sơn - Hải Vân. Chiều đi sẽ dừng ở TP. Lào Cai, đi xe trung chuyển ra đến cửa khẩu sẽ tầm 4-5h sáng nếu bạn đi xe chuyến 22h30’.
Từ Hà Khẩu về Sa Pa, nhóm Hoài chọn xe ghép 7 chỗ.
Di chuyến tại Hà Khẩu, các bạn đi bộ và taxi.
Chỗ ở:
Tại Lào Cai: Vì vali đồ đạc nhiều nên nhóm Hoài đã chọn book khách sạn gần cửa khẩu để cất đồ cũng như nghỉ ngơi vào sáng sớm.
Tại Sa Pa: Vì Hoài đã đi Sa Pa và có trải nghiệm khá tốt nên chuyến này, cả nhóm quyết định tiếp tục ở tại D Home Sapa.
Hải Vân - Ảnh: NVCC