Y, bác sĩ của những bệnh nhân tâm thần

Trong nghề Y, có những y, bác sĩ tiếp xúc bệnh nhân nhiều nhất; chịu sự tác động nhiều nhất về lời ăn, tiếng nói và hành vi của người bệnh. Họ tương tác đa chiều với bệnh nhân để tìm cách điều trị tốt nhất từ viên thuốc đến diệu pháp về tâm lý.

Theo đó, những y, bác sĩ ấy cũng không ít lần "bị nạn" bởi…bệnh nhân. Đó là những y, bác sĩ của những bệnh nhân tâm thần tại Khu điều dưỡng tâm thần kinh và Bệnh viện tâm thần Nghệ An.

Những y, bác sĩ đặc biệt.

Mới đây, tại Khu điều dưỡng thương binh tâm thần kinh thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Nghệ An (xóm 9, xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc), chúng tôi chứng kiến nhiều câu chuyện cảm động của những y, bác sĩ.

Khu điều dưỡng có 77 bệnh nhân đến từ hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Đây là 77 bệnh nhân tâm thần nặng (thường xuyên lên cơn kích động với hành vi không tự chủ dẫn đến đập phá đồ đạc, tấn công, đánh người; chửi bới, la hét…).

Cổng vào Khu điều trị thương binh tâm thần kinh.

Cổng vào Khu điều trị thương binh tâm thần kinh.

Bác sĩ Đào Đình Quân - Phó trưởng phòng Y tế điều đưỡng của Khu điều dưỡng cho biết cụ thể: "77 bệnh nhân nam và nữ mang nhiều thể bệnh khác nhau như hoang tưởng; rối loạn lo âu; tâm thần phân liệt; động kinh (động kinh có rối loạn tâm thần). Ngoài các triệu chứng tâm thần còn có một số bệnh nhân mang thêm bệnh lí viêm gan, viêm khớp; bệnh tiêu hóa; đột quỵ… Nhưng ở đây, chủ yếu là bệnh nhân tâm thần phân liệt".

Hành vi không tự chủ của bệnh nhân tâm thần phân liệt, bác sĩ Quân liệt kê: "Khi lên cơn, họ có thể dùng gạch đá hoặc móc cửa sổ hay thìa ăn cơm (những vật dụng này do bệnh nhân vô tình giấu được) đã mài nhọn để tấn công cán bộ y tế khi buộc phải uống thuốc hoặc tiêm cắt cơn".

Theo bác sĩ Quân, "nạn" này xảy thường xuyên. Hồi tháng 3 năm nay một bệnh nhân tâm thần bất ngờ dùng gạch ném vào đầu nữ y sĩ Lê Thị Mai khi chị đang chia cơm. Khu điều dưỡng phải đưa y sĩ Mai đi cấp cứu. Tại Bệnh viện Quân y 4, y sĩ Mai bị khâu 5 mũi vùng đầu. Hậu quả của hành vi này thêm một lần khiến cán bộ y tế ở đây hết sức thận trọng trong công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân tâm thần.

Cũng theo bác sĩ Quân, có vụ nhiều bệnh nhân tâm thần lên cơn kích động cùng một lúc, gây cảnh đập phá ghê gớm buộc Khu điều dưỡng phải huy động toàn thể cán bộ, nhân viên đến hỗ trợ mới quản lí được.

Bác sĩ Quân đỡ bát cháo cho bệnh nhân thương binh Nguyễn Văn Lập bị tâm thần phân liệt.

Bác sĩ Quân đỡ bát cháo cho bệnh nhân thương binh Nguyễn Văn Lập bị tâm thần phân liệt.

Lúc dẫn chúng tôi vào trung tâm Khu điều dưỡng, bác sĩ Quân mở chìa khóa cánh cổng sắt rộng, phía trên đề hàng chữ màu vàng trên khung nền màu đỏ: "Chăm sóc, nuôi dưỡng thương binh, bệnh binh là tình thương và trách nhiệm".

