Ý kiến cán bộ, đảng viên và nhân dân về thành tựu sau 30 năm tái lập tỉnh
Hướng về kỷ niệm 200 năm danh xưng Ninh Bình (1822-2022) và 30 năm tái lập tỉnh (1/4/1992- 1/4/2022), cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã bày tỏ tâm tư, nguyện vọng nhân sự kiện trọng đại của quê hương.
Kinh tế tập thể ngày càng khẳng định vai trò trong sự phát triển
Những năm qua, kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn tỉnh ngày càng phát huy vai trò, hiệu quả hoạt động trong phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt thực hiện Nghị quyết 13/NQ-TW ngày 18/3/2002 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, khu vực kinh tế tập thể, HTX đã có những bước chuyển biến rõ nét, xóa bỏ tư duy HTX kiểu cũ, từng bước vươn lên khẳng định vị trí, vai trò trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là xây dựng nông thôn mới.
Trên địa bàn tỉnh thời điểm triển khai thực hiện Nghị quyết số 13 (tính đến ngày 31/12/2001) có 277 HTX trong các ngành, lĩnh vực kinh tế với 185.630 thành viên và 2.651 lao động thường xuyên với thu nhập bình quân hàng năm là 15 triệu đồng/người/ năm.
Nhìn chung, các HTX trên địa bàn tỉnh vẫn còn ảnh hưởng của hình thức tổ chức HTX kiểu cũ. Sau 20 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 13, cũng như sau 30 năm tái lập tỉnh, kinh tế tập thể, HTX đã và đang khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong việc đáp ứng các nhu cầu hàng hóa, dịch vụ thiết yếu và tạo công ăn việc làm cho thành viên và người lao động trong khu vực nông thôn, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo.
Đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 437 HTX, thu hút 333.494 thành viên tham gia. Tổng giá trị tài sản của HTX đạt hơn 2.900 tỷ đồng; thu nhập bình quân của HTX đạt 259 triệu đồng/HTX. Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận thấy hiện nay các HTX chưa phát huy hết được tiềm năng, lợi thế vốn có.
Đặc biệt trong xu thế hội nhập, toàn cầu hóa và cạnh tranh gay gắt, xu hướng sử dụng hàng hóa an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng cao, đặc biệt là nông sản hữu cơ, đòi hỏi các HTX phải thích ứng với thị trường bằng những sản phẩm đạt tiêu chuẩn, vì vậy các HTX cần phải có tư duy mới, có giải pháp phù hợp nhằm phát triển HTX đúng hướng; tích cực ứng dụng công nghệ số trong tổ chức sản xuất và kinh doanh.
Bà Lê Thị Tâm
(Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh)
Vui mừng, phấn khởi trước sự phát triển toàn diện của tỉnh
Tôi rất vui mừng trước thành tựu mà tỉnh đạt được trong chặng đường vừa qua, nhất là sau 30 năm tái lập tỉnh, đồng thời bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tiếp tục đưa Ninh Bình ngày càng phát triển đi lên. Mặc dù tuổi đã cao, hiện là bí thư chi bộ cơ sở, qua theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng tôi rất vui mừng trước sự phát triển toàn diện của tỉnh trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Đặc biệt là trong 30 năm qua.
Diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc, kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư đồng bộ, khang trang. Ở mỗi địa phương, người dân cùng thi đua xây dựng đời sống văn hóa, cùng hiến đất mở rộng đường giao thông, tăng gia sản xuất để nâng cao thu nhập.
Công cuộc xây dựng nông thôn mới đã thổi luồng sinh khí mới đến các vùng quê, mang lại niềm vui cho người dân khi đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện và nâng cao. Nhiều ngôi nhà cao tầng mọc lên, tô thêm mảng màu tươi sáng của làng quê. Trẻ em được đến trường đúng độ tuổi, được chăm sóc vui chơi, được tiếp cận với công nghệ hiện đại, được quan tâm chăm lo phát triển toàn diện. Trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Những đổi thay to lớn đang diễn ra từng ngày đã đem lại cho nhân dân trong tỉnh có cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc…
Có được cuộc sống như ngày hôm nay, tôi càng trân trọng những giá trị của độc lập, tự do mà lớp thế hệ cha ông ta và cả những đồng đội của tôi đã đánh đổi bằng xương máu mới giành được. Vì vậy, tôi mong thế hệ trẻ tiếp tục trân trọng và chung tay, góp sức để bảo vệ, giữ vững nền độc lập, tự do đó.
Tôi kỳ vọng các đồng chí lãnh đạo tỉnh sẽ tiếp tục đưa ra những quyết sách đúng đắn, mang tầm chiến lược lâu dài, tạo bước phát triển mạnh mẽ trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, đưa tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.
Ông Phạm Văn Tiến
(Bí thư Chi bộ thôn Tân Mỹ, xã Ninh Mỹ, Hoa Lư)
Có nhiều đột phá hơn nữa để đưa quê hương phát triển nhanh và bền vững
Sau 30 năm tái lập tỉnh, từ một thị xã nhỏ bé, thành phố Ninh Bình đã vươn lên khá mạnh mẽ, tạo được bản sắc riêng. Khát vọng kiến thiết một Ninh Bình hiện đại, văn minh, thân thiện được truyền lửa từ các thế hệ lãnh đạo tỉnh, thành phố đến người dân, cộng đồng, doanh nghiệp, hội tụ được sức mạnh đoàn kết lớn lao.
