Y Ban: Các nhà văn nữ đều phải trả giá rất kinh hoàng
Sáng 8/8, tại Hà Nội, đã diễn ra tọa đàm ra mắt cùng lúc 3 tác phẩm của 3 nữ nhà văn Y Ban, Thùy Dương và Võ Thị Xuân Hà.
3 tác phẩm mới nhất đó là: "Có thể có có thể không" của Y Ban, "Lạc Lối"của Thùy Dương, "Chuyện của các nhân vật có thật trên đời"của Võ Thị Xuân Hà.
Được biết, Y Ban, Thùy Dương, Võ Thị Xuân Hà là ba nữ nhà văn – nhà báo, những cây bút tiêu biểu cùng thế hệ, cùng học khóa IV, trường Viết văn Nguyễn Du (nay là trường đại học Văn hóa Hà Nội) và có mối quan hệ thân thiết với nhau. Trong lần tái xuất này, ba nữ sĩ cùng cho ra mắt các tác phẩm mới nhất của mình.
"Có thể có có thể không" của nhà văn Y Ban bao gồm 9 truyện ngắn chứa đựng cả sự bạo liệt lẫn dịu dàng, lôi cuốn ta bằng những tình tiết li kỳ đôi khi éo le, nhưng không phải là kiểu éo le của văn chương câu khách, bởi đằng sau đó luôn đọng lại nỗi ám ảnh mơ hồ, khiến ta day dứt, nhất là khi tác giả viết về thân phận người phụ nữ vốn chịu nhiều thiệt thòi bởi luôn mang nhiều gánh nặng hủ tục mà không phải lúc nào họ cũng được sẻ chia.
Y Ban là một trong không nhiều nhà văn chuyên viết và viết rất hay, rất ấn tượng về đề tài người phụ nữ, người đàn bà; về thân phận, số phận chìm nổi của họ trong cuộc sống đời thường.
Tại buổi tọa đàm, nhà văn Y Ban đã có những chia sẻ rất chân thật với độc giả về nghề văn. "Các nhà văn nữ đều phải trả giá rất kinh hoàng. Cho dù có một chút thành đạt thì chúng tôi cũng đang phải trả giá chứ không phải là không, vừa làm vợ, vừa làm mẹ, vừa viết văn, vừa đi kiếm tiền. Cuộc đời quăng quật chúng tôi đến kinh hoàng, thế mà chúng tôi vẫn viết, bởi viết nó như cái nghiệp rồi. Mỗi lần chúng tôi ra sách là bị quật một đòn đau đớn nhưng nó không quật mình bằng nghèo khổ, nó quật vào con cái mình, quật vào gia đình mình, vào những điều mình trân trọng. Thế nên tại sao lại có thể có, chúng tôi cứ đi trên ranh giới có thể có có thể không".
Với "Lạc lối" xoay quanh ba nhân vật chính là ba cô bạn học cũ trong vòng xoáy tranh đoạt tình, tiền, quyền lực. Thùy Dương kể khéo, lạnh và tỉnh về những mưu toan của đấu đá chức quyền, những tinh quái của thương trường và những lắt léo của tình người. Để rồi khi nhìn lại, đâm đầu, va đập, giẫm đạp lên nhau để chạy đua trong cuộc đời, tưởng chừng chạy được đến nơi nào đó rồi lại ngỡ hóa ra không?
Trong buổi tọa đàm, tác giả Thùy Dương có những chia sẻ rất thú vị về tác phẩm mới ra mắt của mình. Trong sáng tác của nhà văn, phần tâm linh luôn luôn là cái không thể thiếu bởi con người luôn luôn trăn trở không biết mình ở đâu, mình sinh ra có nhiệm vụ gì, mình làm gì trên thế gian này. Và chúng ta vẫn luôn tự hỏi chính mình rằng, những điều mình làm ấy có đúng ko, có được như là kỳ vọng người ta gửi vào mình không; chính con người mình đi qua, trải qua, hướng đến cuối cùng có đúng không?
Cũng theo tác giả, con người của bây giờ, trước đây và sau này vẫn thế, sẽ luôn trăn trở về những điều to lớn hơn, những điều chúng ta trải qua hàng ngày. Những điều ấy sẽ khiến chúng ta suy nghĩ nhiều hơn về cuộc sống, về sự tồn tại rằng tại sao nó thế hoặc tại sao nó không thế. Hay thậm chí là câu hỏi tại sao nó có thể hoặc không thể. Hiện thực vẫn đầy rẫy những ngổn ngang, bất ổn nhưng vẫn có hy vọng, tất cả điều ấy đan xen cùng với nhau làm nên cuộc sống của chúng ta.
Trong rất nhiều những bộn bề thở than của cõi người ta, Võ Thị Xuân Hà luôn tìm thấy câu chuyện để kể - hay chính tác giả gắn mình vào với những cuộc đời - tiểu thuyết kia để mà sắm vai người thuật lại như một niềm hạnh ngộ. "Chuyện của các nhân vật có thật trên đời" không miêu tả một cái "có thật" mà là một ấn tượng về sự "có thật", "các nhân vật có thật" của nhà văn, vì thế, cứ hiện ra rồi nhòa đi ngay trong một làn sương mỏng chập chờn tiểu thuyết.
Họ dở dang đến rồi đi trong bóng chiều nghiêng thấp, võ vàng thương nhớ một quãng đời tưởng đã xa xôi. Cái phôi pha không thể cưỡng lại của kiếp người lan chuyển từ mẩu chuyện này sang mẩu chuyện khác, từ mảnh đời này sang mảnh đời khác, xâm lấn tâm trí người đọc bằng một tiết tấu cảm xúc vừa phải. Võ Thị Xuân Hà cứ thế gieo neo đi về trong cõi ấy...
Trong buổi tọa đàm, Võ Thị Xuân Hà chia sẻ rằng mỗi truyện ngắn trong tập "Chuyện của các nhân vật có thật trên đời" này, nhà văn đều chọn những câu thơ của chính mình làm câu đề từ. Bởi nhiều lúc trong cuộc sống nhà văn bị cạn kiệt năng lượng, để viết tiếp mà không nhàm chán, thì tác giả phải dựa vào những câu thơ như thế để lấy lại năng lượng cho chính mình.
Và khi chia sẻ về bút pháp của mình, bà nói rằng: "Nếu lùi lại một chút, trong năm 2009, Trung tâm Văn hóa Pháp, Hà Nội, họ đã tổ chức một tọa đàm về bút pháp của tôi, họ lấy nội dung là "Không gian đa chiều trong bút pháp của Võ Thị Xuân Hà", vì vậy mà bút pháp của tôi vẫn trung thành với lối viết đó. Tôi dùng hình thức diễn đạt câu từ chữ tình và ẩn trong những câu từ trữ tình ấy có thể là bi kịch, hiện thực. Và bạn không thể đọc nhanh truyện của tôi, nó như những lát cắt mảnh, có thể không chảy mau nhưng lại rất đau và khi đau xong, chúng ta lại cảm thấy chúng ta càng muốn sống".
Sự kiện do Nhà xuất bản Trẻ tổ chức, dẫn chương trình Nhà lý luận phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên. Buổi tọa đàm ra mắt sách, còn có ý sự góp mặt của nhiều nhà văn, nhà thơ khác như Nguyễn Quang Thiều, Lê Minh Khuê, Giáng Vân, Anh Thư…