Chúng tôi ngạc nhiên khi bước vào giữa khu điều trị, thấy nền nhà sạch bóng; những bờ tường, cột nhà sơn vàng tươi tắn. Ngạc nhiên hơn, tất cả bệnh nhân tâm thần ngồi ngay ngắn trước mỗi bàn ăn. Chúng tôi ngạc nhiên là bởi việc vào đây không hề hẹn trước. Và những bệnh nhân tâm thần nặng khi lên cơn đập phá, la hét là thế nhưng giờ nền nếp đến lạ.

Ngạc nhiên nữa là bởi một nam phục vụ bất ngờ gọi tên tôi. Hóa ra, ông là Phạm Kinh Lạc, cán bộ cũ hồi Khu điều dưỡng ở trên vùng rừng núi huyện Tân Kỳ, nay là điều dưỡng viên. Hồi đó là năm 1986, khi chúng tôi lên Khu điều dưỡng này viết loạt bài báo về thương bệnh binh tâm thần Tân Kì kêu cứu bởi một số tiêu cực. Có lẽ, từ những bài báo đó nên năm 1995, Khu điều dưỡng được UBND tỉnh chuyển về đây sau khi xử lí những tiêu cực.

Phòng ăn của Khu điều dưỡng thương binh tâm thần kinh.

Phòng ăn của Khu điều dưỡng thương binh tâm thần kinh.

Bác sĩ Quân cho hay, cán bộ và nhân viên Khu điều dưỡng chăm sóc từng bữa ăn cho bệnh nhân như chăm sóc người thân. Kể cả việc cắt tóc, cạo râu, cắt móng tay móng chân, gội đầu, tắm giặt, vệ sinh cá nhân và dọn dẹp phòng ở, giặt giũ chăn chiếu. Khu điều dưỡng có từng kíp thay nhau làm công việc này liên tục 24/24 giờ. Mỗi đêm bất kể mưa, bão đều có ba cán bộ gồm bác sĩ (hoặc y sĩ), y tá, điều dưỡng túc trực.

Bác sĩ Quân tâm sự: "Khu điều dưỡng chỉ có một mình tôi là bác sĩ nhưng anh chị em y sĩ, y tá, điều dưỡng đều làm việc bằng trách nhiệm và tình cảm. Họ biến Khu điều dưỡng thành trung tâm của tình thương con người với con người. Bởi anh chị em ở đây đều biết 77 bệnh nhân tâm thần nặng này còn sót lại từ thời kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Có cụ năm nay đã 94 tuổi. Có bệnh nhân còn mang trong đầu nhiều mảnh đạn hồi chiến tranh".

Bác sĩ được nhiều bệnh nhân biết đến và câu chuyện những chiếc phong bì

Tại Bệnh viện tâm thần Nghệ An, bác sĩ Nguyễn Cảnh Hùng - Phó giám đốc thường trực của bệnh viện dẫn tôi đến Khoa tâm thần nam. Khi đi qua từng căn phòng, các bệnh nhân đồng thanh gọi qua song sắt cửa sổ: "Bác sĩ Hùng ơi". "Bác sĩ Hùng ơi".

Thấy chúng tôi ngạc nhiên, bác sĩ Hùng giải thích: "Tôi từng công tác điều trị qua bảy khoa lâm sàng, gồm một khoa khám bệnh và điều trị ngoại trú và sáu khoa điều trị nội trú (tâm thần nam, tâm thần nữ, phục hồi chức năng, tâm thần nhi lão, cấp cứu hồi sức và chống độc, y học cổ truyền) của Bệnh viện nên các bệnh nhân đều là người quen.

Khoa tâm thần nam, Bệnh viện tâm thần Nghệ An.

Khoa tâm thần nam, Bệnh viện tâm thần Nghệ An.

Câu nói của bác sĩ Hùng khiến chúng tôi liên tưởng đến những bệnh nhân tâm thần "lưu cữu" tại đây. Chúng tôi nêu ý nghĩ này, bác sĩ Hùng bảo: "Không hẳn thế đâu. Hàng năm Bệnh viện điều trị hơn 4.500 lượt bệnh nhân nội trú. Số bệnh nhân tỉnh táo sau điều trị thì được bệnh viện cho về ngoại trú, gia đình quản lí. Bệnh nhân nặng mới lại tiếp tục vào. Sở dĩ bệnh nhân hay gọi tên tôi là do tôi thường thăm khám cho họ".