Phường Bích Đào nằm ở trung tâm thành phố, có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, vinh dự có sự đóng góp một phần nhỏ vào thành quả chung đó. Đối với phường Bích Đào và Tổ dân phố Bắc Sơn chúng tôi, những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, công tác xây dựng Đảng được coi trọng, công tác quản lý, điều hành của chính quyền được nâng cao, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân có nhiều đổi mới.
Đặc biệt, được sự hỗ trợ của tỉnh và thành phố, công tác đầu tư xây dựng mới và cải tạo các công trình phúc lợi công cộng, phục vụ nhân dân tại các khu dân cư được thực hiện tốt. Chất lượng giáo dục, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao ngày càng được nâng cao.
Việc thực hiện chính sách xã hội, công tác an sinh xã hội, công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân tiếp tục được quan tâm đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân tại các khu dân cư.
Với sự thay đổi của Ninh Bình trong 30 năm qua, tôi tin tưởng và kỳ vọng, trong giai đoạn tới, tỉnh sẽ phát huy thành quả đạt được, vượt qua những thách thức, có thêm nhiều sáng tạo mới, đột phá hơn nữa để đưa quê hương phát triển nhanh và bền vững.
Bà Phạm Thị Xuân
(Bí thư Chi bộ phố Bắc Sơn, phường Bích Đào, thành phố Ninh Bình)
Thúc đẩy làng nghề phát triển gắn với du lịch
Được sinh ra và lớn lên ở mảnh đất có nghề thêu ren truyền thống Văn Lâm, xã Ninh Hải (Hoa Lư) và trong gia đình mà cả bố mẹ, các anh chị em đều biết thêu ren.
Vì thế nghề thêu đến với tôi một cách tự nhiên không cần qua một trường lớp đào tạo nào. Khởi nghiệp bằng việc thành lập Tổ hợp thêu xuất khẩu Hòa Bình, gồm 10 người tham gia vào năm 1996.
Với tình yêu với nghề và muốn lưu giữ nghề truyền thống quê hương, tôi đã trực tiếp truyền dạy nghề cho người dân địa phương cũng như bà con các xã trên địa bàn tỉnh có niềm đam mê với nghề thêu, vì vậy nghề thêu sau một thời gian trầm lắng giờ đây đã quay trở lại và được người dân địa phương đón nhận, coi đây là một nghề giúp tạo việc làm, nâng cao thu nhập.
Năm 2001 tôi thành lập Công ty thêu Minh Trang hoạt động một cách chuyên nghiệp.
Hiện nay, Công ty TNHH thêu Minh Trang có một trung tâm giới thiệu, buôn bán sản phẩm ngay tại Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động để giới thiệu đến du khách trong nước cũng như bạn bè quốc tế về nghề thêu của quê hương. Công ty đang tạo việc làm cho hơn 50 lao động tại chỗ cùng hàng trăm lao động nhận hàng thêu, ren, rua tại gia đình với mức thu nhập ổn định.
Ninh Bình là địa phương có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Để tạo sức hút phát triển du lịch, tôi nghĩ chúng ta cũng cần tập trung phát triển các làng nghề gắn với du lịch bằng các hình thức phong phú, thu hút du khách tham quan, trải nghiệm thực tế cuộc sống sinh hoạt cũng như quá trình lao động tại các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh nói chung, nghề thêu Văn Lâm nói riêng.
Từ đó giúp du khách hiểu hơn về giá trị làng nghề cũng như những nét đặc trưng của từng làng nghề, tạo nên thương hiệu cho làng nghề. Có như thế các làng nghề truyền thống mới được duy trì và phát triển bền vững.
Bà Vũ Thị Hồng Yến
(Công ty TNHH thêu Minh Trang)
Người dân vùng cao phấn khởi trước sự đổi thay của quê hương
Với xã vùng cao Kỳ Phú những năm trước đây còn nhiều khó khăn do địa bàn rộng, dân cư thưa thớt, đường giao thông, cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư xây dựng; kinh tế phát triển chậm, mức thu nhập thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao…
Nhờ có chủ trương của Đảng, Nhà nước, sự quan tâm của tỉnh, của huyện, sự đoàn kết, đồng thuận trong nhân dân, Kỳ Phú hiện không còn những con đường lầy lội như trước, thay vào đó là những con đường liên xã, liên thôn, đường ngõ xóm được bê tông hóa. Ven các trục đường chính được trồng hoa và cây xanh đẹp mắt.
Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên. Nhiều mô hình phát triển kinh tế được nhân rộng và hoạt động hiệu quả. Nổi bật là các mô hình phát triển kinh tế như: Hợp tác xã nuôi hươu sinh sản và lấy nhung; tổ hợp tác nuôi dê, lợn rừng, ong và mô hình trồng Nếp cau ở bản Thường Sung... đã góp phần phát triển kinh tế và tăng thu nhập cho người dân.
Kỳ Phú hôm nay đang từng ngày phát triển. Điện, đường, trường, trạm đã khang trang, nước sạch, thông tin liên lạc đến từng thôn bản, từng nhà, phục vụ chăm sóc sức khỏe người dân ở nông thôn tốt hơn, an ninh trật tự được ổn định. Và một điều đáng phấn khởi hơn nữa là xã Kỳ Phú đã được công nhận xã nông thôn mới năm 2021.
Ông Quách Ngọc Hoán
(Người có uy tín trong đồng bào dân tộc bản Sạng, xã Kỳ Phú, huyện Nho Quan)