Xuyên đêm vận động, di dời người dân khu vực bờ vở sông Hồng đến nơi an toàn
Ngay trong đêm 10/9, ông Nguyễn Hoành Dũng - Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, đã trực tiếp cùng lực lượng chức năng đi đến gần 20 hộ với khoảng 70 nhân khẩu nằm dọc bờ sông Hồng, vận động, tuyên truyền, cương quyết di dời người dân đến nơi an toàn trước khi nước sông Hồng lên cao.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong khoảng từ 12 đến 24 giờ tới, mực nước sông Hồng, đoạn qua Hà Nội sẽ lên mức báo động 2. Vì thế, những khu vực ven sông như Phúc Xá, Phúc Tân, Bồ Đề, Bạch Đằng, Thanh Lương... sẽ có thể bị ngập sâu.
Ghi nhận của phóng viên Báo Lao động Thủ đô, từ 19h đến sau 23h ngày 10/9, ông Nguyễn Hoành Dũng - Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) phường Bạch Đằng; Trung tá Phan Văn Bốn - Trưởng Công an phường, dẫn đầu tổ công tác đã đến gần 20 hộ gia đình với khoảng 70 nhân khẩu nằm dọc bờ sông Hồng vận động, tuyên truyền, cương quyết di dời người dân đến nơi an toàn trước khi nước sông Hồng lên cao.
"Bà con tự giác, chủ động rời nhà đến tạm cư ở Nhà văn hóa, nếu không sẽ bị áp dụng biện pháp cưỡng chế. Xin nêu rõ, tất cả vì sự an toàn của bà con...", những lời tuyên truyền vừa vận động vừa cương quyết của lực lượng chức năng phường Bạch Đằng.
Được biết, trong số gần 20 hộ chưa di dời vì họ còn một số công việc chưa giải quyết xong. Tuy nhiên, với quyết tâm, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị của phường cũng như nhận thức của mỗi người dân ở khu vực bờ vở sông, các hộ đều đã chủ động các phương án để di dời người và tài sản trước khi nước sông dâng cao.
Chủ tịch UBND phường Bạch Đằng cho biết, ngay sau khi nhận được Công điện của Thành phố và quận, phường đã có thông báo đề nghị người dân khu vực số nhà lẻ đường Bạch Đằng (khu vực bờ vở phía mép nước sông Hồng) phải chủ động có biện pháp di dời người và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm khi nước sông Hồng lên cao.
Từ 19h ngày 10/9, phường đã chia thành 8 nhóm (mỗi nhóm gồm Cảnh sát khu vực, công chức phường, các bác cán bộ cơ sở) đi đến từng nhà vận động người dân di dời. Đến 22h, nếu hộ nào không di dời sẽ thực hiện cưỡng chế (điện lực sẽ đi cùng lúc 22h để cắt điện những hộ phải cưỡng chế). Tính đến 21h, đa số các hộ dân tự giác chấp hành và tự lo chỗ ở, không phải di dân vào nhà văn hóa...
Phường Bạch Đằng là phường có nguy cơ chịu ảnh hưởng mưa lũ sông Hồng nhiều nhất của quận Hai Bà Trưng, với khoảng 250 hộ dân, gần 1.000 nhân khẩu. Trong 250 hộ có khoảng 70 hộ nằm sát mép nước thuộc 4 tổ dân phố có khả năng bị sạt lở.
Theo Chủ tịch UBND phường Bạch Đằng, cấp ủy, chính quyền chủ động xây dựng lực lượng, phương án, kế hoạch sẵn sàng triển khai, thực hiện di dời nhân dân khi xảy ra ngập lụt, sạt lở bờ sông. Các tổ dân phố số 7, 8 và 11 thu dọn, sắp xếp mặt bằng tại các điểm nhà sinh hoạt cộng đồng, bảo đảm vệ sinh môi trường và chuẩn bị các điều kiện để tiếp nhận các hộ dân di chuyển đến nếu có.
"UBND phường sẽ tiếp tục thống kê, rà soát số hộ dân, các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là các hộ sống dọc ven sông Hồng. Trong đó, tập trung tuyên truyền cảnh báo lũ, không cần đợi báo động mà phải chủ động các phương án khi xảy ra sạt lở khi nước sông Hồng dâng cao. Tiếp tục kiểm tra các khu vực có nguy cơ sạt lở tại chân đê và ứng trực 24/24 không để bị động", Chủ tịch UBND phường Bạch Đằng thông tin thêm.
Với hơn 4.000 dân sống ngoài khu vực đê phía bờ vở sông Hồng, tập trung chủ yếu ở hai phường Bạch Đằng và Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng đã chủ động các phương án "4 tại chỗ", sẵn sàng di dời người và tài sản đến nơi an toàn. Trước đó, sáng 10/9, UBND quận Hai Bà Trưng ban hành Công điện về việc tập trung khắc phục hậu quả cơn bão số 3, chủ động ứng phó khi có mưa, lũ, nước sông Hồng lên cao.
Ngay trong sáng 10/9, Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Quang Trung đã đi kiểm tra thực tế công tác phòng, chống mưa lũ của các hộ dân 2 phường ngoài đê sông Hồng là Bạch Đằng và Thanh Lương. Người đứng đầu chính quyền quận Hai Bà Trưng yêu cầu Ban Chỉ huy quân sự quận, Công an quận chỉ đạo Công an các phường, các lực lượng quân đội đóng trên địa bàn phối hợp với UBND các phường triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ, chủ động sơ tán sớm, di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai khi có yêu cầu.
Trong đó, lưu ý công tác truyền thông, bảo đảm mọi người dân nắm được thông tin về nguy cơ mưa lũ, úng ngập, sạt lở đất, tổ chức kiểm soát, hướng dẫn giao thông trong thời gian xảy ra mưa lũ, khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, khu vực nước ngập sâu, thông tin cảnh báo kịp thời đến người dân để chủ động phòng tránh.
Quận Hai Bà Trưng cũng bố trí lực lượng, phương tiện, lương thực, nhu yếu phẩm tại các khu vực xung yếu có nguy cơ xảy ra chia cắt khi mưa lũ lớn, sạt lở đất, ngập lụt để kịp thời thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ người dân khi có tình huống. Chủ động huy động phương tiện, lực lượng, ngân sách và các nguồn lực của phường để triển khai ngay công tác khắc phục hậu quả thiên tai.