Ý kiến của Công an các đơn vị, địa phương tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 80

Trong 2 ngày 26 và 27/12, Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 80 đã diễn ra tại Hà Nội. Bên lề hội nghị, lãnh đạo nhiều đơn vị, cục nghiệp vụ đã có những ý kiến đóng góp để xây dựng lực lượng Công an chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

Trung tướng Nguyễn Minh Chính, Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao: Chủ động nghiên cứu, ứng dụng làm chủ công nghệ

Năm 2024, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã hoàn thành 51/51 chỉ tiêu Bộ giao, trải rộng trên nhiều mặt công tác. Cụ thể, đã đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, hệ thống chính sách, pháp luật, lý luận nghiệp vụ cho lực lượng An ninh mạng. Phối hợp xây dựng, sửa đổi 3 luật; 4 nghị định, 2 chỉ thị, 5 chiến lược, đề án; tham mưu thành lập Ban Chỉ đạo An toàn, An ninh mạng quốc gia và thành lập Hiệp hội An ninh mạng quốc gia nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân…

Lấy công tác nghiệp vụ cơ bản là "xương sống", nền tảng hoạt động nghiệp vụ, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã chủ trì xác lập, đấu tranh 21 chuyên án, khởi tố 19 đối tượng xâm phạm ANQG; 187 đối tượng sử dụng công nghệ cao. Bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn hệ thống mạng thông tin quốc gia; chủ động phòng ngừa và xử lý kịp thời các nguy cơ mất an ninh trong triển khai Đề án 06 của Chính phủ.

Công tác phối hợp cũng là "điểm sáng" của Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trong năm 2024. Điển hình là việc phối hợp giữa Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao với Cục Cảnh sát kinh tế, đây là "kiểu mẫu" về công tác phối hợp giữa đơn vị trinh sát, kỹ thuật với đơn vị điều tra. Đến nay, 100% vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đều có sự tham gia, phối hợp của Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Bên cạnh việc tập trung lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ công tác chuyên môn, đơn vị đã chủ động nghiên cứu, ứng dụng làm chủ công nghệ, chuyển đổi số toàn diện các mặt công tác nghiệp vụ…, phục vụ chuyển đổi số các mặt công tác trong lực lượng CAND. Đơn vị đã xây dựng thành công cơ sở dữ liệu lớn trên không gian mạng dựa trên việc ứng dụng các công nghệ mới như: BigData, mã hóa lượng tử, AI, Cloud Computing... Đặc biệt, đã nghiên cứu, phát triển hệ thống liên lạc bảo mật Signet mở rộng, dùng chung trong toàn lực lượng CAND, tích hợp nhiều giải pháp kỹ thuật, ứng dụng để hỗ trợ nghiệp vụ.

Chủ động nghiên cứu, phát triển sản phẩm công nghiệp an ninh mạng, như: Thiết bị máy bay không người lái UAV, Evisa cho A08, Camera thông minh cho Cục CSGT và các giải pháp đảm bảo an ninh mạng một cách tổng thể...

Trung tướng Trần Văn Thiện, Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý Trại giam, Cơ sở giáo dục bắt buộc, Trường giáo dưỡng: Chất lượng công tác giáo dục cải tạo phạm nhân từng bước được nâng cao

Chúng tôi luôn tổ chức quản lý, giam giữ chặt chẽ các loại đối tượng đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn các cơ sở giam giữ, quản lý. Chất lượng công tác giáo dục cải tạo từng bước được nâng cao, đi vào thực chất; công tác thực hiện chế độ, chính sách đối với các đối tượng giam giữ, người lưu trú, nhất là chế độ ăn, mặc, ở, chăm sóc y tế, tạm đình chỉ, giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, tha tù trước thời hạn có điều kiện được thực hiện theo đúng quy định.

Cục đã chỉ đạo các đơn vị trực tiếp tăng cường công tác phổ biến thông tin thời sự, chính sách, tổ chức các lớp giáo dục công dân, giáo dục pháp luật, dạy văn hóa, tổ chức các lớp giáo dục, tư vấn chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng; tăng cường các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, vui chơi giải trí, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho phạm nhân, trại viên, học sinh. Thực hiện có hiệu quả các lớp giáo dục chung, giáo dục riêng; nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Tự quản. Trong đó, đã chỉ đạo các trại giam tổ chức nhiều chương trình hướng thiện cho phạm nhân như Chương trình "Ánh sáng hy vọng"; "Thắp sáng ước mơ hoàn lương"…; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị thực hiện tốt chế độ, chính sách… đối với các phạm nhân.

