Ý nghĩa của lễ trừ tịch ngày Tết
Giao thừa là thời điểm thiêng liêng bởi đó là sự chuyển đổi cũ - mới, ở đó là sự kết thúc của một chu kỳ thoái bộ sinh - diệt để khởi đầu một chu kỳ tái sinh mới.
Từ chiều 30 tháng chạp, đêm cuối cùng của năm cũ, gọi là trừ tịch. Trừ là trao lại chức quan, tịch là ban đêm. Gọi là “trao lại chức quan” là do tín niệm rằng, có 12 vị quan Hành khiển - Hành binh, mỗi vị phụ trách một năm, luân phiên từ năm Tý đến năm Hợi thì quay trở lại.
Lễ trừ tịch là lễ cúng hai vị Hành khiển - Hành binh, một là tiễn vị cai quản năm cũ và một là đón vị cai quản năm mới.
Khoảnh khắc hết đêm 30 rạng ngày mùng một, là thời điểm giao thừa: Cũ giao lại mới tiếp lấy, nên đây là thời điểm thiêng để trừ tiệt cái cũ với các hoạt động trừ khử điều xấu, tà ma quỷ mị.
Do đó, trừ tịch còn được hiểu là trừ khử cái xấu cũ để đón cái mới tốt. Việc tiễn Táo, tiễn Thần, tiễn Phật đã diễn ra hồi cuối năm cũ, nay được đón về. Đón Ông Táo liền với việc gầy lửa mới; đón Thần, Phật gắn liền với việc đón các thần Hành binh - Hành khiển của năm mới.
Nói chung, các đối tượng Thần, Phật cũ đi chầu Trời trở về và các vị Hành binh - Hành khiển mới, đều đảm nhận nhiệm vụ mới trong năm mới.
Nội dung phần lớn bài văn khấn trong lễ cúng Giao thừa cho thấy đối tượng cung thỉnh rất đông đảo, bao quát “Chín phương trời, mười phương chư Phật”, trong đó, chư Thần, ngoài đối tượng chính của lễ là Thái Tuế tôn thần, là các thần Bản cảnh Thành Hoàng, Thổ Địa, Thần Ngũ Phương Ngũ Thổ, Long Mạch Thần Tài, Bản Gia Táo Quân và Chư vị thần linh bản xứ...
Thái Tuế là tên gọi của vị thần cai trị mỗi năm của Đạo Giáo: Trị Niên Thái Tuế. Tín ngưỡng này gốc từ việc sùng bái các vì sao thời cổ của người Trung Quốc.
Trong khoa thiên văn, sao Thái Tuế là sao Mộc/Mộc tinh trên bầu trời. Chu kỳ của sao Mộc quay quanh mặt trời là 12 năm nên sao Mộc còn được gọi là Tuế tinh, sau phát triển thành Thái Tuế tinh quân hay Tuế quân, Thái Tuế tôn thần. Do là Tuế tinh/sao của năm nên được thế nhân tôn thành 12 thần Hành khiển: “Hành khiển thập nhị chư thần”.
Theo Đạo giáo, thần Thái Tuế đều là võ tướng xuất thân và tương truyền là những hung thần trên thiên giới. Trong tín niệm phổ thông, đây là tập họp 12 vị thần Hành khiển (quan văn) - Hành binh (võ tướng) luôn phiên thay mặt Ngọc Hoàng thượng đế trông coi mọi việc ở thế gian trong một năm, tính từ năm Tý đến năm Hợi.
Phụ tá các thần có một phán quan. Các thần lo việc thi hành mệnh lệnh của Ngọc Hoàng thượng đế, còn Phán quan lo việc ghi chép công tội của mọi người, mọi gia đình, mọi cộng đồng thôn xã...
