Ý kiến trái chiều về việc cho Viện Kiểm sát giám định tư pháp

Do còn ý kiến khác nhau nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình hai phương án một là giữ nguyên như luật cũ, hai là bổ sung như dự thảo để các đại biểu Quốc hội cho ý kiến.

Ngày 3-3, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức hội thảo góp ý cho dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp (GĐTP), sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9.

Hội thảo tổ chức tại trụ sở Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM (quận 1, TP.HCM).

Bà Văn Thị Bạch Tuyết (Thành ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM) chủ trì hội thảo.

Bà Văn Thị Bạch Tuyết chủ trì hội thảo. Ảnh: YC

Bà Văn Thị Bạch Tuyết chủ trì hội thảo. Ảnh: YC

Tại hội thảo, ông Trần Ngọc Đức (Trường Đại học Cảnh sát nhân dân) nêu khái niệm GĐTP.

Theo ông Đức, GĐTP là việc người GĐTP sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính...

Nội hàm của khái niệm đã đáp ứng được các yêu cầu. Tuy nhiên, ông Đức đề nghị thay cụm từ trong dự thảo: "Liên quan đến hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự" thành "Liên quan đến hoạt động giải quyết vụ án hình sự".

Theo ông Đức, không cần phải diễn giải là điều tra, truy tố, xét xử... mà nên quy định ngắn gọn là hoạt động giải quyết vụ án hình sự, vừa gọn và tương đồng với giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính.

Tại hội thảo nhiều ý kiến bàn luận sôi nổi về một vấn đề hiện nay vẫn còn hai quan điểm trái chiều. Đó là việc có nên quy định Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSND Tối cao là một trong các tổ chức GĐTP công lập hình sự hay không?

Ông Trần Ngọc Đức phát biểu. Ảnh: YC

Ông Trần Ngọc Đức phát biểu. Ảnh: YC

Trước đó, các đại biểu Quốc hội có hai luống ý kiến. Thứ nhất là đề nghị không bổ sung quy định này. Vì VKS vừa thực hiện quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, vừa trực tiếp thực hiện giám định khó đảm bảo tính khách quan; làm phát sinh thêm biên chế, kinh phí đầu tư trang thiết bị, đào tạo bồi dưỡng...

Ngược luồng ý kiến thứ hai tán thành với dự thảo vì cho rằng bổ sung quy định này là cần thiết, góp phần đáp ứng kịp thời nhu cầu giám định về âm thanh, hình ảnh.

Trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển, đặc biệt từ ngày 1-1-2020 các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ thực hiện ghi âm, ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can nên yêu cầu giám định loại việc trên ngày càng tăng.

Cạnh đó, chỉ có một đơn vị giám định kỹ thuật hình sự thuộc Bộ Công an đảm nhiệm việc giám định loại việc nói trên dẫn đến quá tải... Do đó, việc bổ sung quy định trên nhằm hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động của CQĐT thuộc VKSND Tối cao.

Do còn ý kiến khác nhau nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình hai phương án một là giữ nguyên như luật cũ, hai là bổ sung như trên để các đại biểu Quốc hội cho ý kiến...

YẾN CHÂU

Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/y-kien-trai-chieu-ve-viec-cho-vien-kiem-sat-giam-dinh-tu-phap-892311.html