Năm 2024, công tác đặc xá được thực hiện gấp rút, trong khoảng thời gian ngắn nhất từ trước đến nay (ngắn hơn so với những lần đặc xá trước đây khoảng 30 ngày), lại thực hiện vào thời điểm siêu bão Yagi đã đổ bộ vào một số tỉnh miền Bắc gây hậu quả nặng nề, tàn khốc. Nhiều trại giam bị ảnh hưởng trực tiếp của bão đã bị mất điện, mất liên lạc, chìm trong ngập lụt nhiều ngày, CBCS bị thương, hy sinh, tài sản thiệt hại trên 50 tỷ đồng. Công tác khắc phục hậu quả sau cơn bão đòi hỏi các đơn vị tiếp tục phải căng mình ra làm việc với tận cùng của sự cố gắng, nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ kép, vừa phòng chống bão lụt, vừa thực hiện công tác đặc xá. Sau 76 ngày đêm, đơn vị đã tham mưu cho Cơ quan thường trực Hội đồng tư vấn đặc xá hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được phân công, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành, Công an các đơn vị, địa phương thực hiện công tác đặc xá đảm bảo đúng thời gian, chất lượng, hiệu quả, công khai, minh bạch, đúng pháp luật, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhân dân, dư luận quốc tế đánh giá cao.

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương, Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội: Nhiều giải pháp đổi mới, đột phá trong quản lý Nhà nước về ANTT

Với phương châm hành động năm 2024 "Đổi mới, sáng tạo, quyết liệt, hiệu quả", Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH) đã đề ra 4 nhiệm vụ đột phá và 12 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Từ ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đã đề xuất nhiều giải pháp đột phá trong quản lý Nhà nước về ANTT, góp phần quản trị xã hội theo hướng hiện đại, công khai, minh bạch, công bằng, cung cấp nhiều tiện ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp.
Việc đưa vào vận hành hệ thống định danh và xác thực điện tử và tài khoản VNeID là tài khoản duy nhất thực hiện dịch vụ công trực tuyến từ 1/7/2024 đã thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia theo các nhóm: Giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công; công dân số; phát triển kinh tế xã hội; làm giàu dữ liệu; công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ và chính quyền các cấp.

Với vai trò thường trực của Đề án 06, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH đã định kỳ tham mưu cho Tổ công tác Chính phủ, Bộ Công an tổ chức giao ban để kiểm điểm, đánh giá, đôn đốc công việc; tham mưu giải quyết các "điểm nghẽn" trong triển khai thực hiện. Thường xuyên hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện công tác Cảnh sát QLHC về TTXH toàn quốc.

Về triển khai, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật: Năm 2024 đã tham mưu xây dựng, triển khai 3 Luật, 7 Nghị định, 11 Thông tư. Trong đó, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và Luật Dữ liệu được ban hành là dấu mốc quan trọng, tạo sự thống nhất, đồng bộ, phục vụ công tác quản lý Nhà nước, thúc đẩy phát triển Chính phủ số, cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội. Đây cũng là cơ sở pháp lý quan trọng trong xây dựng, khai thác, vận hành Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia và Trung tâm dữ liệu quốc gia.

Sang năm 2025, với tinh thần Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH cần thống nhất nhận thức, kiên định, quyết tâm thực hiện đồng bộ và hiệu quả các giải pháp để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, trong đó tập trung triển khai các nhiệm vụ Đề án 06, Trung tâm Dữ liệu Quốc gia, các mặt công tác QLHC về TTXH, lấy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số làm điểm đột phá góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông: 6 đột phá trong công tác CSGT để phục vụ nhân dân

Năm 2024, Cục CSGT đã bám sát chương trình, kế hoạch công tác và chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, chủ động nắm sát tình hình không để bị động, bất ngờ, giúp lãnh đạo Bộ Công an tham mưu với Đảng, Nhà nước, Chính phủ các giải pháp bảo đảm TTATGT. Qua đó tình hình TTATGT được kiểm soát (so với cùng kỳ năm 2023, số người chết giảm 7,73%; ùn tắc giao thông giảm 62,5%) và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu công tác, tập trung vào 6 đột phá.

