Y án sơ thẩm 7 năm tù với cựu đại úy công an Lê Thị Hiền
Theo Hội đồng xét xử (HĐXX), mức án mà cấp sơ thẩm đã tuyên với cựu đại úy công an Lê Thị Hiền là phù hợp nên không chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ của bị cáo.
Chiều 17/5, TAND TP Hà Nội đưa cựu đại úy công an Lê Thị Hiền (người từng gây náo loạn tại Sân bay Tân Sơn Nhất), Nguyễn Thị Minh Trang (SN 1993, ở Hà Đông, Hà Nội), Nguyễn Phương Trang (SN 2006, ở Thanh Trì, Hà Nội) và Trần Minh Hiếu (SN 2002, ở Phú Thọ) ra xét xử phúc thẩm về tội “Cướp tài sản”. Phiên tòa được mở theo kháng cáo xin giảm nhẹ, hưởng án treo của các bị cáo.
Theo bản án sơ thẩm, Hiền cùng Vũ Anh Hoàng (SN 1991, ở Cẩm Phả, Quảng Ninh) và Nguyễn Đức Thăng (SN 1992, ở Thanh Xuân, Hà Nội) cùng góp vốn để mở quán Magic Lounge (Magic, ở Tôn Đức Thắng, Đống Đa) kinh doanh đồ uống, bóng cười.
Đến tháng 3/2020, họ thuê Nguyễn Thị Minh Trang (SN 1993, ở Hà Đông, Hà Nội) lên chương trình hoạt động cho quán Magic với mục tiêu phải đạt hàng tỷ đồng. Sau khi ký hợp đồng, Trang bắt đầu tuyển nhân sự và lên quy trình vận hành, hoạt động của quán Magic qua Facebook cho nhóm cổ đông. Trong đó có nội dung, cách thức hoạt động, tìm kiếm khách qua mạng xã hội Tinder đưa về quán. Nếu thấy khách có tiền, họ sẽ tìm cách đẩy thêm đồ ăn (hoa quả), đồ uống (rượu, bia), bóng cười… để khách phải thanh toán hoặc phải để lại tài sản có giá trị.
Để làm được điều này, Trang và các bị cáo lập đội bảo an gồm nhiều nhân viên nam, hoạt động như một đội bảo kê để đánh khách nếu họ không trả tiền. Hình thức này được gọi là “dí bill”. Từ tháng 1/2021, quán Magic áp dụng “dí bill”.
Hiền cùng các cổ đông đều biết việc này nhưng vẫn đồng ý để thu lời bất chính. Cơ quan chức năng xác định từ 31/3/2021 đến 14/4/2021, các đối tượng đã thực hiện 4 vụ cướp tài sản, chiếm đoạt tổng số hơn 84 triệu đồng.
Với hành vi nêu trên, cựu đại úy Lê Thị Hiền bị HĐXX TAND quận Đống Đa (Hà Nội) tuyên phạt 7 năm tù, Minh Trang 7 năm tù, Hiếu 5 năm tù và Phương Trang 3 năm 6 tháng tù về tội “Cướp tài sản”. Các bị cáo còn lại bị tuyên từ 4 năm 6 tháng đến 8 năm tù cùng về tội danh trên. Sau phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Hiền, Minh Trang, Hiếu và Phương Trang kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Bị cáo Hiền, Minh Trang, Hiếu đều thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình, xin HĐXX xem xét, giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo Phương Trang vắng mặt tại phiên tòa, chỉ có mẹ và luật sư bào chữa cho bị cáo này có mặt.
Trong phần tranh luận, phát biểu quan điểm giải quyết vụ án, đại diện VKS, cho rằng không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của bị cáo Hiền; có căn cứ xem xét, giảm nhẹ cho các bị cáo còn lại. Bởi theo đại diện VKS, bị cáo Hiếu, Minh Trang, Phương Trang có nhiều tình tiết để xem xét giảm nhẹ.
Sau khi nghị án, HĐXX nhận định, đối với bị cáo Hiền, mức án mà cấp sơ thẩm căn cứ nhân thân, đã xem xét các tình tiết giảm nhẹ của bị cáo, mức án 7 năm tù là phù hợp. Do đó, cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của bị cáo.
Bị cáo Minh Trang đã bồi thường cho bị hại nên HĐXX cho bị cáo được hưởng sự khoan hồng, giảm nhẹ hình phạt để sớm trở về với gia đình và xã hội. Do đó, HĐXX tuyên phạt bị cáo Minh Trang 5 năm tù, giảm 2 năm so với án sơ thẩm.
Bị cáo Hiếu là sinh viên đi làm thêm, bị hại có đơn xin giảm nhẹ cho bị cáo, nên HĐXX xem xét giảm nhẹ cho bị cáo còn 3 năm 6 tháng tù, giảm 1 năm 6 tháng so với án sơ thẩm.
Đối với bị cáo Phương Trang, theo HĐXX, bản thân bị cáo khi phạm tội là trẻ vị thành niên. Bị cáo hiện có nơi cư trú rõ ràng nên HĐXX xem xét, áp dụng chính sách khoan hồng với bị cáo chưa thành niên. Theo đó, HĐXX TAND TP Hà Nội tuyên phạt bị cáo Phương Trang 2 năm 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Với 12 bị cáo trong vụ án không có kháng cáo, HĐXX cũng xem xét, giảm nhẹ một phần hình phạt cho các bị cáo này để đảm bảo tính công bằng.