Ý kiến cán bộ, đảng viên: Thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm của người nông dân

Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII diễn ra từ ngày 4-10/5 đã thảo luận, cho ý kiến và quyết định về nhiều nội dung quan trọng. Theo dõi các phiên họp qua phương tiện thông tin đại chúng, cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh Thanh Hóa bày tỏ đồng tình cao với các quyết sách quan trọng của Trung ương. Trong đó, cán bộ, đảng viên đặc biệt quan tâm vấn đề tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Các đồng chí Ủy viên Trung ương dự hội nghị, chiều 10/5. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Các đồng chí Ủy viên Trung ương dự hội nghị, chiều 10/5. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa, ông Trần Bình Quân cho rằng, sau 15 năm thực hiện, Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn được đánh giá đi vào cuộc sống nhanh chóng và tạo ra những kết quả nổi bật, góp phần làm thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm của người nông dân từ sản xuất manh mún nhỏ lẻ chuyển sang liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao.

Tại Thanh Hóa, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, đề án, cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển “tam nông", góp phần làm thay đổi toàn diện nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Điển hình như: Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 11/1/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Qua đó, góp phần tích tụ, tập trung đất đai, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, phát triển các sản phẩm lợi thế của tỉnh. Tỉnh cũng khuyến khích đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ giới hóa, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, an toàn thực phẩm.

Đến nay, toàn tỉnh Thanh Hóa đã vận động, khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai được trên 16.000 ha ở 25 đơn vị cấp huyện. Đây là cơ sở quan trọng để tỉnh thu hút được trên 800 doanh nghiệp đầu tư sản xuất vào lĩnh vực nông nghiệp, từ đó mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp được liên kết sản xuất và bao tiêu các sản phẩm trồng trọt đạt với trên 70.000 ha. Đáng chú ý, trên địa bàn tỉnh đã hình thành và phát triển ổn định được các mô hình chăn nuôi theo chuỗi giá trị, như: Công ty cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk, Công ty Sữa TH True Milk; liên kết thu mua, giết mổ, chế biến lợn sữa xuất khẩu của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hoa Mai và Công ty Chế biến súc sản Thanh Hóa…

Tuy nhiên, theo ông Trần Bình Quân, bên cạnh những kết quả đạt được, việc tích tụ ruộng đất tại Thanh Hóa vẫn còn chưa đạt được kết quả như mong đợi, và số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp mới đạt trên 800 doanh nghiệp là vẫn còn ít và chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa.

Ông Trần Bình Quân đề nghị Trung ương và tỉnh Thanh Hóa cần thêm các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân trong quá trình tích tụ ruộng đất, như: Hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, đào tạo lao động, hỗ trợ các khâu dịch vụ trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp... Các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức cho người sản xuất, các tổ chức kinh tế về việc tích tụ ruộng đất và đẩy mạnh huy động nguồn lực đầu tư, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp...

Ông Nguyễn Văn Phượng, nguyên Trưởng phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa) đánh giá, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, có ý nghĩa to lớn. Đời sống người nông dân ngày càng được cải thiện. Đặc biệt hình thành được nhiều chuỗi liên kết sản xuất nên tư duy, cách làm của người nông dân cũng thay đổi từ nhỏ lẻ sang sản xuất lớn theo chuỗi giá trị.

Đến nay, Thanh Hóa đã hình thành được 1.012 chuỗi liên kết trong lĩnh vực trồng trọt, 23 chuỗi trong lĩnh vực thủy sản, 4 chuỗi liên kết khép kín sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm lâm nghiệp và 79 dự án chăn nuôi phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đều hình thành dựa trên cơ sở của những cánh đồng mẫu lớn, tích tụ, tập trung đất đai, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ...

Thông qua các chuỗi liên kết không chỉ nâng cao giá trị sản xuất cho ngành nông nghiệp mà còn từng bước hình thành tư duy sản xuất hiện đại, mang tính thị trường cho người dân.

Tuy nhiên, các chuỗi liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa chưa đa dạng về hình thức sản phẩm (chủ yếu là sản phẩm trồng trọt); tập trung ở khu vực có trình độ dân trí cao, kinh tế phát triển, chưa có nhiều mô hình liên kết thật sự có hoạt động đầu tư, chuyển giao khoa học - kỹ thuật gắn với tiêu thụ nông sản...

Ông Nguyễn Văn Phượng cho rằng, để nhân rộng và nâng cao hiệu quả kinh tế của các chuỗi liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp bền vững, ngoài việc vận dụng linh hoạt các cơ chế hỗ trợ, khuyến khích của tỉnh, địa phương thì các mắt xích trong chuỗi cần tuân thủ theo đúng quy định, tiêu chuẩn đã được thiết lập, đồng thời, không ngừng cập nhật kiến thức, kỹ năng để đổi mới, nâng cấp chuỗi đã được thành lập. Tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa cần đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao giá trị sản phẩm đặc thù tại các khu vực này. Từ đó, tạo ra giá trị hàng hóa lớn tạo chuỗi liên kết sản xuất, chứ không chỉ là những sản phẩm nhỏ lẻ, tiêu dùng tại chỗ.

Trịnh Duy Hưng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/chinh-tri/y-kien-can-bo-dang-vien-thay-doi-tu-duy-cach-nghi-cach-lam-cua-nguoi-nong-dan-20220513091113935.htm