Cụ thể, chúng tôi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giúp Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an tham mưu ban hành Luật TTATGT đường bộ; 5 Nghị định, 24 Thông tư; đồng thời chủ động tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 31 ngày 21/12/2023 về "Tăng cường công tác bảo đảm TTATGT cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới"; Chỉ thị số 35 ngày 17/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ về xử lý cán bộ, công chức, viên chức và chiến sỹ trong lực lượng vũ trang vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; không hợp tác với lực lượng chức năng trong xử lý vi phạm. Đây là những chỉ thị có ý nghĩa rất lớn trong công tác bảo đảm TTATGT, giảm thiểu thương vong do tai nạn giao thông cho đối tượng trẻ em, tạo ra một thế hệ công dân có ý thức về chấp hành pháp luật và đề cao gương mẫu của cán bộ, đảng viên, chiến sĩ trong chấp hành Luật TTATGT đường bộ.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là nguồn lực để phục vụ, trong đó hiện đại hóa Trung tâm giám sát, điều hành giao thông; kết nối, chia sẻ các cơ sở dữ liệu của các cơ quan Nhà nước nâng cao hiệu quả hoạt động các hệ thống công nghệ thông tin của lực lượng CSGT với các cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác bảo đảm TTATGT. Nổi bật, thực hiện dịch vụ công toàn trình với thủ tục hành chính đăng ký xe lần đầu trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an; ra mắt ứng dụng VNeTraffic, phục vụ cung cấp các thông tin về giao thông cũng như các tiện ích giao thông cho người dân hướng đến phục vụ chuyển đổi số quốc gia, hiện đại hóa lực lượng CSGT.

Đổi mới mạnh mẽ, căn bản phương thức hoạt động TTKS, xử lý vi phạm hành chính về giao thông, ứng dụng khoa học, công nghệ trong công tác bảo đảm TTATGT đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa, triển khai liên tuyến, liên địa bàn.

Đặc biệt, với vai trò "Tư lệnh", Cục đã chỉ đạo CSGT Công an các đơn vị, địa phương bố trí lực lượng tăng cường TTKS tập trung xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông theo 5 nhóm chuyên đề. Kết quả xử lý các chuyên đề, nhất là chuyên đề vi phạm nồng độ cồn được cấp ủy, chính quyền các địa phương quan tâm và được các cơ quan truyền thông đưa tin, tuyên truyền sâu rộng, qua đó hình thành thói quen, văn hóa "đã uống rượu, bia không lái xe"…

Thiếu tướng Nguyễn Sỹ Quang, Cục trưởng Cục An ninh đối ngoại, Bộ Công an: Củng cố, thúc đẩy thế trận an ninh đối ngoại

Năm 2024, Cục An ninh đối ngoại, Bộ Công an đã thực hiện tốt công tác nắm tình hình, tham mưu chiến lược, hoàn thành 100% các chỉ tiêu công tác được Bộ Công an giao; trong đó, nhiều chỉ tiêu vượt mức trước thời hạn nhiều tháng.

Công tác xây dựng thế trận an ninh đối ngoại tiếp tục được củng cố, thúc đẩy mạnh mẽ từ Bộ đến Công an các địa phương; là bước quan trọng xây dựng lực lượng An ninh đối ngoại trong sạch, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

Trong năm 2024, Cục An ninh đối ngoại đã trực tiếp tham mưu với lãnh đạo Đảng và Nhà nước nhiều chủ trương, chính sách đối ngoại; là cơ sở quan trọng để triển khai những chủ trương, chính sách đối ngoại nhất quán của Việt Nam, được lãnh đạo Đảng và Nhà nước đánh giá cao. Trong năm, đơn vị đã thực hiện gần 400 nhiệm vụ đột xuất do lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lãnh đạo Bộ Công an giao. Trong đó có nhiều vụ việc phức tạp, khó khăn thuộc các lĩnh vực ngoài chức năng của Cục An ninh đối ngoại được ghi nhận đánh giá cao về tinh thần trách nhiệm; thể hiện vai trò đầu tàu trong lực lượng an ninh đối ngoại.

