Ý Đảng, lòng dân trong công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ (kỳ cuối)

Lễ an táng hài cốt liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh. Ảnh: KHÁNH DIÊU

Kỳ cuối: Còn sống là còn đi tìm đồng đội

Thực hiện phong trào Vận động cựu chiến binh (CCB) cung cấp thông tin đi tìm đồng đội, những năm qua, nhiều CCB với nghĩa cử cao đẹp, tinh thần thiện nguyện đã chủ động tìm kiếm, cung cấp thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ. Qua đó khơi dậy tinh thần, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong các hoạt động tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ (HCLS) trên địa bàn tỉnh.

Sâu nặng nghĩa tình

Họ từng là những người lính trực tiếp chiến đấu trên chiến trường Phú Yên trong những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, may mắn được trở về sau cuộc chiến và phần lớn đều trở thành thương binh. Nhiều người đã không quản ngại khó khăn, vất vả, dành thời gian, công sức đi tìm hài cốt đồng đội mình như CCB Lưu Công Thục (TP Tuy Hòa), Nguyễn Châu Diên (huyện Tuy An), Nguyễn Xuân Đượng (huyện Phú Hòa)… Tiêu biểu là thương binh Nguyễn Văn Cường (phường Phú Lâm, TP Tuy Hòa), người có hơn 1/4 thế kỷ làm quản trang tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh. Bằng sự nhạy cảm, kinh nghiệm của những lần đi quy tập mộ, ông biết cách phân tích sự phân hủy của hài cốt ở mỗi địa bàn có thổ nhưỡng khác nhau, biết nhận dạng địa hình, cây cỏ; nhận định, phỏng đoán hướng nằm của người mai táng… Ông là người đã góp sức quy tập hàng ngàn ngôi mộ liệt sĩ về an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ trong tỉnh. Có lẽ đó là lý do mà nhiều thân nhân liệt sĩ gọi ông là “Người đánh thức cõi vĩnh hằng” với tấm lòng yêu mến và kính trọng.

Chia sẻ về thời gian hơn 7 năm cùng đồng đội gắn bó, chiến đấu cùng quân và dân Phú Yên, CCB, thương binh Lưu Công Thục nói: “Giữa khốc liệt, thiếu thốn của chiến tranh, anh em chia nhau từng muỗng cháo, cọng rau, viên thuốc. Chúng tôi chứng kiến sự hy sinh và trực tiếp chôn cất không biết bao nhiêu đồng đội của mình. Đến nay, nhiều đồng đội còn nằm lạnh lẽo nơi rừng sâu, núi thẳm, với tôi đây là điều day dứt khôn nguôi. Ngày nào còn sống, còn sức khỏe, chúng tôi còn tiếp tục đi tìm”. Dù những vết thương trên thân thể vẫn đau nhức khi trái gió trở trời, nhưng không cản được bước chân của người thương binh bền bỉ, nhẫn nại đi qua không biết bao nhiêu cánh rừng, con suối để tìm hài cốt đồng đội. Đến nay, ông đã liên kết, tìm kiếm và phối hợp với các cơ quan chức năng cất bốc được 20 HCLS, bàn giao cho gia đình và đưa về nghĩa trang liệt sĩ trong và ngoài tỉnh an táng, cung cấp thông tin cho nhiều thân nhân liệt sĩ.

Là người có nhiều năm gắn bó với nhiệm vụ quy tập HCLS, thượng tá Hà Xuân Kháng, Trưởng ban Chính sách, Bộ CHQS tỉnh cho biết: “Những thông tin mà các CCB cung cấp rất quý giá, độ chính xác tương đối cao và hỗ trợ đắc lực cho Bộ CHQS tỉnh xác định chính xác địa điểm, vị trí để quy tập được các HCLS. Mỗi chuyến đi quy tập HCLS là một kỷ niệm, hằn sâu trong tâm trí chúng tôi là hình ảnh của những người lính già, không ngại nắng mưa, băng rừng, lội suối và giây phút họ bật khóc khi tìm thấy hài cốt đồng đội mình khiến chúng tôi không khỏi xúc động. Điều đó trở thành động lực thôi thúc chúng tôi khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập HCLS”.

