Ý chí, tinh thần và bản lĩnh làm nên chiến thắng
SEA Games 32 đã trải qua 1 tuần thi đấu. Thể thao Việt Nam (TTVN) đang chứng minh thực lực của mình trong khu vực khi đang dẫn đầu bảng xếp hạng.
Kỳ tích điền kinh
Ở SEA Games 32, Nguyễn Thị Oanh đã vụt sáng ở môn điền kinh, khi giành cú đúp HCV ở nội dung 1.500m và 3.000m vượt chướng ngại vật chỉ trong thời gian 20 phút khiến giới hâm mộ điền kinh cả thế giới phải kinh ngạc. Bởi theo quy định xếp lịch thi đấu của nhiều giải điền kinh thế giới, châu lục, các vòng thi cự ly ngắn diễn ra cách nhau ít nhất 45 phút, các cự ly dài phải qua ngày thi đấu hôm sau, cách nhau ít nhất 12 giờ.
Hãng tin Pháp AFP bình luận: "Một ngôi sao điền kinh của Việt Nam đã xuất sắc giành 2 HCV nội dung chạy 1.500m và 3.000m vượt chướng ngại vật chỉ trong vòng chưa đầy nửa giờ. Đó là những phần thi oai hùng, cho thấy sự thống trị của cô ở khu vực Đông Nam Á”. Một điều cần nhấn mạnh nữa, những tấm HCV mà Nguyễn Thị Oanh mang về cho đoàn TTVN được xem là kỳ tích khi thuộc 3 nội dung và cự ly rất khác nhau: 1.500m (cự ly trung bình), 5.000m (cự ly dài) và 3.000m vượt chướng ngại vật. Chỉ sau 2 ngày thi đấu ở SEA Games 32, Nguyễn Thị Oanh đã sở hữu 3 HCV.
Hôm nay (12/5), cô thi đấu nội dung cuối cùng là 10.000m và nếu tất cả người hâm mộ đều tin rằng cô sẽ giành tiếp HCV và đó là phần thưởng lớn nhất ghi nhận những nỗ lực hết mình của Oanh.
Cũng ở môn điền kinh, sau 5 năm kể từ ngày để tuột mất tấm HCV ở SEA Games 30, chàng trai người Hà Tĩnh Nguyễn Trung Cường đã ghi tên mình tại SEA Games 32 với tấm HCV ở nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật nam. 5 năm là quãng thời gian khó khăn của Cường. Năm 2019, nam VĐV chịu nhiều cú sốc khi để tuột mất tấm HCV ở SEA Games 30 trên đất Philippine, sau đó liên tục gặp chấn thương, bị loại khỏi đội tuyển điền kinh quốc gia tham dự SEA Games 31. Có những giai đoạn, Cường rơi vào tuyệt vọng nhưng ngọn lửa của niềm đam mê điền kinh trong anh tiếp tục được thắp lên bằng quyết tâm của chính bản thân và sự động viên của gia đình, HLV, đồng đội và người hâm mộ…
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Tổng thư ký Liên đoàn Điền kinh Việt Nam cho biết, trong cuốn sách kỹ thuật Ban tổ chức phát cho các nước để đăng ký trước ngày 5/3 thì lịch thi đấu nội dung 1500m nữ diễn ra vào sáng 8/5. Sau đó tại cuộc họp vào chiều 7/5, BTC lại thông báo lịch thi đấu thay đổi. Theo đó nội dung 1500m nữ sẽ thi đấu vào ngày 11/5 và thay vào đó, nội dung 800m nữ thi đấu ngày đầu tiên 8/5. “Tuy nhiên đến 23h đêm ngày 7/5, chúng tôi nhận được lịch thi đấu, lại có sự thay đổi, tổ chức thi đấu nội dung 1.500m nam vào ngày 8/5. Dù thay đổi nhiều như vậy nhưng chúng tôi vẫn thành công”.
Nhiều nỗ lực giành huy chương
Cùng với điền kinh, Thể dục dụng cụ là một trong những môn thế mạnh của thể thao Việt Nam tại các kỳ đại hội thể thao quốc tế lớn. Tuy nhiên tại SEA Games 32, Thể dục dụng cụ Việt Nam sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn để có thể bảo vệ được thành tích ở sân chơi khu vực khi chủ nhà Campuchia cắt giảm khá nhiều bộ môn sở trường của đội tuyển Thể dục dụng cụ Việt Nam. Đội tuyển Thể dục dụng cụ Việt Nam dự SEA Games 32 với mục tiêu giành từ 2 đến 3 HCV.
Tại SEA Games 32, Karate Việt Nam đã trở về nước sau một kỳ SEA Games 32 đáng nhớ với ngôi Nhất toàn đoàn cùng sự trưởng thành của lứa VĐV trẻ đủ để những nhà quản lý, người làm chuyên môn tin rằng Karate Việt Nam có thể tiếp tục giữ vị thế tại Đông Nam Á và thực hiện các mục tiêu tại sân chơi châu lục cũng như ASIAD. Tại SEA Games 32, khi mới đi hết 2/3 chặng đường, đội tuyển đã sớm hoàn thành mục tiêu với việc giành 4 HCV. Đến ngày thi đấu cuối, sự hưng phấn, thoải mái sau khi hoàn thành chỉ tiêu đã giúp các võ sĩ Việt Nam thi đấu thăng hoa để giành luôn 2 HCV nội dung đối kháng đồng đội nam và nữ. Nhờ đó, đội tuyển giành tới 6 HCV để bảo vệ thành công vị trí Nhất toàn đoàn tại kỳ SEA Games trước…
Ngày 11/5, nữ hoàng Wushu Dương Thúy Vi cũng đã giành HCV nội dung thương thuật - kiếm thuật nữ trong ngày sinh nhật lần thứ 30 của mình. Chiếc HCV mà Thúy Vi mang về cho đoàn TTVN là tấm HCV thứ 51 tại SEA Games 32; còn với chính cô, đây đã là tấm HCV thứ 7 qua năm kỳ SEA Games kể từ năm 2013 tại Naypidaw - Myanmar (trừ SEA Games 30 không tổ chức các nội dung sở trường của Thúy Vi). Bảng thành tích của TTVN trong những ngày thi đấu tiếp theo tại SEA Games 32 chắc chắn vẫn còn được nối dài và với những gì các VĐV Việt Nam đang thể hiện thì họ hứa hẹn không chỉ hoàn thành những mục tiêu, chỉ tiêu vào Top dẫn đầu đã đặt ra mà sẽ là những ngọn cờ, tấm gương để thể thao khu vực phải trân trọng và thán phục.