Xuyên thủng quốc lộ đặt ống bơm bùn đất san lấp mặt bằng
Nhiều điểm trên quốc lộ N1 đoạn qua huyện Giang Thành (Kiên Giang) bị người dân khoan xuyên mặt đường đặt ống bơm bùn đất từ kênh Vĩnh Tế lên san lấp mặt bằng.
Những đường ống xuyên quốc lộ
Theo phản ánh của người dân sống gần tuyến quốc lộ N1 đoạn qua huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang, gần 1 tháng qua, tuyến đường thường xuyên bị một số người khoan xuyên bên dưới để đặt đường ống bơm bùn, đất san lấp mặt bằng.
Việc này xảy ra trên nhiều điểm của tuyến quốc lộ này. "Người dân dùng máy khoan bên dưới mặt quốc lộ N1 để đặt đường ống nhựa, đường kính khoảng 40cm, sâu cách mặt đường hơn 1m. Đường ống này dùng bơm bùn, đất từ kênh Vĩnh Tế lên để san lấp mặt bằng", một người sống gần quốc lộ N1 cho biết.
Quốc lộ N1 cách mép kênh Vĩnh Tế từ 5-7m. Để đặt được đường ống phải đào một rãnh từ kênh vào tới lề đường. Sau đó, dùng máy khoan bên dưới mặt đường và đặt ống nước bằng nhựa vào.
Tùy diện tích, độ sâu của mặt bằng cần san lấp, thời gian bơm bùn đất lẫn nước từ kênh Vĩnh Tế vào nhanh hay chậm.
Ghi nhận của PV Báo Giao thông, đoạn tuyến quốc lộ này qua xã Vĩnh Phú có hai trường hợp đã hoàn thành san lấp mặt bằng cách nhau khoảng 5km. Hiện đường ống vẫn còn bên dưới. Phần đất đào lên để lắp ống ngổn ngang.
Người dân địa phương cho biết, nếu không sớm hoàn trả như cũ, nước ngoài kênh sẽ tràn theo những lối này, ảnh hưởng đến chất lượng, kết cấu của quốc lộ N1. Một số người cũng thắc mắc, việc "xuyên thủng" quốc lộ như trên có được cấp phép hay không?
"Kênh Vĩnh Tế chạy dọc theo quốc lộ N1, nếu việc khoan xuyên ngang quốc lộ như thế này không được quản lý thì người dân sẽ mặc sức khoan rồi đặt ống để bơm bùn đất. Nếu đường vì vậy mà hư hỏng thì ai sẽ chịu trách nhiệm?", một người dân xã Vĩnh Điều nêu ý kiến.
Có được phép hay không?
Ghi nhận của PV, dọc tuyến quốc lộ N1 hướng về thành phố Hà Tiên, tại xã Vĩnh Điều, một đường ống vừa được đặt xuyên dưới tuyến quốc lộ vẫn đang được vận hành. Từ phía quốc lộ N1 không thể nhìn thấy hoạt động này vì được che chắn bằng những tấm bạt.
Quốc lộ N1 đoạn qua Kiên Giang có điểm đầu giáp huyện Tri Tôn (An Giang). Điểm cuối giao quốc lộ 80 tại TP Hà Tiên, Kiên Giang. Chiều dài tuyến hơn 40km. Bề rộng mặt đường 6-7m, nền đường 9m.
Trả lời PV qua điện thoại, một lãnh đạo UBND xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành phủ nhận thông tin quốc lộ N1 qua địa bàn xã có tình trạng này. Nếu có, khả năng người dân đã được cấp phép?
Tìm hiểu của PV, hiện tuyến quốc lộ N1 được Cục Đường bộ VN ủy thác cho địa phương quản lý.
Trả lời câu hỏi của PV Báo Giao thông về tình trạng người dân đào "xuyên thủng" tuyến quốc lộ N1 có được cấp phép hay không? Ông Lê Việt Bắc, Giám đốc Sở GTVT Kiên Giang cho biết, chưa nắm được và sẽ kiểm tra lại.
Nói thêm về tình trạng này, lãnh đạo Sở GTVT một địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long cho biết, việc khoan đường ngầm dưới các công trình đường bộ được quy định rõ tại Nghị định 11/2010 của Chính phủ và Thông tư 50/2015 của Bộ GTVT.
Lãnh đạo này cũng cho biết, việc thi công khoan ngầm dưới đường bộ chỉ có thể thực hiện nếu được cấp phép. Thường cơ quan chức năng chỉ cấp phép cho những công trình thiết yếu theo quy định như: công trình đảm bảo an ninh quốc phòng, cáp viễn thông, điện lực, đường ống cấp nước, thoát nước...
Việc thi công phải đảm bảo tải trọng của đường bộ. Sau khi hoàn thành phải hoàn trả hiện trạng ban đầu.
Chưa đánh giá được ảnh hưởng của việc khoan ngầm dưới công trình đường bộ của những trường hợp trên, nhưng ông Đinh Văn Hiệp, Trưởng văn phòng Khu quản lý đường bộ IV.5 cũng cho biết, Sở GTVT có thể cấp phép cho một số trường hợp khoan ngầm dưới đường bộ sau khi xem xét từng trường hợp cụ thể.
"Còn nếu người dân tự ý làm thì buộc tạm dừng và khôi phục lại hiện trạng ban đầu", ông Hiệp nói.
Clip PV Báo Giao thông ghi nhận dân xuyên thủng quốc lộ N1 qua huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang:
Thông tư 50/2015 của Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn thực hiện Nghị định 11/2010 Quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ không có quy định cấp phép cho những trường hợp này.
Thông tư chỉ quy định đối với công trình thiết yếu đi ngầm qua đường bộ. Cụ thể:
Đối với công trình đi ngầm qua đường bộ, phải thi công bằng phương pháp khoan ngầm, trường hợp không thể khoan ngầm mới sử dụng biện pháp đào cắt mặt đường.
Không cho phép các công trình thiết yếu đặt trong cống thoát nước ngang. Trường hợp đi qua các cống kỹ thuật nếu còn đủ không gian thì cho phép chủ công trình thiết yếu lắp đặt trong cống kỹ thuật.
Trường hợp xây dựng công trình thiết yếu ngang qua đường bộ bằng phương pháp khoan ngầm phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật sau:
- Có đường ống hoặc hộp bao bên ngoài bằng vật liệu bền vững đảm bảo ổn định của công trình thiết yếu và phù hợp với tải trọng của đường bộ.
- Khoảng cách từ điểm thấp nhất của mặt đường đến điểm cao nhất của công trình thiết yếu tối thiểu một mét nhưng không nhỏ hơn chiều dày kết cấu áo đường, trừ các trường hợp đặc biệt được cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền chấp thuận.