Xuyên tạc cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Mưu đồ sâu xa của các thế lực thù địch
Những ngày vừa qua, tòa án đưa ra xét xử hàng loạt vụ đại án: Xử phúc thẩm vụ chuyến bay giải cứu, xử sơ thẩm vụ việc xảy ra tại Công ty Việt Á… thể hiện tinh thần đấu tranh không khoan nhượng, không có vùng cấm của Đảng đối với nạn tham nhũng, tiêu cực, được Nhân dân đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, các thế lực thù địch, phản động vẫn ra sức gieo rắc quan điểm sai trái cho rằng chế độ một đảng cầm quyền là nguyên nhân sinh ra tham nhũng và chỉ khi nào Việt Nam thực hiện chế độ đa đảng thì nạn tham nhũng mới được dẹp bỏ.
Trước tiên phải khẳng định, tham nhũng là căn bệnh do quyền lực nhà nước bị thao túng, tha hóa gây ra. Từ khi xuất hiện hình thái nhà nước đầu tiên trên thế giới là đã có nguy cơ sinh ra tham nhũng. Tham nhũng gắn với cá nhân có quyền lực và tham nhũng tồn tại ở mọi chế độ có Nhà nước vì nó luôn gắn với Nhà nước và quyền lực.
Chỉ khi quyền lực nhà nước được kiểm soát chặt chẽ với cơ chế quản lý, phòng ngừa đồng bộ, ngày càng hoàn thiện thì quyền lực sẽ không thể bị lạm dụng, tình trạng tham nhũng mới được kiểm soát và hạn chế. Như vậy, chế độ một đảng lãnh đạo cầm quyền không phải là nguyên nhân sinh ra tệ nạn tham nhũng và cũng không phải là không thể chống được tham nhũng.
Kết quả chống tham nhũng được thế giới công nhận
Báo cáo Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) năm 2022, do Tổ chức Minh bạch quốc tế (Transparency International - TI) vừa công bố đầu năm 2023 cho thấy, Việt Nam là 1 trong 6 quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương có tiến bộ nổi trội, với 42 điểm, tăng 9 điểm kể từ năm 2018.
Trong bảng xếp hạng CPI của 180 quốc gia, vùng lãnh thổ, Việt Nam đã tiến 10 bậc, từ xếp thứ 87 (năm 2021) lên 77 (năm 2022), cho thấy những nỗ lực, sự quyết tâm mạnh mẽ chống tham nhũng trong nước đã được ghi nhận.
Nếu ai đó cho rằng, thực hiện chế độ đa đảng sẽ tạo ra phép màu để triệt tiêu được tham nhũng là hoàn toàn sai lầm. Việt Nam đứng thứ 77 trong bảng xếp hạng 180 quốc gia, vùng lãnh thổ về chỉ số CPI. Như thế có hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ xếp dưới chúng ta trong bảng xếp hạng này. Đại đa số quốc gia đó theo chế độ đa đảng, vậy tại sao hiệu quả phòng, chống tham nhũng kém hơn Việt Nam?
Rõ ràng hiệu quả phòng, chống tham nhũng không phụ thuộc vào chế độ một đảng lãnh đạo hay chế độ đa đảng mà phụ thuộc vào chất lượng của hệ thống pháp luật, năng lực quản trị của Nhà nước và phẩm chất của đội ngũ cán bộ, công chức.
Theo báo cáo của TI, chỉ số CPI của Việt Nam liên tục được cải thiện trong khi 86% quốc gia trong bảng xếp hạng tình hình không được cải thiện hoặc tồi tệ hơn. Đó là kết quả của quá trình phòng chống tham nhũng, tiêu cực rất quyết liệt do Đảng lãnh đạo.
Với nhận thức, tham nhũng là nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ, Đảng ta xác định đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực là một việc làm tất yếu, hợp lòng dân và xu thế phát triển của nhân loại.
Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Đến nay có thể khẳng định, chưa bao giờ công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta lại được chỉ đạo một cách mạnh mẽ, bài bản, đồng bộ, quyết liệt và có hiệu quả rõ rệt như thời gian gần đây. Công tác phát hiện và xử lý tham nhũng đã được chỉ đạo và thực hiện một cách quyết liệt, khẳng định quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, và không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Tiếp nối kết quả từ những nhiệm kỳ trước, Đại hội XIII của Đảng đề ra phương châm: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn”.
Dấu ấn nổi bật là ngày 10/9/2021, Bộ Chính trị thống nhất tên gọi “Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực” thay cho tên cũ là “Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng”. Bộ Chính trị quyết định bổ sung, mở rộng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng để chỉ đạo cả công tác phòng, chống tiêu cực.
Cùng với đó, để khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, sự ra đời của ban chỉ đạo cấp tỉnh là nhân tố mới giúp công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở có sự chuyển biến tích cực. Từ đây, cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực bước sang giai đoạn mới, đi vào chiều sâu, gắn kết chặt chẽ hơn giữa “xây” và “chống”, giữa phòng chống tham nhũng, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Một thực tế là trong những năm qua, công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh. Các cơ quan chức năng đã chủ động phát hiện, quyết liệt đấu tranh, khởi tố, điều tra, xử lý nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, xảy ra trên diện rộng, trong các lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động khép kín, vi phạm có tính hệ thống, có tổ chức, cả trong khu vực nhà nước và ngoài nhà nước.
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, các cơ quan tiến hành tố tụng trong cả nước đã khởi tố, điều tra hơn 7.800 vụ án, hơn 15.200 bị can về tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế. Vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á hiện nay tòa án đang xét xử, đã khởi tố 30 vụ án, 109 bị can (trong đó 25 địa phương đã khởi tố 28 vụ án, 71 bị can); vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) đã khởi tố 54 bị can...
Chưa khi nào mà những cá nhân sai phạm phải ra tòa có cả ủy viên trung ương đảng, bộ trưởng, bí thư tỉnh ủy, chủ tịch UBND tỉnh… Điều này là minh chứng rõ ràng cho tinh thần cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng không có vùng cấm, không có ai đứng trên pháp luật.
Với những nỗ lực đấu tranh phòng chống tham nhũng và kết quả cụ thể thời gian vừa qua, chúng ta có thể khẳng định luận điểm cho rằng “tham nhũng là căn bệnh kinh niên của chế độ XHCN, của chế độ một đảng cầm quyền” và “chế độ một đảng không chống được tham nhũng” là hoàn toàn sai cả về lý luận và thực tiễn.
Không phủ nhận được sự thật, thế lực thù địch tìm cách xuyên tạc, bôi nhọ cuộc đấu tranh chống tham nhũng của Đảng, cho rằng đó là đấu đá nội bộ… Tất cả những âm mưu thâm độc ấy chỉ nhằm vào cái đích cuối cùng mà chúng vẫn hô hào là chỉ tự do chính trị mới giúp Việt Nam chống được tham nhũng.
Thực chất là chúng kêu gọi phải thay đổi chế độ, phải đa nguyên, đa đảng. Đấy chính là mưu đồ sâu xa và là mục tiêu duy nhất của các thế lực thù địch.
Kể từ năm 1995, TI đã công bố chỉ số CPI hàng năm. Đây là chỉ số toàn cầu hàng đầu về tham nhũng trong khu vực công, cung cấp một cái nhìn tổng thể hàng năm về mức độ tham nhũng tương đối ở 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Chỉ số CPI dựa trên nhận thức về tham nhũng trong khu vực công, sử dụng dữ liệu từ 13 nguồn bên ngoài, bao gồm Ngân hàng Thế giới, Diễn đàn Kinh tế thế giới, rủi ro tư nhân, các công ty tư vấn và các tổ chức khác. Điểm số phản ánh quan điểm của các chuyên gia và giới kinh doanh.