Ý kiến cử tri tối 26/10: Hi vọng người ra khỏi nhà là người gây bạo lực, không phải người già, phụ nữ, trẻ em

Chiều 26/10, khi Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra Dự án Luật Phòng thủ dân sự (PTDS), cử tri cũng quan tâm đến một điều khoản cần có để khắc phục những bất cập, cụ thể là việc tạo sự thống nhất, đồng bộ giữa các cơ quan từ Trung ương đến địa phương, giúp nâng cao trách nhiệm của các cơ quan trong công tác phòng thủ dân sự, tạo sự đồng bộ giữa các Luật liên quan tới quy định về PTDS.

Còn về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) cử tri đặt nhiều sự quan tâm của mình vào các hình phạt, các biện pháp xử lý hành vi bạo lực nhằm ngăn ngừa và bảo vệ người bị bạo hành. Sau đây là những ý kiến đóng góp cụ thể của các cử tri.

Ông TẠ ĐĂNG QUỐC VŨ, BCH Phòng thủ Dân sự - Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hồ Chí Minh: "Trong dự thảo luật Phòng thủ dân sự lần này có mục nói về tình trạng khẩn cấp. Có quy định về thẩm quyền từng cấp một. Tuy nhiên, về tình trạng thì là trạng thái đã và đang xảy ra. Trong luật, tôi chưa thấy quy định tình huống khẩn cấp. Tình huống là dự báo có thể xảy ra, để các cơ quan ban ngành có liên quan chuẩn bị."

Thượng tá LÊ MẠNH HÀ, Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TP Hồ Chí Minh: "Điều 22 có quy định 4 cấp độ sự cố dựa vào phạm vi địa giới hành chính và hậu quả thiệt hại. Hay phạm vi thì có cấp xã, huyện, tỉnh và nhiều tỉnh thành. Với một số trường hợp, áp dụng khái niệm như vậy, phân loại rất khó khăn. Ví dụ, những khu vực giáp ranh, phạm vi hành chính lớn, nhiều khu vực địa giới hành chính nhưng tính chất, mức độ lại không lớn. Như vậy quy định cứng nhắc sẽ không phù hợp và lãng phí"

Bà UNG THỊ XUÂN HƯƠNG, Hội Luật Gia TP Hồ Chí Minh: "Điều 10 dự thảo luật quy định nguyên tắc nếu như các luật chuyên ngành đã quy định về công tác phòng thủ dân sự thì áp dụng theo luật chuyên ngành, còn những nội dung chưa có thì áp dụng theo luật Phòng thủ dân sự này. Tôi nghĩ, nếu đã là Luật phòng thủ dân sự chuyên ngành, nên tất cả đều áp dụng theo Luật phòng thủ dân sự chuyên ngành để không phải tìm rải rác ở nhiều văn bản khác."

Bà ĐẶNG THỊ HƯƠNG, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Đắk Lắk: "Kỳ vọng trong luật đối với việc xử lý đích đáng đối với các hành vi bạo lực, người ra khỏi nhà không phải là phụ nữ, người già và trẻ em mà là người gây ra bạo lực."

Thiếu tá VÕ VĂN SƠN, Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bình Dương: "Điều lực lượng Công an chúng tôi quan tâm đó là việc yêu cầu người có hành vi bạo lực đến trụ sở cơ quan công an để làm việc. Hiện luật quy định là người bạo hành có 6 tiếng cho mỗi lần yêu cầu, thời gian quá dài thế thế nếu như không ngăn chặn chấm dứt ngay thì họ có thể tiếp tục hành vi bạo lực."

Chị TRẦN THỊ KHÁNH LINH, Cử tri Thành phố Hồ Chí Minh: "Hiện nay hình thức phạt tiền đối với người có hành vi bạo lực gia đình chưa được quy định cụ thể. Tài chính là do vợ chồng làm ra, chồng hay vợ có hành vi bạo nhưng lại lấy tiền chung để đóng phạt. Điều này khiến nạn nhân không muốn tố cáo hành vi trong lần tiếp theo và cũng không giúp cho việc răn đe."

Thực hiện : Nhóm Phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/y-kien-cu-tri-toi-2610-hi-vong-nguoi-ra-khoi-nha-la-nguoi-gay-bao-luc-khong-phai-nguoi-gia-phu-nu-tre-em