Ý kiến, nguyện vọng của cử tri và nhân dân gửi tới Quốc hội khóa XV
Tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, cử tri cho rằng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đất nước ta đã đạt nhiều kết quả kinh tế-xã hội quan trọng.
Chuẩn bị Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, các Đoàn đại biểu Quốc hội đã tiến hành tiếp xúc cử tri trên các địa bàn, trân trọng lắng nghe, tiếp thu các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm từ cơ sở.
Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thực hiện chùm 2 bài viết tổng hợp một số ý kiến, nguyện vọng chung nhất của cử tri và nhân dân gửi tới Quốc hội.
Bài 1: Tin tưởng vào sự lãnh đạo, quản lý, điều hành hiệu quả
Qua tổng hợp những ý kiến từ cơ sở, có thể thấy cử tri, nhân dân luôn tin tưởng và đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành của Đảng, Nhà nước, đồng thời đề nghị tăng cường hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là những dự án luật liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân...
Đánh giá cao sự chuyển biến tích cực của nền kinh tế
Tin tưởng vào đường lối, chính sách hợp lòng dân của Đảng và Nhà nước, cử tri cho rằng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đất nước ta đã đạt nhiều kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội.
Khối đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được tăng cường và mở rộng; đời sống nhân dân được cải thiện; tình hình phát triển kinh tế chuyển biến tích cực.
Công tác đối ngoại ngày càng được phát huy; vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao; góp phần quan trọng để giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước.
Tại cuộc tiếp xúc cử tri của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ tại quận Bình Thủy, cử tri bày tỏ vui mừng, vững tin vào sự chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế-xã hội của Đảng, Quốc hội, Chính phủ.
Trong điều kiện khó khăn, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sát sao, tháo gỡ nhiều vướng mắc. Nhờ đó, kinh tế-xã hội phục hồi và phát triển khá; đời sống nhân dân được nâng lên.
Cử tri đánh giá cao cá nhân Thủ tướng và Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ đã thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ; nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri đã được giải quyết kịp thời, hiệu quả.
Tiếp thu, giải trình các ý kiến, kiến nghị của cử tri Hải Phòng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao các ý kiến của cử tri, đề cập toàn diện các vấn đề lớn về an sinh xã hội, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…
Cử tri bày tỏ vui mừng về thành tựu kinh tế-xã hội năm 2022, đầu năm 2023 của đất nước, của thành phố, nhất là trong điều kiện thế giới biến động nhanh, phức tạp, bất định, khó lường, liên tục chịu tác động “sốc” từ dịch COVID-19.
Những đổi mới trong hoạt động của Quốc hội theo hướng ngày càng dân chủ, tăng tính pháp quyền và linh hoạt hơn. Chỉ trong hơn 2 năm, Quốc hội đã tiến hành 4 kỳ họp thường kỳ và 4 kỳ họp bất thường để giải quyết những vấn đề cấp thiết của đất nước, đòi hỏi phải có quyết sách kịp thời.
Đề nghị đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Qua tiếp xúc cử tri, đa số ý kiến đồng tình, đánh giá cao công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, có nhiều chuyển biến mới, tích cực, đồng bộ, hiệu quả hơn, cả ở Trung ương và địa phương.
Với tinh thần “kiên quyết, kiên trì, không nghỉ, không ngừng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai," nhiều vụ việc được điều tra xử lý kịp thời, nhanh gọn, củng cố lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cử tri đề nghị tăng nặng các chế tài xử lý, bảo đảm tính nghiêm khắc và đủ sức răn đe; xây dựng và thực thi các cơ chế về kiểm soát quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn; quan tâm cải cách tiền lương để cán bộ “không dám tham nhũng, không thể tham nhũng, không cần và không muốn tham nhũng."
Cử tri cũng đề nghị cần chấn chỉnh, khắc phục ngay những biểu hiện đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai, không dám làm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, thành phố cần tiếp tục hoạt động với phương châm “phòng ngừa từ sớm, từ xa để ngăn ngừa, làm hạn chế cơ hội tham nhũng, tiêu cực."
Cùng với đó, cử tri mong muốn Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu ban hành chính sách bồi dưỡng, giáo dục cho cán bộ, công chức từ Trung ương đến cơ sở về "Văn hóa liêm chính trong thi hành công vụ," qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Trong cuộc tiếp xúc cử tri cùng các thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, Đơn vị bầu cử số 1 tại các quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, những kết quả đạt được trong thời gian qua tiếp tục khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, được dư luận xã hội và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Nhiều vụ án lớn, tồn đọng lâu năm cơ bản đã được xử lý.
Để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiệu quả, phải thực hiện thật tốt nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng; chống cho được suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, đây là cái gốc của vấn đề.
