Ý khuyến nghị tiêm mũi vắc xin thứ tư cho người suy giảm miễn dịch

Tiêm vắc xin ngừa COVID-19. Nguồn: AFP/TTXVN

* Mỹ xem xét phê duyệt liều vắc xin COVID-19 tăng cường thứ hai

Theo phóng viên TTXVN tại Rome, Bộ Y tế Ý đã khuyến nghị những người bị suy giảm miễn dịch nghiêm trọng nên tiêm mũi thứ tư vắc xin theo công nghệ mRNA để chống COVID-19, ít nhất là 120 ngày sau khi tiêm mũi tăng cường.

Trong thông báo ngày 20/2, Cơ quan Quản lý dược phẩm Ý (AIFA) đã nhấn mạnh khi mà tác dụng bảo vệ và thời gian miễn dịch giảm đi đối với biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 sau chu kỳ tiêm chủng chính, mũi tiêm tăng cường vẫn cho thấy hiệu quả và độ an toàn cao trong ngăn ngừa các triệu chứng, tỉ lệ nhập viện và tử vong ở các bệnh nhân COVID-19.

Theo Bộ Y tế Ý, quan chức phụ trách phòng chống đại dịch COVID-19 của nước này, tướng Francesco Figliuolo sẽ ấn định ngày khuyến nghị trên có hiệu lực dựa trên diễn biến thực tế.

Bộ này nhấn mạnh quyết định cho thấy mức độ lây lan của virus SARS-CoV-2 vẫn cao và hiệu quả của các mũi tiêm nhắc lại trong việc ngăn ngừa các triệu chứng, nguy cơ nhập viện và các ca tử vong liên quan đến COVID-19.

Trong khi số ca nhiễm COVID-19 tiếp tục giảm tại Ý, tỉ lệ lây nhiễm vẫn bị coi là đáng lo ngại. Ước tính 5,1% người dân Ý vẫn chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19.

Tổ chức nghiên cứu y tế GIMBE khuyến nghị chính phủ nên đề ra các chiến lược để giảm tác động của các làn sóng lây nhiễm mới COVID-19 sau mùa hè.

Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại Ý vào tháng 2/2020, nước này đã ghi nhận tổng cộng 12,4 triệu ca mắc và 152.848 ca tử vong do COVID-19.

Hầu hết các nước châu Âu có tỉ lệ tiêm vắc xin tương đối thấp hơn đều đã ra khuyến nghị về việc tiêm mũi thứ tư cho những người dễ bị mắc bệnh nhất.

* Trong khi đó, tại Mỹ, Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) đang xem xét cấp phép việc tiêm mũi thứ 4 vắc xin ngừa COVID-19, tức liều vắc xin tăng cường thứ hai, vào mùa thu năm nay.

Theo tờ Wall Street Journal (WSJ), báo trên cho biết hiện kế hoạch vẫn đang ở giai đoạn đầu và quá trình cấp phép sẽ phụ thuộc vào kết quả các cuộc nghiên cứu đang được thực hiện về việc liệu liều vắc xin tăng cường thứ hai có giúp nâng cao khả năng miễn dịch của người được tiêm, giảm nguy cơ bệnh chuyển nặng và nghiêm trọng sau mắc COVID-19 hay không.

FDA đã bắt đầu xem xét dữ liệu để đưa ra quyết định và đang cân nhắc phê duyệt vắc xin của các hãng Pfizer và Moderna.

Cơ quan này cũng đang cân nhắc có nên tiêm đại trà liều vắc xin này hay chỉ cho các nhóm tuổi cụ thể, cũng như có cần điều chế vắc xin riêng biệt ứng phó với biến thể Omicron hay không.

Theo các chuyên gia, liều tăng cường thứ hai có thể là khởi đầu của chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19 hàng năm. Nếu có biến thể mới xuất hiện, khả năng Mỹ sẽ áp dụng chiến lược này.

Việc tiêm liều vắc xin tăng cường vào mùa thu có thể hữu ích bởi trùng thời điểm với đợt tiêm chủng cúm hàng năm.

Tuy nhiên, chiến lược này có thể gặp trở ngại trong bối cảnh nhiều người dân mệt mỏi với việc tiêm chủng định kỳ sau các liều vắc xin trước trong khi số khác do dự khi phải tiêm quá nhiều vắc xin.

Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, dến nay khoảng 65% dân số Mỹ đã hoàn thành liều tiêm cơ bản, khoảng 43% đã được tiêm mũi vắc xin tăng cường.

Tuy nhiên, tỉ lệ người cao tuổi và những người có nguy cơ mắc COVID-19 sau khi tiêm vắc xin đã tăng lên, nhiều người trong đó mong muốn được tiêm liều vắc xin tăng cường thứ 2.

T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/271142/y-khuyen-nghi-tiem-mui-vac-xin-thu-tu-cho-nguoi-suy-giam-mien-dich.html