Xuyên tạc chất lượng vắc-xin - thủ đoạn nham hiểm của các thế lực thù địch
Tiêm vắc-xin là biện pháp bền vững trong phòng, chống dịch Covid-19. Vì vậy, Đảng và Nhà nước ta tập trung chỉ đạo, triển khai chiến lược vắc-xin, coi đây là “chìa khóa” để vượt qua đại dịch. Đây cũng là một nội dung mà các thế lực thù địch, phần tử cơ hội, bất mãn tập trung chĩa mũi nhọn để chống phá, trong đó, chiêu trò kích động, chia rẽ được các thế lực phản động triệt để sử dụng. Họ tự so sánh chất lượng của từng loại vắc-xin ở các quốc gia sản xuất, rồi tự nhận định rằng loại này tốt hơn loại kia và khuyến cáo người dân tẩy chay không sử dụng vắc-xin Trung Quốc.
Sự kiện Việt Nam sử dụng vắc-xin Sinopharm của Trung Quốc cũng được các hãng truyền thông như Đài Á Châu tự do, VOA, RFI, các trang web của Việt Tân, Hội anh em dân chủ, Chân trời mới, các blogger của các đối tượng bất mãn xuyên tạc, công kích chính quyền, bôi nhọ chế độ. Đài Á Châu tự do bóp méo sự thật qua bài viết “Người dân rất sợ vắc-xin Tàu nhưng lãnh đạo không hề lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân”, "Người dân vì cần thẻ xanh để đi làm kiếm cơm, đành nhắm mắt đưa tay tiêm vắc xin Tàu",...
Thâm hiểm hơn, trang “BBC News Tiếng Việt” đăng status xuyên tạc, kích động chia rẽ vùng, miền kiểu “Người dân Sài Gòn đã còng lưng nộp thuế nhiều nhất cho ngân sách quốc gia thì hãy tìm cách nuôi dưỡng nguồn lực của thành phố, nguồn lực ấy chính là dân Sài Gòn”, bài “Suy nghĩ về một món quà vắc-xin”,... Còn trên mạng xã hội, một tài khoản Facebook đã đăng tải thông tin kèm di ảnh, cáo phó của một người với nội dung tiêm vắc-xin Trung Quốc ngừa Covid-19 bị tử vong. Hàng loạt trang cá nhân chia sẻ lại thông tin này với cùng nội dung “Tử vong sau khi tiêm vắc-xin Trung Quốc, mọi người cảnh giác khi tiêm”,...
Trên thực tế, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, có nơi rất nghiêm trọng, Đảng và Nhà nước, các cấp ủy, chính quyền và người dân cả nước đang làm hết sức mình với nhiều giải pháp quyết liệt để sớm ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh, trong đó có chiến lược vắc-xin cho người dân. Thời gian qua, tất cả vắc-xin nhập về đều được Bộ Y tế phê duyệt, được cấp phép sử dụng tại hàng trăm quốc gia, vùng lãnh thổ và hầu hết đều được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp.
Trong khi nguồn cung vắc-xin trên thế giới khan hiếm nghiêm trọng, việc ngoại giao vắc-xin được xác định là mũi nhọn, giải pháp vừa cấp bách, vừa lâu dài, nhằm bảo đảm nguồn vắc-xin để tiêm phòng cho 75 triệu người. Ngoại giao vắc-xin là việc tranh thủ các mối quan hệ song phương và đa phương thông qua các tổ chức quốc tế để tăng cường tiếp cận vắc-xin cho người dân. Chúng ta đã triển khai chiến lược ngoại giao vắc-xin hết sức khẩn trương, toàn diện, quyết liệt. Do vậy, chiến lược ngoại giao vắc-xin đã đạt kết quả quan trọng bước đầu.
Trong bối cảnh khan hiếm vắc-xin, nhân dân ta hiểu và đồng tình với Chính phủ trong việc sắp xếp thứ tự ưu tiên tiêm vắc-xin, sử dụng nhanh chóng, kịp thời nguồn vắc-xin được nhập về từ các nước, các nguồn tài trợ, không như các đối tượng thù địch dựng chuyện vu khống, cho rằng đó là sự bất lực của Chính phủ trong việc phân phối vắc-xin. Trên thực tế, việc tiếp nhận, phân phối, sử dụng vắc-xin được công khai, minh bạch và thực hiện theo quy định, quy trình nghiêm ngặt, có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ ở tất cả các khâu. Vắc-xin được phân phối ngay, chọn các địa phương, đơn vị theo từng đợt nhận về.
Người dân tin theo khuyến cáo của Chính phủ và các chuyên gia “Vắc-xin tốt nhất là vắc-xin được tiêm sớm nhất”. Các đợt tiêm, chính quyền địa phương và ngành Y tế đều công bố trước tiêm loại vắc-xin nào để người dân biết và quyết định việc tham gia. Không hề có chuyện Nhà nước bắt ép người dân tiêm loại vắc-xin này hay loại vắc-xin kia. Việc tiêm chủng cũng được thực hiện miễn phí. Nhà nước chưa cho phép tiêm vắc-xin dịch vụ. Không có chuyện Nhà nước đi xin viện trợ rồi tiêm vắc-xin thu tiền như các đối tượng phản động đã rêu rao.
Hơn lúc nào hết, lúc này, người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác với thủ đoạn nham hiểm của các thế lực thù địch, tỉnh táo để tự mình loại bỏ và phản bác lại những thông tin độc hại; cảnh giác với những thông tin chưa được kiểm chứng, thực hiện trách nhiệm công dân trong việc đưa tin, chia sẻ thông tin trên mạng xã hội./.