Vừa qua, ngoài việc truy tố, xét xử, một số trường hợp nhận thức ra cái sai, đã thôi chức, từ chức, rút lui trong danh dự. Trung ương vẫn khuyến khích cách làm này vì tinh thần nhân văn, nhân ái, nhân đạo, nhân tình.
Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh đi vào hoạt động nền nếp, hiệu quả với tinh thần huy động toàn dân tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Trung ương sẽ tổ chức Hội nghị sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh.
Trong cuộc tiếp xúc cử tri thành phố Đà Nẵng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cũng đã khẳng định, Đảng, Nhà nước sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; kiên quyết, kiên trì xử lý nghiêm cán bộ tham nhũng, tiêu cực với tinh thần "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai."
Xử lý các vụ việc tham nhũng lớn, đồng thời cũng xử lý cả tham nhũng vặt ở cơ sở; xử lý tham nhũng ở cả địa phương và Trung ương; xử lý cả cán bộ đương chức và cán bộ đã nghỉ hưu nếu có sai phạm, không để tình trạng "hạ cánh an toàn."
Tại các cuộc tiếp xúc, nhiều cử tri nêu ý kiến, cần không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật, đẩy mạnh cải cách tư pháp, cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; xây dựng đội ngũ cán bộ đầy đủ năng lực phẩm chất, uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Cử tri quận Ngô Quyền (Hải Phòng) nhận thấy công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện quyết liệt, có nhiều điểm mới như tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống tham nhũng.
Nhiều vụ tham nhũng được xử lý nghiêm minh; công tác thu hồi tài sản tham nhũng hiệu quả hơn. Quốc hội thường xuyên quan tâm tới công tác ban hành, hoàn thiện văn bản pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Hoàn thiện hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển
Một trong những nội dung được cử tri và nhân dân quan tâm đề nghị là tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.
Đặc biệt, cử tri đóng góp nhiều ý kiến, kiến nghị liên quan đến việc sửa đổi Luật Đất đai.
Quá trình thực hiện chính sách đất đai thời gian qua, bên cạnh những thành quả to lớn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, làm thay đổi bộ mặt từ thành thị đến nông thôn, cũng bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém, khuyết điểm, thậm chí là sai phạm. Đây cũng là nguyên nhân khiến số vụ khiếu kiện liên quan đến đất đai chiếm tỷ lệ cao.
Nghị quyết số 18-NQ/TW về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao" đã khẳng định, về quan điểm, cần phát huy cao nhất nguồn lực đất đai, kiên quyết khắc phục tình trạng tham nhũng, tiêu cực, khiếu kiện về đất đai, đầu cơ, sử dụng đất lãng phí...
Việc hoàn thiện quy định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế-xã hội, vì mục đích quốc gia, công cộng. Trong đó, các dự án liên quan tới người dân chỉ được thực hiện sau khi phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được phê duyệt.
Những dự án có yêu cầu tái định cư thì khi nào tái định cư xong mới được thu hồi đất.
Đây là tư tưởng, quyết tâm chỉ đạo của Đảng trong thực hiện chính sách đất đai. Bên cạnh đó, cần đổi mới công tác thẩm định giá đất, khắc phục bất cập trong kết quả thẩm định giá như hiện nay.
Đặc biệt, những dự án liên quan đến chuyển nhượng quyền sử dụng đất để triển khai các dự án đô thị, nhà ở… có tính chất thương mại thì doanh nghiệp phải thỏa thuận với người dân.
Cử tri các địa phương cũng đóng góp nhiều ý kiến về thực hiện các quyền của người sử dụng đất, về nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất...
Liên quan dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, đây là một trọng tâm trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, công tác lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật đã được tiến hành rất hiệu quả, với trên 12 triệu ý kiến đóng góp của cử tri, nhân dân.
Dự án luật này được làm rất kỹ, nhiều khâu, thể hiện trách nhiệm rất lớn của Quốc hội cũng như Chính phủ.
Cử tri các địa phương cũng nêu nhiều kiến nghị, đề xuất với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương về việc sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm, kiên quyết xử lý các doanh nghiệp, cá nhân buôn bán thực phẩm bẩn, độc hại; tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật về sử dụng mạng xã hội, tăng cường quản lý, phát hiện, xử lý vi phạm, đồng thời cảnh báo người dân về các thủ đoạn lừa đảo, thông tin xấu độc trên mạng.
Tại các cuộc tiếp xúc, các Đoàn đại biểu Quốc hội đã tiếp thu các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của cử tri, đề cập trúng các vấn đề thực tiễn; tổng hợp đầy đủ để báo cáo Quốc hội và đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết./.