Y án chung thân cho người đàn bà giết chồng khuyết tật
Ngân dùng hung khí đánh người chồng câm điếc. Thậm chí, khi chồng chết, người phụ nữ này xóa dấu vết, tạo hiện trường giả rồi bảo con đi báo hàng xóm.
Ngày 12/10, tại Nghệ An, TAND cấp cao Hà Nội mở phiên tòa xét xử hình sự phúc thẩm đối với Hoàng Thị Ngân, SN 1977, trú tại xã Nam Lĩnh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An về tội Giết người. Nạn nhân của Ngân chính là chồng của Ngân - anh Đinh Hữu L. Ở phiên tòa sơ thẩm, Hoàng Thị Ngân bị tuyên án chung thân về tội Giết người.
Bị cáo đã làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, đề nghị xem xét hoàn cảnh gia đình, nuôi hai con nhỏ,... Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Ngân thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng nêu.
Theo đó, chồng của Ngân là người bị khuyết tật nặng, câm điếc bẩm sinh nên chỉ giao tiếp bằng ngôn ngữ ký hiệu. Trong quá trình chung sống, anh L. nghi ngờ Ngân có tình cảm với người đàn ông khác nên hai người thường xảy ra mâu thuẫn.
Vào khoảng 0h ngày 13/11/2021, khi 2 vợ chồng đang ngủ thì anh L. dậy đập phá đồ đạc trong nhà. Ngân ra hiệu hỏi anh L. sao lại vứt đồ thì anh L. ra hiệu đau đầu. Ngân lấy thuốc cho chồng uống. Khoảng 30 phút sau, anh L. tỉnh dậy đi ra ngoài thềm hút thuốc lào. Lúc này, Ngân cũng tỉnh giấc nghe tiếng bịch bịch nghĩ là anh L. đang phá đồ đạc nên không can ngăn nữa.
Một lúc sau, vẫn nghe tiếng động nên Ngân đi ra ngoài thì thấy anh L. đang đập đầu vào thềm nhà. Khi thấy Ngân thì L. chạy đến rượt đuổi. Quá trình rượt đuổi nhau Ngân dùng một cây chổi lau nhà đánh trúng vào đầu chồng. Sau đó, Ngân lấy trên cửa nhà bếp thanh kim loại dùng làm chốt cửa chạy ra sân.
Khi 2 vợ chồng rượt đuổi nhau, Ngân lại cầm chày bằng kim loại đánh nhiều nhát vào đầu chồng. Lúc anh L. ngã xuống nền sân đang cử động, Ngân tiếp tục dùng các thanh kim loại đánh vào vùng đầu khiến chồng tử vong.
Sau đó, Ngân kéo chồng đến góc sân, lau hết vết máu. Đồng thời vứt hết máy tính, điện thoại di động vì nhà có camerra nhằm che giấu hành vi phạm tội của mình.
Trong vụ án này, Ngân có tình tiết tăng nặng là sau khi đánh chồng ngã xuống sân, không còn khả năng tự vệ nhưng vẫn tiếp tục dùng hung khí đánh nhiều nhát vào đầu cho đến khi anh L. chết. Đây là hành vi cố tình thực hiện tội phạm đến cùng và là trường hợp phạm tội đối với người khuyết tật nặng.
Tại phiên tòa, người đại diện hợp pháp cho bị hại đề nghị giữ nguyên mức án như cấp sơ thẩm đã tuyên.
Được nói lời sau cùng, bị cáo khóc xin HDXX giảm nhẹ hình phạt cho mình để sớm về nuôi dạy 2 con nhỏ.
HDXX nhận định, hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đặc biệt nghiêm trọng, trong khi nạn nhân không có khả năng tự vệ mà bị cáo vẫn tiếp tục dùng hung khí đánh vào người nạn nhân cho đến chết,... Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ có căn cứ, phù hợp quy định pháp luật. Do vậy, HĐXX cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của bị cáo, giữ nguyên bản án hình sự sơ thẩm.