[…]
Trong dân gian, cũng phổ biến điều xác tín rằng các vị Hành khiển - Hành binh có vị nhân từ, có vị hung dữ. Năm nào gặp vị thần nhân từ thì mưa thuận, gió hòa, cuộc sống khang thái; ngược lại, năm nào đói kém, mất mùa, dịch bệnh, tai ách, loạn lạc triền miên thì người ta cho rằng các tai họa ấy do vị thần Hành khiển – Hành binh năm đó giận dữ gây nên.
Như trên đã nói, tập hợp mười hai vị thần Hành khiển – Hành binh là thần Thái Tuế, gốc từ tín ngưỡng sùng bái tinh tú, cụ thể là Mộc tinh (sao Mộc).
Nói cách khác, Thái Tuế là dụng ngữ lịch pháp và thuật số cổ đại, đây là tên gọi khác của can chi trực tuế mà lịch pháp cũ dùng để ghi năm. Ví dụ, gặp năm Giáp Tuất thì Giáp Tuất là Thái Tuế, gặp năm Ất Sửu thì Ất Sửu là Thái Tuế.
Cứ suy theo đó, từ năm Giáp Tí cho đến năm Quý Hợi là hết một vòng có tổng cộng 60 Thái Tuế. Đạo Giáo coi đây là 60 vị thần, gọi là 60 thần Giáp Tý (phối hợp 10 thiên can với 12 địa chi, khởi đi từ Giáp Tý đến Quý Hợi, hết một chu kỳ là 60 năm) và cũng gọi là Lục Thập Đại Tướng quân (60 vị Đại tướng) hay Lục Thập Nguyên thần (60 vị nguyên thần).
Đạo Giáo cho rằng đây là 60 thần bản mệnh. Mỗi người sinh ra vào một năm, tùy vào năm sinh đó mà họ thuộc vào một trong 60 Nguyên thần hay đó chính là thần bản mệnh.
Chính vì vậy, việc cầu cúng thần bản mệnh, gọi là “Cầu thuận tinh” hay “Cầu thần bảo hộ” cốt để cầu thần bảo vệ cho bản thân mình một năm được những điều tốt lành, an khang và hanh thông.
Trong tập quán phổ biến, thế nhân chỉ coi trọng tuế âm (tức 12 địa chi) nên Thái Tuế của 12 năm là một chu kỳ; theo đó mà tục cúng Hành khiển – Hành binh hàng năm vào lúc Giao thừa được thực hành phổ biến thay cho việc cúng thần/sao Thái Tuế hàng năm của từng cá nhân tại tư gia hay tại các đền miếu có thờ thần Thái Tuế.
Nói chung, từ tín niệm và tín ngưỡng thờ cúng Thái Tuế để cầu sự bảo hộ hay sự hóa giải vận hạn cá nhân đến việc cúng thần Hành khiển – Hành binh vào đêm Giao thừa vào dịp Tết là một biến thể riêng của tập tục tế tự đầu năm của người Việt.
Theo đó, tín lý về đối tượng tế tự này cũng có phần khác. Thần Đương niên Hành khiển - Hành binh không là thần bản mệnh mà là hung thần có khả năng gây ra chiến tranh, dịch bệnh làm chết người hàng loạt.
Người ta xác tín rằng tai họa này là do nhu cầu “thu quân bắt lính” của thần. Do đó, việc cúng kiếng cốt xin chư thần Hành khiển – Hành binh tha thứ.
Tuy nhiên, tàn tích của tục cúng thần bản mệnh Thái Tuế bảo lưu trong tập đốt giấy tiền vàng bạc với các bộ đồ thế: Mỗi thành viên trong gia đình phải có 2 tờ hình nhân thế mạng theo tín niệm “nhất nhân thế nhị hình”.
Tập tục này được xác tín là bản mệnh mình được an toàn bởi mình đã có hai hình nhân thay thế mình làm binh lính cho thần. Tập tục này, có những biến thể đa dạng trong tập tục dân gian từng vùng miền.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dem-tru-tich-va-giao-thua-post1183004.html