Cục An ninh đối ngoại đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, điển hình là chủ trì xây dựng kế hoạch tổ chức lễ gặp mặt nhân kỷ niệm 40 năm chiến thắng KH.CM12. Đơn vị đã phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài lực lượng đẩy mạnh công tác tuyên truyền; tạo dư luận tích cực về những thành tích, chiến công và ca ngợi hình ảnh người chiến sĩ An ninh nhân dân. Phối hợp với Cục Tổ chức cán bộ, các đơn vị khối an ninh, Phòng An ninh đối ngoại Công an các địa phương và từ nguồn xã hội hóa huy động gần 1,6 tỷ đồng, phối hợp với Công an Cà Mau, Bạc Liêu mua đất, xây mới và sửa chữa nhà, tặng quà cho 6 nhân chứng; thăm, tặng quà 20 nhân chứng có nhiều đóng góp trong thực hiện KH.CM12, chuyên án ĐN10, có hoàn cảnh khó khăn; phối hợp Công an tỉnh Cao Bằng xây dựng 6 nhà tình nghĩa cho đồng bào vùng cao, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…

Từ năm 2018 đến nay, Cục An ninh đối ngoại đã 4 lần được tặng Cờ thi đua Chính phủ. Năm 2024, được đề nghị Cờ thi đua Chính phủ và đang đề nghị tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân".

Thiếu tướng Lưu Hồng Quảng, Viện trưởng Viện Khoa học và công nghệ: Làm chủ các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ lõi, đặc thù, để nghiên cứu, phát triển phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ Công an

Trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng, các quốc gia trên thế giới đều chú trọng ứng dụng công nghệ cao, hiện đại, nhằm tạo ra những thay đổi về cục diện và phương thức tác chiến; đấu tranh phòng chống tội phạm và quản lý Nhà nước về ANTT.

Thời gian qua, được sự quan tâm của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ (KH&CN) CAND đã có những bước phát triển, chủ động nghiên cứu, thiết kế chế tạo, ứng dụng sản xuất thiết bị, phương tiện, công cụ hỗ trợ phục vụ công tác, chiến đấu và bước đầu tiếp cận, làm chủ công nghệ, chế tạo thành công một số sản phẩm đặc thù, ứng dụng trong các hoạt động nghiệp vụ Công an. Đồng thời, đã quán triệt tinh thần, tư tưởng chỉ đạo, định hướng lớn của Đảng và đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc mà Đại hội Đảng lần thứ XIV là điểm khởi đầu; Nghị quyết số 57 ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về "Đột phá phát triển KH&CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia", mở ra một cuộc cách mạng KH&CN sâu sắc, toàn diện với nhiều giải pháp đột phá.

Để nắm bắt thời cơ, với tinh thần "tự tin, tự chủ, tự lực, tự cường", cùng với lực lượng CAND làm tốt nhiệm vụ đảm bảo ANTT, tạo môi trường ổn định, hòa bình, tạo động lực đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, trên cơ sở quán triệt quan điểm chỉ đạo, định hướng chiến lược và giải pháp cụ thể tại Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, Đảng ủy, lãnh đạo Viện KH&CN tham mưu, báo cáo đề xuất Đảng ủy Công an Trung ương triển khai cụ thể các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết 57 trong toàn lực lượng, nâng cao nhận thức, đổi mới về tư duy, xác định KH&CN là đột phá quan trọng hàng đầu để lực lượng CAND tiến lên chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Đẩy mạnh hiện đại hóa, tăng cường tiềm lực nghiên cứu, phát triển KH&CN CAND, trọng tâm là đầu tư các phòng thí nghiệm hiện đại; xây dựng các chương trình, kế hoạch nghiên cứu công nghệ cao, công nghệ chiến lược: Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ vi mạch bán dẫn, công nghệ laser công nghệ hóa học, sinh học phòng chống khủng bố và một số công nghệ đặc thù. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện, đổi mới cơ chế hoạt động KH&CN; quan tâm đào tạo, trong dụng nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm tạo động lực cho nghiên cứu, phát triển KH&CN, đáp ứng yêu cầu công tác Công an trong kỷ nguyên mới.

