Y đức nơi tuyến đầu cứu người

Đến thăm ba của người bạn thân mới ra viện, tôi nghe ông kể, hôm ấy chú tự nhiên bị lăn ra ngất xỉu, người nhà đưa đi cấp cứu ở Khoa Cấp cứu đa khoa (CCĐK), Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế. Do vội quá không mang theo gì cả, kể cả tiền. Vậy mà ngay sau khi nhập viện, dù chưa có tiền, chú vẫn được chụp CT, chẩn đoán bị đột quỵ. Nhờ được cấp cứu giờ vàng, chỉ sau vài ngày nằm viện, chú được cứu sống trở lại bình thường, không để lại di chứng. May quá, nhờ khoa có những thay đổi so với trước, các quy chế của bệnh viện được áp dụng linh hoạt.

 Bác sĩ khoa Cấp cứu đa khoa BVTW Huế đang khám cho bệnh nhân

Bác sĩ khoa Cấp cứu đa khoa BVTW Huế đang khám cho bệnh nhân

Tôi nhớ lần gần đây, đưa người nhà đi cấp cứu ở khoa này, tôi thấy các bác sĩ, điều dưỡng có thái độ nhẹ nhàng, lễ phép với người nhà bệnh nhân (BN). Hôm ấy, cạnh giường người nhà tôi là một bé trai 10 tuổi, bị đau bụng quằn quại và nôn mửa nên người nhà lo lắng, bấn loạn. Trong hoàn cảnh đó, các y, bác sĩ vẫn bình tĩnh trấn an người nhà, đồng thời nhanh chóng xử lý ca bệnh. Kết quả, cháu bé được xác định bị viêm ruột thừa cấp, được hội chẩn và mổ cấp cứu. Các việc diễn tiến nhanh trong vòng 30 phút kể từ lúc vào viện.

ThS.BS. Phan Lê Hiếu, Trưởng khoa CCĐK, BVTW Huế cho biết, gần hai năm nay, cán bộ khoa đã có những thay đổi đáng kể về thái độ phục vụ BN, thái độ ứng xử với người nhà. Bác sĩ, điều dưỡng khoa tiếp đón BN và người nhà lễ phép, nhẹ nhàng dù có khi bị người nhà xúc phạm. Có những trường hợp BN chưa đủ tiền đóng viện phí, cán bộ khoa phải vận dụng các quy định của BV để giải quyết tốt từng trường hợp, không làm tổn thương BN.

Nếu bác sĩ hoặc điều dưỡng bị người nhà BN khiếu nại thì trưởng khoa gặp gia đình BN tìm hiểu rõ và có lời giải thích, xin lỗi chân thành cũng như ghi nhận các khuyết điểm của nhân viên. Nếu khiếu nại đúng thì nhân viên bị khiếu nại sẽ bị khoa kiểm điểm, nặng sẽ đánh giá tiêu chuẩn thi đua cuối năm. Cán bộ khoa luôn coi BN là “khách hàng đặc biệt” và luôn nỗ lực trong chuyên môn, thân thiện trong ứng xử để làm hài lòng “khách hàng”.

BS. Hiếu cho rằng, vai trò của chi bộ là quan trọng, kết hợp với công đoàn và đoàn thanh niên của khoa. Chi bộ kết nạp đảng viên bảo đảm chất lượng, chứ không phải kết nạp để tính chỉ tiêu. Mỗi tháng sinh hoạt chi bộ, đảng viên đều nhớ rõ vai trò của mình là phải gương mẫu, giám sát, nhắc nhở mọi người thực hiện tốt nhiệm vụ cấp cứu, khám bệnh kịp thời cho BN. Tất cả cán bộ, nhân viên làm việc đều được giám sát. Mỗi người cuối tháng phải báo cáo lại việc mình đã làm. Ai không thực hiện tốt, lần đầu bí thư chi bộ nhắc nhở, nếu không thay đổi, sẽ báo cáo cấp trên để có hình thức xử lý kịp thời hoặc thuyên chuyển công tác. Trưởng khoa quyết liệt trong việc này. Anh từng chứng kiến một điều dưỡng có thái độ không nhẹ nhàng với người nhà BN, sau đó gặp riêng để góp ý, nhắc nhở. Từ đó đến nay, người điều dưỡng đó không còn lặp lại sai lầm.

Muốn cán bộ, nhân viên yên tâm công tác, gắn bó với khoa thì chi bộ phải kết hợp với tổ chức công đoàn chăm lo đời sống cho cán bộ, nhân viên. Khoa có 60 người và có nhiều cách để có thể giúp đỡ, hỗ trợ nhau về kinh tế nếu có thành viên gặp khó khăn. Không chỉ giúp nhân viên có hoàn cảnh khó khăn về vật chất, khoa còn giúp họ về chuyên môn. Có nhân viên tên T. là trung cấp điều dưỡng, mồ côi cha mẹ, khoa đã quyên góp tiền từ cán bộ, nhân viên giúp em học cao đẳng.

Phát huy vai trò Đảng lãnh đạo, gắn bó với các tổ chức đoàn thể trong các hoạt động chuyên môn, Khoa CCĐK đã góp phần xây dựng y đức người bác sĩ trong tuyến đầu cứu người của BVTW.

Bài, ảnh: Đinh Hoàng Xuân Hồng

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/y-te-suc-khoe/y-duc-noi-tuyen-dau-cuu-nguoi-145643.html