Nói đoạn, bác sĩ Hùng vào thăm khám cho bệnh nhân Phan Văn Thuận. Đây là bệnh nhân loạn thần nặng do sử dụng ma túy. Vừa lúc, hai bệnh nhân khác trong phòng cũng đến "nhờ bác sĩ Hùng thăm khám".

Bác sĩ Hùng cho biết, khoa này có 86 bệnh nhân tâm thần nặng do hoang tưởng, ảo giác và rối loạn hành vi. Những bệnh nhân này thường kích động, đập phá, đánh người, thậm chí tự sát. Nhiều ca bệnh tự sát ở nhà không thành nên đưa đến bệnh viện. Tại bệnh viện, có bệnh nhân điều trị ổn, có nhiều bệnh nhân rất nặng nếu cán bộ y tế kiểm soát không cẩn trọng thì hành vi tự sát tiếp tục tái diễn bởi ngày nào cũng xuất hiện hành vị tự sát của bệnh nhân. Không ít trường hợp đã xảy ra thương tâm. Còn "nạn" bệnh nhân tâm thần tấn công nhân viên y tế đến mức phải đi cấp cứu tại bệnh viện khác là "chuyện thường ngày ở bệnh viện tâm thần". Vụ y tá Nguyễn Thanh Hân bị bệnh nhân tâm thần phân liệt tấn công bằng thìa inox vót nhọn, phải đi cấp cứu tại bệnh viện 115 Nghệ An, mới xảy hồi tháng 4", bác sĩ Hùng lặng nói.

Bác sĩ Nguyễn cảnh Hùng - Phó giám đốc Bệnh viện tâm thần Nghệ An thăm khám cho bệnh nhân Phan văn Thuận, bị loạn thần so sử dụng ma túy.

Bác sĩ Nguyễn cảnh Hùng - Phó giám đốc Bệnh viện tâm thần Nghệ An thăm khám cho bệnh nhân Phan văn Thuận, bị loạn thần so sử dụng ma túy.

Sau những vụ việc này lại xảy chuyện bệnh nhân tâm thần cướp chìa khóa hoặc cạy tung cửa sổ, đồng loạt bỏ trốn cả khoa. Bệnh viện phải huy động toàn lực đi tìm kiếm ở ga tàu, bến xe, chợ Vinh. Tìm không đủ, cán bộ y tế tìm về nhà bệnh nhân để đưa họ trở lại viện "bởi sau ít ngày lang thang, thể nào bệnh nhân cũng quay về nhà", bác sĩ Hùng nêu một kinh nghiệm.

Riêng câu chuyện về những chiếc phong bì. Tôi đem chuyện của một người bạn có con điều trị tại đây vừa xuất viện kể lại với bác sĩ Hùng: "Một lần, bạn tôi mừng quá khi con trai được các y, bác sĩ điều trị khá tốt nên tìm cách gửi tặng một chiếc phong bì cảm ơn bằng cách để vào trong cuốn sách của mình sáng tác. Hai ngày sau, nghe bác sĩ Hùng gọi điện, kêu đến để gửi lại món quà bởi hai ngày sau bác sĩ Hùng mở cuốn sách ra đọc mới thấy chiếc phong bì…". Câu chuyện cũng là một lẽ tình cảm bình thường đối với công lao của người thầy thuốc nhưng để biết, y, bác sĩ ở Bệnh viện tâm thần không có "lệ" nhận phong bì của người nhà bệnh nhân. Câu chuyện chân tình và cảm động biết mấy mà lần đầu tiên chúng tôi ghi nhận được đối với người thầy thuốc của những bệnh nhân tâm thần.

Vũ Toàn

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/y-bac-si-cua-nhung-benh-nhan-tam-than-169240614103115145.htm