Ý đảm bảo trung lập của Ukraine, Nga cảnh báo châu Âu cần 'tỉnh táo'
Ý sẵn sang đảm bảo quy chế trung lập của Ukraine, trong khi Nga cảnh báo châu Âu cần tỉnh táo giữa bối cảnh xung đột Moscow - Kiev vẫn leo thang.
Ý đang tích cực tìm giải pháp làm trung gian hòa bình ở Ukraine và cũng sẵn sàng đảm bảo tình trạng trung lập của Kiev, Bộ trưởng Ngoại giao Luigi Di Maio cho biết trong cuộc gặp với người đồng cấp Azerbaijan Jeyhun Bayramov tại Baku hôm 2-4.
"Chúng tôi đang nỗ lực không ngừng để chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine thông qua các biện pháp trừng phạt (Nga) nhưng cũng không bao giờ bỏ qua các kênh ngoại giao", Bộ trưởng Ngoại giao Ý Luigi Di Maio tuyên bố, đồng thời tiết lộ rằng đã đạt được "tiến bộ" trong cuộc đàm phán Nga - Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ hồi đầu tuần.
Ông Di Maio còn nhấn mạnh Rome hiện đã sẵn sàng đứng ra đảm bảo quy chế trung lập của Ukraine. "Điều này đảm bảo Kiev không bao giờ gia nhập liên minh quân sự NATO do Mỹ dẫn đầu và đây cũng là một trong những điều kiện mà Moscow đã đưa ra trước đó", ông Di Maio nói thêm.
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt nhắm vào Ukraine hôm 24-2. Chiến sự đã bước sang ngày thứ 39 và phía Nga nêu ra một số điều kiện hòa bình trong đó có nội dung yêu cầu Kiev phải tuyên bố là quốc gia trung lập, không bao giờ gia nhập NATO.
Khi mà cuộc xung đột vẫn tiếp diễn, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 2-4 cảnh báo châu Âu cần "tỉnh táo" trong bối cảnh hiện nay.
Ngại căng thẳng với Nga, Mỹ hủy phóng thử tên lửa ICBM
"Việc hàn gắn quan hệ Nga - liên minh châu Âu (EU) vẫn có thể xảy ra nhưng trước hết họ cần phải ‘tỉnh táo’ và thoát khỏi ảnh hưởng của Mỹ", phát ngôn viên Điện Kremlin nhấn mạnh - "Luôn có các giải pháp. Bất kỳ tình huống nào, cuộc đối đầu nào cũng đều có những lối thoát".
Tuy nhiên, ông Dmitry Peskov thừa nhận với đài RT của Nga rằng quan hệ Nga - EU khó có thể cải thiện trong tương lai gần.
Mối quan hệ Moscow - EU xấu đi kể từ khi xảy ra xung đột Nga - Ukraine. Tới nay, EU và Mỹ đã tung ra loạt đòn trừng phạt kinh tế nhắm vào Nga.
Moscow cũng đáp trả bằng loạt hành động "tương ứng", trong đó có việc buộc các quốc gia "không thân thiện" phải thanh toán tiền mua khí đốt của họ bằng đồng rúp.