Ý chí hay trí tưởng tượng quan trọng hơn?
Chúng ta cứ khẳng định rằng chúng ta có thể làm mọi thứ bằng ý chí. Tôi sẽ cho bạn thấy rằng không phải như vậy.
“Điều thứ hai mà những thí nghiệm này sẽ chỉ ra là trái ngược với quan điểm được chấp nhận rộng rãi, Ý CHÍ không phải là khả năng quan trọng nhất của con người, mà là TRÍ TƯỞNG TƯỢNG. Chúng ta cứ khẳng định rằng chúng ta có thể làm mọi thứ bằng ý chí. Tôi sẽ cho bạn thấy rằng không phải như vậy. Mỗi khi có mâu thuẫn giữa ý chí và trí tưởng tượng, chúng ta không những không thể làm được điều mình muốn mà còn làm ngược lại!
Nếu suốt đêm không ngủ được, và các bạn không cố gắng bắt mình phải ngủ, thế thì các bạn vẫn có thể nằm yên ổn, bình lặng trên giường. Nhưng nếu các bạn không may nỗ lực để cố đi vào giấc ngủ, các bạn sẽ rơi vào trạng thái trằn trọc không yên và lật người từ bên này sang bên kia liên tục, miệng không ngừng lầm bầm chửi thề!
Lúc đó, các bạn đang rơi vào tình trạng hưng phấn quá mức, ngược lại hẳn với trạng thái nghỉ ngơi mà các bạn mong muốn. Tâm trạng của các bạn khi ấy kiểu như: Mình SẼ đi ngủ, nhưng mình KHÔNG THỂ ngủ được! Vậy là các bạn nhận được điều trái ngược với những gì mình tìm kiếm! Đây là ví dụ về chứng mất ngủ.
VÍ DỤ THỨ HAI. Quên mất một cái tên. Các bạn nói: Mình sẽ nhớ ra tên của bà... nhưng mình KHÔNG THỂ! Mình đã quên mất rồi! Vậy là các bạn không thể nhớ ra cái tên ấy. Sau đó, các bạn lại tự nhủ: Mình sẽ nhớ ra nó ngay bây giờ thôi! Và khi ý niệm Tôi đã quên trong đầu các bạn được thay thế bằng ý niệm Tôi sẽ nhớ thì quả nhiên sau đó các bạn sẽ chợt dừng cuộc trò chuyện dang dở lại để nói: A ha! Tôi nhớ rồi! Người tôi muốn nói đến chính là bà Jolie!
VÍ DỤ THỨ BA. Cười không ngậm được mồm. Tất cả các bạn hẳn đã nhận thấy rằng mình càng cố gắng để không cười bao nhiêu, thì trong một số trường hợp, điều đó càng trở nên bất khả thi và các bạn càng cười to hơn! Tâm trạng lúc đó của các bạn sẽ kiểu như: Mình SẼ ngừng cười, nhưng mình KHÔNG THỂ!
VÍ DỤ THỨ TƯ. Một người mới tập đi xe đạp đang lái chiếc xe đạp của mình. Anh ấy đang đạp xe bon bon trên đường thì chợt nhận thấy có một chướng ngại vật ở đằng xa. Một hòn đá hay một con chó gì đấy chẳng hạn.
Và anh ấy nói với chính bản thân mình rằng: Dù có chuyện gì xảy ra, mình SẼ không đâm vào nó đâu! Anh ấy cúi mình ghì chặt tay lái vì sợ đâm phải chướng ngại vật. Tuy nhiên, khi anh ấy càng cố gắng tránh nó thì anh ấy càng chắc chắn sẽ đâm vào nó! Tâm trạng lúc đó kiểu như: Mình SẼ tránh được thứ đó, nhưng mình KHÔNG THỂ!
VÍ DỤ THỨ NĂM. Người nói lắp. Người nói lắp càng cố gắng nói bình thường thì càng nói lắp nhiều hơn mà thôi! Nếu anh ta tự nhủ: Bây giờ mình phải nói lời chúc một ngày tốt lành, nhưng mình SẼ không nói lắp! Và anh ta sẽ thấy rằng mình sẽ nói lắp nhiều hơn. Nói mười lần thì cả mười lần đều bị cà lăm! Tâm trạng lúc đó của anh ta là: Mình SẼ ngừng nói lắp, nhưng mình KHÔNG THỂ!”
“Vì vậy, tôi xin nhắc lại rằng mỗi khi Ý CHÍ và TƯỞNG TƯỢNG xung đột với nhau, chúng ta không những không làm được điều mình mong muốn mà còn làm chính xác điều ngược lại. Bởi vì bên trong chúng ta có hai bản thể, Bản thể Ý thức mà chúng ta biết rõ hoặc cho rằng mình biết rõ. Đằng sau đó là một bản thể thứ hai mà chúng ta có thể gọi là Bản thể Vô thức, hay phần tiềm thức hoặc trí tưởng tượng mà chúng ta vốn không chú ý tới.
Nhưng chúng ta thật sai lầm khi không chú ý đến bản thể này, vì chính Bản thể Vô thức là người vẫn dìu dắt chúng ta. Nếu chúng ta có thể làm cách nào đó để định hướng một cách CÓ Ý THỨC cho bản thể thứ hai này, người mà từ trước đến nay vẫn dìu dắt chúng ta, thì điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ có thể tự dìu dắt chính bản thân mình.”
“Tôi muốn cung cấp cho các bạn một sự so sánh ví von như sau. Hãy tự coi mình như một người đang ngồi trong một cỗ xe ngựa được kéo bởi một con ngựa. Nhưng có thể do lỗi gì đó khi thắng cương dây ngựa, chúng ta đã quên mất phải thắt dây cương. Kết quả là nếu các bạn dùng roi quất vào con ngựa và ra lệnh: Đi nào! Con ngựa sẽ đi, nhưng nó sẽ đi đâu đây?
Nó sẽ đi bất cứ nơi nào nó thích, sang trái, sang phải, tiến hoặc lùi. Khi nó kéo các bạn trong cỗ xe theo sau, nó sẽ đưa các bạn đến nơi mà nó muốn. Giờ nếu các bạn có thể xoay sở thắt dây cương cho con ngựa đâu ra đấy, thì nhờ điều này, các bạn sẽ có thể hướng con ngựa đến nơi mà các bạn muốn đến. Khi nó kéo các bạn theo sau trên cỗ xe, cuối cùng các bạn sẽ đến được nơi cần đến. Các bạn sẽ hiểu rõ hơn điều này khi chứng kiến và trải qua một số thí nghiệm.”
Nguồn Znews: https://znews.vn/y-chi-hay-tri-tuong-tuong-quan-trong-hon-post1469690.html