Y dược cổ truyền gỡ khó đấu thầu, thiếu thuốc như thế nào?
Y dược cổ truyền thời gian qua cũng gặp khó khăn về vấn đề đấu thầu, cung ứng thuốc, cũng như mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế. Lý do cơ bản liên quan đến đấu thầu, khi giá mời thầu luôn thấp hơn giá thị trường.
Trao đổi với phóng viên, TS. Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Y dược cổ truyền (Bộ Y tế) cho biết, ngành y tế nói chung và với dược liệu, y học cổ truyền đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc đấu thầu, cung ứng thuốc.
Ông Nguyễn Thế Thịnh cũng chỉ rõ những nguyên nhân và giải pháp gỡ rối đấu thầu, thiếu thuốc với dược liệu và thuốc cổ truyền.
PV: Thời gian qua, ngành y tế gặp nhiều khó khăn trong đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế. Vậy với dược liệu và thuốc cổ truyền khó khăn cụ thể là gì thưa ông?
TS. Nguyễn Thế Thịnh: Trong thời gian vừa qua, ngành y tế nói chung và ngành y học cổ truyền nói riêng đều gặp khó khăn về vấn đề đấu thầu, cung ứng thuốc, cũng như mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế. Với y dược cổ truyền, không thể tránh khỏi tình trạng thiếu thuốc. Lý do cơ bản liên quan đến đấu thầu, khi giá mời thầu luôn thấp hơn giá thị trường.
Khi các bệnh viện tổ chức đấu thầu, thì hầu như không có các đơn vị cung ứng dược liệu tham gia, với lý do cơ bản nhất là giá mời thầu luôn thấp hơn giá thị trường. Giá dược liệu được tính theo thời vụ, ví dụ như mất mùa thì giá sẽ đắt hơn. Do vậy, đôi khi giá mời thầu xây dựng không phù hợp thì doanh nghiệp sẽ không tham gia.
Hiện Cục Y dược cổ truyền và các bệnh viện đã bắt đầu đấu thầu được và với nguồn dự trữ từ trước, nên đã phần nào đảm bảo cung ứng thuốc cho người bệnh.
Các bệnh viện y học cổ truyền cũng sử dụng các biện pháp không dùng thuốc như châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt…. Đồng thời, mới đây, đã có quyết định về phát triển y dược cổ truyền kết hợp với y học hiện đại, do vậy, việc sử dụng thuốc y học cổ truyền đã khá linh hoạt. Việc cung ứng thuốc về cơ bản không gặp khó khăn.
PV: Nếu vướng mắc nằm ở đấu thầu, thì theo ông, đâu là giải pháp lâu dài, bền vững để giải quyết khó khăn, đảm bảo ổn định và chủ động thuốc để khám, chữa bệnh cho người dân?
TS. Nguyễn Thế Thịnh: Tất cả các loại thuốc, dược liệu khi đưa vào bệnh viện đều phải thông qua đấu thầu, qua ban kiểm soát thuốc của bệnh viện và phải rõ nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo đầy đủ tiêu chuẩn mới được tham gia vào khám chữa bệnh.
Đã có những thông tin về cung ứng dược liệu trong các đơn vị khám, chữa bệnh và thiếu hay đủ? Trong thời gian qua, Cục Y dược cổ truyền đã tích cực thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế để tham mưu, ban hành nhiều văn bản như Thông tư 38, Thông tư 39 quy định về chất lượng dược liệu hay Thông tư 32 về quy định điều chế chế biến và đang gấp rút sửa Thông tư 42, Thông 30, Thông tư 05… liên quan đến thanh toán thuốc y học cổ truyền.
Về cơ bản, các văn bản quy phạm pháp luật đều không có vướng mắc. Hiện tại có vấn đề về giá đấu thầu dược liệu tại các cơ sở y tế công lập đang được phê duyệt thì thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường, khiến các cơ sở cung ứng không thể tham gia được. Họ không thể bán dược liệu với giá lỗ vốn. Do vậy, đã có những sửa đổi, những chỉ đạo sát sao của Chính phủ, nên việc cung ứng dược liệu và thuốc cổ truyền vào các bệnh viện đã bắt đầu ổn định.
Có thể khẳng định, dược liệu trong nước đã được quan tâm nuôi trồng, tuy nhiên, vẫn có những dược liệu không nuôi trồng được và phải nhập khẩu, đặc biệt từ Trung Quốc. Việt Nam đang tăng cường nuôi trồng dược liệu để đối trọng giữa nhập khẩu và xuất khẩu.
PV: Thông thường, một bài thuốc cổ truyền sẽ có nhiều vị. Trong trường hợp cung ứng thuốc vẫn còn gặp khó khăn, khiến một bài thuốc thiếu đi một vài vị thì sẽ như thế nào?
TS. Nguyễn Thế Thịnh: Về nguyên tắc, y học cổ truyền có thể sử dụng các vị thuốc thay thế. Ví dụ trong một nhóm thuốc bổ huyết sẽ có 7-8 loại, do đó, khi thiếu vị này, bác sĩ có thể kê đơn thay vị thuốc thành vị thuốc khác, giống như tây y có thể thay thế bằng những nhóm kháng sinh tương đồng. Như vậy, bác sĩ có thể linh hoạt được và không hưởng đến bài thuốc.
Rất nhiều vị thuốc không thể thay thế được thì vẫn phải nhập khẩu. Tuy nhiên, Nghị định 54 yêu cầu các đơn vị xuất khẩu vào Việt Nam phải đáp ứng tiêu chuẩn GMP (Là bộ nguyên tắc, tiêu chuẩn về sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc nhằm bảo đảm thuốc, nguyên liệu làm thuốc luôn được sản xuất và kiểm tra một cách nhất quán theo các tiêu chuẩn chất lượng phù hợp với mục đích sử dụng và yêu cầu của giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc) của WHO, tuy nhiên, nhiều nước trên thế giới, trong đó có Trung Quốc có tiêu chuẩn riêng. Theo đó, Cục đã tham mưu cho Bộ Y tế trình Chính phủ sửa Nghị định sao cho phù hợp với tình hình thị trường các nước. Để đối trọng với lượng nhập khẩu, Việt Nam cần đầu tư về mặt khoa học, nghiên cứu làm sao có các dược liệu, sản phẩm thay thế. Đặc biệt, được Hội đồng Dược điển đánh giá giá trị chất lượng và xây dựng tiêu chuẩn làm thuốc theo đúng quy định của pháp luật.
Hội đồng dược điển và Viện kiểm nghiệm thuốc T.Ư phối hợp với nhiều cơ quan khác để cùng vào cuộc, đầu tư vào nghiên cứu khoa học, đầu tư vào nuôi trồng… để có những sản phẩm dược liệu thay để chủ động phần nào trong công tác khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền.
PV: Xin cám ơn ông!