Nhiều liệt sĩ được về với quê nhà

Ngoài các CCB thường xuyên đi tìm đồng đội hy sinh trên đất Phú Yên, hiện còn có rất nhiều CCB tích cực góp công sức đưa HCLS quê Phú Yên an táng tại các nghĩa trang ngoài tỉnh về quê nhà, như CCB Nguyễn Văn Định, Lê Quốc Văn (TX Đông Hòa)… Họ bộc bạch: Chúng tôi từng tham gia chiến đấu và làm nhiệm vụ quốc tế tại chiến trường Campuchia. Chúng tôi luôn tâm niệm rằng mình còn sống là may mắn và hạnh phúc lớn, trong khi nhiều đồng đội đã hy sinh chưa được về với quê nhà; nhiều gia đình, người thân vẫn đau đáu đi tìm, chưa biết con em mình an táng ở đâu để thăm viếng. Vì vậy, chúng tôi phải có trách nhiệm đưa anh em về với gia đình, về với quê hương.

Từ suy nghĩ đó, cùng sự kết nối của Chi hội Nghĩa tình người lính, những năm qua, các CCB đã dành nhiều thời gian và tâm huyết để cùng đồng đội đến từng gia đình có người hy sinh, có mộ tại các nghĩa trang để hướng dẫn thân nhân làm các thủ tục theo quy định; vận động mạnh thường quân ủng hộ kinh phí thuê xe, đưa đón thân nhân liệt sĩ đến tận nghĩa trang cất bốc HCLS; bảo đảm tối thiểu việc ăn nghỉ cho thân nhân. Mặc dù Nhà nước hỗ trợ kinh phí cất bốc mộ, nhưng chi phí ăn nghỉ, nhân công cất bốc, hương hoa các buổi lễ… là khá lớn. Nhờ đó, hàng chục HCLS ở nghĩa trang các tỉnh được đưa về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ quê nhà Phú Yên.

Chị Trần Thị Ái Hằng (phường Phú Lâm, TP Tuy Hòa) xúc động chia sẻ: “Ba tôi là liệt sĩ Trần Văn Long, nhập ngũ ngày 15/2/1985, chiến đấu ở chiến trường Campuchia, hy sinh năm 1987, được an táng ở Xiêm Riệp, sau này được các cơ quan chức năng đưa về nghĩa trang Tân Biên (Tây Ninh). Bao năm qua, hoàn cảnh khó khăn, đường sá xa xôi nên gia đình không thường xuyên thăm viếng, chăm sóc mộ phần của ông. Năm 2017, nhờ các chú CCB cùng ngành LĐ-TB-XH và cơ quan quân sự các cấp tạo điều kiện, đưa ba tôi về an táng ở Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh. Gia đình tôi biết ơn các CCB và các cơ quan rất nhiều”.

Hàng ngày vẫn cần mẫn, lặng lẽ chăm sóc cho mái nhà chung của đồng đội luôn luôn khang trang, sạch đẹp, CCB Nguyễn Văn Tự, từng làm nghĩa vụ quốc tế trên chiến trường Campuchia, nay làm quản trang tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh, tâm sự: “Mỗi ngày nhìn những hàng bia mộ trắng khắc dòng chữ “Liệt sĩ chưa có thông tin”, lòng tôi lại xót xa. Còn bao nhiêu HCLS chưa được tìm thấy, còn bao nhiêu bia mộ chỉ có dòng chữ ấy là còn bấy nhiêu nỗi đau của gia đình thân nhân liệt sĩ”.

Chiến tranh đã kết thúc gần 50 năm, nhưng nỗi đau vẫn còn đó, biết bao cuộc chia tay vào chiến trường không có ngày trở lại; biết bao người mẹ, người vợ đã ở tuổi xế chiều ngày đêm mòn mỏi ngóng đợi tin con, tin chồng. Và như Bác Hồ từng nói: “Máu đào của các liệt sĩ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập kết quả tự do”. Do đó, tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính HCLS là trách nhiệm, là tình cảm, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của những người thuộc thế hệ hôm nay, để góp phần xoa dịu nỗi đau chiến tranh, củng cố thế trận lòng dân, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

ĐẶNG SỸ

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/89/285999/y-dang-long-dan-trong-cong-tac-tim-kiem-quy-tap-hai-cot-liet-si-ky-cuoi.html