Thiếu tướng Lê Vinh Quy, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk: Thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, góp phần đảm bảo ANTT

Năm 2024, Công an tỉnh Đắk Lắk đã chủ động nắm tình hình, quyết liệt triển khai đồng bộ các mặt công tác nhằm bảo đảm ổn định, an ninh chính trị, an ninh buôn làng. Năm qua, lực lượng Công an trong tỉnh đã tập trung đấu tranh với hoạt động lợi dụng đạo Tin lành của các tổ chức phản động và Fulro lưu vong. Trên lĩnh lực giữ gìn TTATXH, lực lượng Công an trong tỉnh đã triển khai quyết liệt, hiệu quả nhiều giải pháp phòng ngừa, kéo giảm 5,22% số vụ xâm phạm TTXH.

Công an tỉnh đã trấn áp mạnh các loại tội phạm về kinh tế, ma túy, môi trường, nhất là tội phạm liên quan đến "tín dụng đen", đánh bạc, tổ chức đánh bạc trên không gian mạng, tội phạm tham nhũng, buôn lậu; không để hình thành các băng ổ nhóm hoạt động phức tạp, góp phần chuyển biến tích cực về TTATXH.

Công an tỉnh tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các mặt công tác quản lý nhà nước về ANTT, trong đó, đã rất quyết tâm trong triển khai, tháo gỡ khó khăn, giải quyết các điểm nghẽn, nhất là vấn đề kinh phí Đề án 06. Việc nâng cao chất lượng công tác cải cách hành chính liên quan đến công tác Công an như quản lý xuất nhập cảnh, quản lý cư trú, quản lý phương tiện, thẩm duyệt PCCC được coi trọng… nhằm phục vụ tốt hơn nữa nhu cầu của cơ quan, doanh nghiệp và nhân dân. Năm 2024, Công an tỉnh tiếp tục được Bộ Công an xếp loại xuất sắc, đứng thứ 2 toàn quốc, trong đó công tác số hóa hồ sơ, tài liệu, là điểm sáng được Bộ Công an ghi nhận, biểu dương và chỉ đạo nhân rộng.

Công an Đắk Lắk cũng đã rất quan tâm, chú trọng công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng Công an tỉnh thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại theo tinh thần Nghị quyết 12 của Bộ Chính trị.

Công an tỉnh Đắk Lắk cũng đã góp phần quan trọng cùng toàn xã hội lan tỏa nhiều hoạt động nhân văn, tình nghĩa, trong đó nổi bật là thực hiện Đề án xây dựng 1.200 căn nhà cho hộ nghèo, khó khăn về nhà ở, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã được nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức và nhân dân trong, ngoài tỉnh gửi hàng trăm lá thư khen ngợi, cảm ơn.

Thiếu tướng Bùi Quang Thanh, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An: An ninh chủ động, bảo vệ an ninh từ sớm, từ xa, từ cơ sở

Tổng kết năm 2024, Công an tỉnh Nghệ An vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc trong phong trào thi đua "Vì An ninh Tổ quốc". Đây là năm thứ 10 liên tiếp Công an Nghệ An vinh dự được nhận được danh hiệu cao quý này.

Theo đó, đơn vị đã tích cực, chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện kịp thời, đầy đủ, nghiêm túc, hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, đề án của Đảng, Nhà nước, Bộ Công an, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về công tác bảo đảm ANTT và xây dựng lực lượng CAND. Đặc biệt, Công an Nghệ An đã chủ động, nhạy bén tham mưu, ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo mang tính chiến lược, dài hạn, sáng tạo, tính trí tuệ cao, bảo đảm kịp thời, toàn diện, sát, đúng tình hình, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia bảo đảm ANTT và xây dựng lực lượng Công an.

