Ý kiến của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy về tình hình hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh
Ngày 16.2, Văn phòng Tỉnh ủy ban hành Công văn số 878-CV/VPTU. Nội dung như sau:
Ngày 11.2.2022, tại buổi làm việc với đồng chí Tổng Giám đốc cùng Đoàn công tác Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam về tình hình hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy có ý kiến như sau:
1. Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc các cấp và Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hưng Yên hoạt động an toàn, hiệu quả, góp phần quan trọng vào thực hiện các chính sách xã hội, đào tạo, dạy nghề, giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, cải thiện thu nhập của người dân và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, quy mô hoạt động tín dụng chính sách xã hội còn hạn chế; phạm vi, đối tượng vay vốn tín dụng chưa nhiều do thiếu nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn từ ngân sách địa phương trong tổng nguồn vốn còn thấp (chỉ chiếm 3,7% trong khi bình quân toàn quốc là 9,6%). Một trong những nguyên nhân là do nhận thức và mức độ quan tâm của các cấp ủy, cơ quan, đơn vị về công tác tín dụng chính sách xã hội chưa đầy đủ.
2. Đề nghị Đảng đoàn HĐND tỉnh, Ban cán sự đảng UBND tỉnh, Đảng đoàn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, các Ban Đảng tỉnh và Ban Thường vụ huyện ủy, thị ủy, thành ủy lãnh đạo thực hiện một số nội dung sau đây:
- Quán triệt nghiêm túc và thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 36-CT/TU ngày 27.2.2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác tín dụng chính sách xã hội, Công văn số 398-CV/TU ngày 12.7.2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Kết luận số 06-KL/TW ngày 10.6.2021 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư ngày 22.11.2014 và các quy định của pháp luật về tín dụng chính sách xã hội. Các cấp ủy, chính quyền cần xác định công tác tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. - Tạo điều kiện thuận lợi cho Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh mở rộng huy động các nguồn vốn từ các tổ chức, cá nhân và xã hội; mở rộng đối tượng vay vốn, nâng mức cho vay, thời hạn cho vay theo quy định của pháp luật và phù hợp với các chương trình mục tiêu quốc gia và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
- Tập trung các nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, nguồn vốn có tính chất từ thiện và các nguồn vốn hợp pháp khác vào Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh thông qua các phương thức phù hợp với quy định của pháp luật và gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án khác trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030.
- Xây dựng và triển khai kế hoạch tạo nguồn, cân đối, ưu tiên bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cùng các nguồn vốn khác để mở rộng cấp tín dụng cho người nghèo, hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, trong đó đặc biệt quan tâm bố trí vốn ngân sách địa phương để thu hút các nguồn vốn đối ứng của ngân sách Trung ương, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, nhất là nguồn vốn thuộc các gói tín dụng chính sách xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30.1.2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong 2 năm 2022-2023. Phấn đấu đến cuối năm 2023, đạt tỷ lệ nguồn vốn từ ngân sách địa phương trong tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội tương đương mức bình quân chung toàn quốc.
- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đối với đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân; giám sát, phản biện xã hội đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh thực hiện tốt công tác nhận ủy thác; theo dõi, nắm chắc tình hình sử dụng vốn của người vay; tham gia vận động các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân ủy thác, gửi tiền tại Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh.
Văn phòng Tỉnh ủy trân trọng thông báo ý kiến của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy để các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện.