Ý kiến đa chiều sau đề xuất tăng giá vé xe buýt của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội
Mới đây, thông tin về việc tăng giá vé xe buýt theo đề xuất của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội từ ngày 1/1/2024 khiến nhiều người dân, hành khách sử dụng xe buýt không khỏi băn khoăn với nhiều ý kiến trái chiều.
Theo đó, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đề xuất từ ngày 1/1/2024 sẽ tăng giá vé xe buýt thêm 1.000-11.000 đồng so với hiện nay, tùy thuộc cự ly, loại vé và diện ưu tiên.
Cụ thể, giá vé lượt, cự ly dưới 15 km có mức tăng thấp nhất từ 7.000 lên 8.000 đồng; 15-25 km từ 7.000 lên 10.000 đồng; 25-30 km từ 8.000 lên 12.000 đồng; 30-40 km từ 9.000 lên 15.000 đồng. Mức tăng cao nhất ở cự ly trên 40 km là từ 9.000 lên 20.000 đồng.
Vé tháng có mức tăng trung bình 40%. Đối với học sinh, sinh viên, công nhân khu công nghiệp đi một tuyến là 70.000 đồng (hiện 55.000 đồng), liên tuyến 140.000 đồng (hiện 100.000 đồng). Vé tập thể đi một tuyến 100.000 đồng (hiện 70.000 đồng), liên tuyến 200.000 đồng (hiện 140.000 đồng).
Anh Lê Hồng Hiếu (Văn Quán, Hà Đông) thường xuyên xử dụng xe buýt để đi làm, sau khi biết thông tin giá vé xe buýt sẽ tăng trong thời gian tới, anh Hiếu cũng như nhiều hành khách sử dụng xe buýt đều băn khoăn liệu việc tăng giá vé có đồng nghĩa với tăng chất lượng phục vụ, vận tải.
"Bản thân mình là người thường xuyên di chuyển bằng xe buýt, việc tăng giá vé như vậy theo mình thấy là chấp nhận được, nhưng liệu giá vé tăng thì chất lượng phục vụ có tăng không, tình trạng xe chậm chuyến, bỏ điểm có được khắc phục", anh Hiếu nói.
Tương tự anh Hiếu, chị Trần Ngọc Ánh (Thanh Trì, Hà Nội) cho rằng việc tăng giá vé xe buýt cần phải có cơ sở, không nên chỉ tập trung mỗi doanh thu mà bỏ qua cải thiện chất lượng dịch vụ.
"Nếu giá vé tăng thì mình mong chất lượng cũng phải được cải thiện theo, đó là việc thay thế xe buýt dầu bằng xe buýt điện, tài xế và phụ xe cần có sự cải thiện trong kỹ năng ứng xử, áp dụng dần phương pháp thanh toán điện tử khi mua vé để góp phần tạo sự quan tâm và sử dụng phương tiện giao thông công cộng của người dân", chị Ánh chia sẻ.
Bên cạnh những ý kiến ủng hộ việc tăng giá vé xe buýt, không ít người cho rằng, trong bối cảnh nhà nước khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng, hạn chế xe cá nhân nhưng giá xe buýt lại tăng là đi ngược với xu thế chung, khó thay đổi thói quen đi lại của người dân.
"Mỗi lần đi dán vé em đều phải xin tiền bố mẹ, nếu bây giờ tăng giá vé tháng lên khá nhiều như vậy thì sẽ gây ra tâm lý e ngại sử dụng phương tiện công cộng của em cũng như nhiều bạn khác. Đa số hành khách sử dụng xe buýt đều là học sinh, sinh viên, chưa kể đến nhiều bạn ở quê lên cũng khá khó khăn, chỉ mong các cơ quan chức năng xem xét, tăng giá sao cho hợp lý", chị Trần Ngọc Ánh - sinh viên năm nhất trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải cho biết.
Theo lý giải của Sở Giao thông Vận tải, từ năm 2014 đến nay thành phố đã không điều chỉnh nên giá vé đang rất thấp so với mặt bằng thu nhập người dân. Thu nhập bình quân của người Hà Nội năm 2022 khoảng 8,4 triệu đồng, tăng 75% so với năm 2014. Theo tính toán, chi phí đi lại chiếm khoảng 10% tổng thu nhập, tương ứng mỗi người chi 800.000 đồng "là chấp nhận được".
Nếu tăng như đề xuất, doanh thu bán vé tăng khoảng 300 tỷ đồng mỗi năm. Sở Giao thông Vận tải dự báo khi mới tăng giá vé, số khách có thể giảm, nhưng vẫn đảm bảo doanh thu. Năm 2014, khi điều chỉnh giá vé, hành khách đi vé tháng giảm 3% nhưng doanh thu tăng 15%, vé lượt giảm 10%, doanh thu tăng 20%.
Sở cũng nêu các lý do khác như chi phí cho hoạt động vận tải công cộng đã tăng gần 50% so với năm 2014. Tăng giá vé xe buýt giúp tăng thu, giảm mức trợ giá, đảm bảo khả năng cân đối ngân sách của thành phố. Giai đoạn 2015-2019, ngân sách thành phố trợ giá xe buýt trung bình 1.370 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2020-2022 khoảng 2.200 tỷ đồng/năm và năm 2023 dự kiến 2.750 tỷ đồng.
Không đồng tình với lý giải của Sở Giao thông Vận Tải, chị Phạm Bích Ngọc (Đống Đa, Hà Nội) cho rằng: "Sở Giao thông Vận tải nên xem xét lại đề án tăng giá vé. Mục đích của xe buýt là để khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng và hạn chế phương tiện cá nhân. Số khách đi xe buýt sau khi thực hiện đề án điều chỉnh đã dự đoán là sẽ giảm nhưng họ vẫn sẽ có nhu cầu đi ra đường, như vậy đề án này đã vi phạm tính hiệu quả tác động của xe buýt và Hà Nội sẽ không bao giờ hết ùn tắc được".
Hà Nội hiện có 154 tuyến xe buýt, trong đó 132 tuyến trợ giá, 8 tuyến không trợ giá, 12 tuyến kế cận và 2 tuyến city tour, phủ đến tất cả 30/30 quận, huyện, thị xã và 512/579 xã phường, thị trấn. Toàn thành phố có 2.034 xe buýt, trong đó 277 xe sử dụng năng lượng sạch.
Năm 2022, vận tải hành khách công cộng gồm mạng lưới xe buýt và đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã đáp ứng 18,5% năng lực vận tải, năm nay phấn đấu 21,5-23%, vẫn cách xa so với mục tiêu 35% vào năm 2025.