Ý kiến trái chiều việc cấm dùng robot đặt lệnh chứng khoán
Theo chuyên gia, việc đặt lệnh tự động, giao dịch chứng khoán bằng robot là xu thế ở nhiều quốc gia. Tại những thị trường phát triển, giao dịch thực hiện bởi robot chiếm tới trên 80% thị phần. Thay vì cấm, cơ quan quản lý nên có kế hoạch, lộ trình cho việc này, không để thị trường Việt Nam 'lạc điệu' so với thế giới.
Vừa qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) có văn bản yêu cầu các công ty chứng khoán thực hiện rà soát và dừng ngay việc sử dụng hình thức đặt lệnh tự động; đồng thời có biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn các hình thức đặt lệnh tự động và yêu cầu nhà đầu tư chấm dứt việc sử dụng hình thức trên (nếu có) khi chưa được cơ quan quản lý cho phép.
Yêu cầu này đưa ra trong bối cảnh thanh khoản thị trường tăng mạnh. Chỉ tính riêng trên HoSE, giá trị giao dịch bình quân tháng 8 đã vượt mốc 22.000 tỷ đồng/phiên. Sang tháng 9, tiền vào thị trường tiếp tục gia tăng, có phiên giao dịch lên tới 1,5 tỷ USD (hơn 32.000 tỷ đồng).
Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích khối Khách hàng Cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam - cho rằng, hiện tại, yêu cầu dừng sử dụng robot không ảnh hưởng nhiều tới thị trường chứng khoán, vì chỉ vài công ty chứng khoán có khả năng sử dụng robot để đặt lệnh. Tuy nhiên, trong trung và dài hạn, Việt Nam không thể tránh, hoặc đi ngược lại xu hướng thế giới. Việc đặt lệnh tự động là nhu cầu của nhà đầu tư, giải quyết câu chuyện thanh khoản thị trường.
Chuyên gia đề xuất nên có kế hoạch, lộ trình cho việc triển khai giao dịch chứng khoán bằng robot, luật hóa, ra quy định cụ thể. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cần đẩy nhanh việc áp dụng hệ thống công nghệ thông tin mới của nhà thầu Hàn Quốc (KRX), nâng cấp hạ tầng giao dịch, nhằm đáp ứng được các sản phẩm mới trong tương lai.
Ông Huỳnh Minh Tuấn - Giám đốc Công ty tư vấn tài chính FIDT - nhận định, giao dịch bằng robot là bước tiến lớn trong thị trường chứng khoán. Nhờ khả năng tự động hóa cao, tính kỷ luật tuyệt đối, robot giúp nhà đầu tư thực hiện những giao dịch khó có thể làm bằng tay. Ở các thị trường phát triển, giao dịch thực hiện bởi robot chiếm tới trên 80% thị phần. Thị trường hiện có 2 loại hình robot, với tần suất đi lệnh nhanh, chậm khác nhau.
Với thị trường sơ khai như ở Việt Nam, theo ông Tuấn, việc robot tham gia giao dịch quá nhiều cũng dẫn tới những hệ lụy, chủ yếu do cơ chế quản lý và hạ tầng chưa đáp ứng, khó tránh khỏi nghẽn lệnh. Kể cả khi HoSE và HNX nâng cấp hệ thống, thì tắc nghẽn lớn nhất lại nằm ở hệ thống của những công ty chứng khoán. Có rất nhiều công ty có hệ thống đã lâu đời, không có khả năng đáp ứng về truyền dẫn và xử lý dữ liệu, khiến những công ty này bị "vạ lây" khi robot đi lệnh.
Bên cạnh đó, việc sử dụng robot tại Việt Nam rất khó kiểm soát, do giao dịch thường không được phân loại, theo dõi một cách tường minh. Lệnh của robot vẫn chỉ thể hiện là lệnh của một nhà đầu tư nào đó, chưa có cơ chế pháp lý nào "đưa ra ánh sáng" những giao dịch của robot.
Chuyên gia cho rằng, cơ quan quản lý cần có bước chuẩn bị kỹ, trước khi "thả cửa" cho loại hình hiện đại này phổ biến.
Giao dịch này trong tương lai không thể tránh khỏi, và ông Tuấn cho rằng, cơ quan quản lý cần có bước chuẩn bị kỹ, trước khi "thả cửa" cho loại hình hiện đại này phổ biến. Ủy ban chứng khoán và các sở nên cân nhắc về phương pháp phân loại lệnh giao dịch. Cơ quan quản lý có thể đưa ra chính sách riêng cho những giao dịch robot như: Phí, kênh kết nối riêng, cấp định danh, giấy phép, cơ chế thưởng phạt rõ ràng. Việc phối hợp với các công ty chứng khoán cũng cần thực hiện chặt chẽ, để đảm bảo sự minh bạch, khả năng kiểm soát ngay tại đầu nguồn.
Để áp dụng được robot trong giao dịch, theo ông Tuấn, mô hình kinh doanh của công ty chứng khoán cũng cần sự thay đổi, tập trung đầu tư công nghệ, tăng cường tích hợp.
Lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết đang nghiên cứu, chuẩn bị cơ sở pháp lý, hạ tầng cho việc sử dụng thuật toán, robot và lệnh tần suất cao trong giao dịch. Tùy thuộc vào từng điều kiện, cơ quan quản lý sẽ quyết định áp dụng hay không, hoặc áp dụng ở mức độ nào.