Bên cạnh đó, với phương châm "an ninh chủ động, bảo vệ an ninh từ sớm, từ xa, từ cơ sở", Công an tỉnh Nghệ An đã nắm chắc tình hình từ sớm, từ xa, từ cơ sở; làm tốt công tác dự báo, tham mưu xử lý có hiệu quả các vấn đề, các vụ việc phức tạp nổi lên về ANTT theo phương châm "4 tại chỗ". Có thể khẳng định, tình hình an ninh quốc gia ngày càng ổn định, bình yên hơn, tạo môi trường an ninh, an toàn, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, đối ngoại của tỉnh.
Tăng cường phòng ngừa, liên tục tấn công, trấn áp mạnh mẽ, hiệu quả các loại tội phạm. Tội phạm trật tự xã hội giảm sâu so với năm 2023; tỷ lệ khám phá cao (92,7%/75%); riêng trọng án đạt 100%; không để tồn tại, phát sinh tội phạm theo kiểu "xã hội đen", xã hội kỷ cương, an toàn; xây dựng 284 cấp xã, 7 cấp huyện "sạch về ma túy"; xác lập, phá nhiều chuyên án, vụ án lớn có tiếng vang, chưa có tiền lệ.

Công tác quản lý hành chính về ANTT ngày càng bài bản, hiệu quả với nhiều cách làm quyết liệt, căn cơ, sáng tạo, nhất là tham mưu, chỉ đạo thực hiện tốt Đề án 06 của chính phủ, nhiều mặt công tác thuộc tốp đầu các địa phương trong toàn quốc. Đặc biệt, năm 2024 là năm thứ 9 liên tiếp Công an Nghệ An được Bộ Công an xếp thứ nhất về CCHC trong toàn lực lượng.

Song song với đó, phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ được triển khai đồng bộ và bài bản, ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất; các mô hình, điển hình tiên tiến được xây dựng, nhân rộng, tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó, có 2 mô hình được Bộ Công an thông báo biểu dương nhân rộng toàn quốc; xây dựng mới 2 mô hình được Bộ Công an cho tổ chức thí điểm đầu tiên của cả nước.

Đại tá Bùi Quang Bình, Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương: Chủ động nhận diện sự chuyển hướng của tội phạm

Trên cơ sở chủ động nhận diện, nắm, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình liên quan đến ANTT, Công an tỉnh Hải Dương đã chủ động tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành 54 văn bản để chỉ đạo, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong công tác bảo đảm ANTT.
Trong năm 2024, an ninh quốc gia được giữ vững ổn định, không để xảy ra đột xuất, bất ngờ trong mọi tình huống, không để hình thành "điểm nóng" về ANTT và các tổ chức chính trị đối lập trên địa bàn.

Với quyết tâm "đi trước tội phạm", ngăn ngừa không để tội phạm xảy ra, Công an tỉnh Hải Dương đã chủ động nhận diện sự chuyển hướng của tội phạm từ "truyền thống" sang "hiện đại" cũng như các phương thức, thủ đoạn mới để phòng ngừa, đấu tranh, trấn áp hiệu quả; kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa nghiệp vụ và phòng ngừa xã hội… Nhờ đó, năm 2024, tội phạm về trật tự xã hội được kéo giảm sâu (giảm 24,68% so với cùng kỳ năm 2023), người dân được sống trong môi trường an ninh, an toàn. Hải Dương là một trong 10 địa phương có tỷ lệ tội phạm về TTXH giảm sâu nhất trên toàn quốc.

Bên cạnh đó, với phương châm lấy người dân là trung tâm, là đối tượng phục vụ, năm 2024, các mặt công tác quản lý Nhà nước về ANTT được Công an tỉnh Hải Dương triển khai đồng bộ, hiệu quả gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo nhiều chuyển biển tích cực về trật tự, kỷ cương, an toàn xã hội. Đã phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu, quyết liệt trong thực hiện đảm bảo tiến độ, chất lượng các nhiệm vụ của Đề án số 06 của Chính phủ. Hải Dương là một trong 9 tỉnh đăng ký triển khai thực hiện làm điểm một số mô hình của Đề án 06; sớm hoàn thành nhiều tiện ích, liên thông các dịch vụ về y tế, hộ tịch; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính; kết quả thực hiện dịch vụ công trực tuyến đạt 98,83%.

Tổng kết phong trào thi đua "Vì an ninh Tổ quốc" năm 2024, Công an tỉnh Hải Dương vinh dự được tặng "Cờ thi đua của Chính phủ".

Nhóm PV

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/y-kien-cua-cong-an-cac-don-vi-dia-phuong-tai-hoi-nghi-cong-an-toan-quoc-lan-thu-80-i754814/