Ý nghĩa của Ngày Quốc tế trẻ em gái

Từ năm 2011, Đại hội đồng Liên Hợp quốc chọn Ngày 11/10 hằng năm làm ngày Quốc tế trẻ em gái để công nhận quyền và những thách thức mà trẻ em gái phải đối mặt trên khắp thế giới. Sự ra đời của ngày kỷ niệm này nhằm kêu gọi mọi người cùng chung tay cải thiện nhận thức về bất bình đẳng giới trên khía cạnh y tế, dinh dưỡng và giáo dục. Các thông điệp truyền tải hướng tới những hành động bảo vệ trẻ em gái khỏi nạn tảo hôn, sự kỳ thị và bạo lực gia đình, trường học...

Hằng năm, Tổ chức Liên Hợp quốc chọn một chủ đề riêng nhằm tuyên truyền, phổ biến, cảnh báo nguy cơ, hệ lụy tác động đến trẻ em gái và phụ nữ nói chung như: “Chấm dứt nạn tảo hôn”; “Đổi mới giáo dục”; “Trao quyền cho các bé gái”; “Sức mạnh của cô gái vị thành niên”; “Bình đẳng để trẻ em gái được học tập, dẫn dắt, quyết định và phát triển”; “Để trẻ em gái tạo dựng và phát huy vị thế xứng đáng trong xã hội”; “Không phân biệt giới, không lựa chọn giới tính thai nhi”.

Năm 2024, với chủ đề: “Tầm nhìn cho tương lai của trẻ em gái” - “Girls’ vision of the future” nhằm tăng cường trách nhiệm, sự cam kết, quan tâm và vào cuộc của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức đoàn thể và mọi tầng lớp nhân dân có tầm nhìn về tương lai cho trẻ em gái và tập trung thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã không ngừng hoàn thiện khung luật pháp, chính sách về quyền bình đẳng trên lĩnh vực bình đẳng giới như: Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình... mà trọng tâm là Luật Bình đẳng giới và thông qua các công ước quốc tế như: Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, Công ước Liên Hợp quốc về quyền trẻ em... nhờ đó mà phụ nữ và trẻ em gái đều được bảo vệ.

Tuy nhiên, hiện tượng bất bình đẳng vẫn xảy ra, bất lợi vẫn nghiêng nhiều về trẻ em gái và phụ nữ. Nguyên nhân là do một bộ phận xã hội hiểu không đúng về giới, giới tính và bình đẳng giới. Ngoài ra, chính trẻ em gái và phụ nữ còn tự ti, cam chịu, an phận và chấp nhận những định kiến giới tồn tại trong xã hội, các tập quán lạc hậu theo kiểu “xuất giá tòng phu”, “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”, “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”...

Theo khoản 3, Điều 5, Luật Bình đẳng giới: “Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó”. Nước ta được đánh giá là một trong những quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong vòng 20 năm qua. Điểm nổi bật trong việc bảo đảm quyền lợi về giới ở Việt Nam là việc hoàn thiện khung luật pháp, chính sách về bình đẳng giới: Luật Bình đẳng giới năm 2006; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2008 và Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 3/3/2021 về ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030, với mục tiêu tổng quát là tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những bất bình đẳng giới trong xã hội. Điều đó đã và đang đặt ra những thách thức đối với người phụ nữ, đặc biệt trong gia đình trẻ hiện nay. Vì giữa bất bình đẳng giới và tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh có mối quan hệ quyết định với nhau. Bất bình đẳng giới là nguyên nhân làm gia tăng tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, ngược lại mất cân bằng giới tính sẽ làm sâu sắc thêm vấn đề bất bình đẳng giới.

Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, đó là hành vi lựa chọn giới tính thai nhi của các cặp vợ chồng. Mong muốn có con trai hiện nay không chỉ dừng ở biểu hiện tâm lý mà đã thể hiện thành hành động tìm kiếm con trai. Các quan niệm xã hội và tín ngưỡng đòi hỏi con trai phải gánh vác việc thờ cúng tổ tiên; con trai giúp củng cố địa vị của cha mẹ trong xã hội; đứa con sinh ra phải mang họ của cha; người chồng thường là chủ hộ trong gia đình, có quyền quyết định những việc lớn. Theo phong tục chỉ có con trai được thừa kế tài sản của cha mẹ, vị thế của người phụ nữ không được coi trọng, chính sách khuyến khích sinh ít con kéo dài qua nhiều thập kỷ, tác động đến quy mô gia đình, đặc biệt là gia đình cán bộ, công chức (chỉ sinh 1 con) là nguyên nhân của việc lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức, làm gia tăng tỷ số giới tính nam tạo mất cân bằng giới tính khi sinh.

Vì thế, giải pháp then chốt nhằm ngăn chặn tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh là phải tăng cường công tác bình đẳng giới, nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thay đổi nhận thức của người dân, phát huy hơn nữa sự tham gia của nam giới vì bình đẳng giới, nhằm huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và người dân vào việc giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 468 ngày 23/3/2016 phê duyệt Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016 - 2025; Bộ Y tế ban hành Chỉ thị số 04 ngày 15/3/2016 về việc tăng cường giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh và Quyết định số 1472 ngày 20/4/2016 ban hành đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016 - 2025 nhằm can thiệp đồng bộ, toàn diện cả về lãnh đạo, chỉ đạo, truyền thông vận động chuyển đổi hành vi, thanh tra xử lý vi phạm và thực hiện các chính sách hỗ trợ triển khai tại các địa phương có tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.

UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Kế hoạch số 369 ngày 27/12/2021 về thực hiện Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh. Sở Y tế ban hành Kế hoạch số 76 ngày 9/5/2024 về thực hiện Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp năm 2024 và giao cho Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh hướng dẫn và tổ chức thực hiện thành công các mục tiêu chương trình của Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh.

Thiết thực hưởng ứng Ngày Quốc tế trẻ em gái (11/10) năm nay với chủ đề “Tầm nhìn cho tương lai của trẻ em gái” - “Girls’ vision of the future”, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh đã tập trung đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới để can thiệp một cách có hiệu quả, góp phần kiểm soát và giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh trong thời gian tới. Đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ việc thực hiện bình đẳng giới và thực thi nghiêm minh pháp luật về giải quyết mất cân bằng giới tính khi sinh, nghiêm cấm các hành vi hướng dẫn, tư vấn, cung cấp dịch vụ lựa chọn, xác định giới tính thai nhi trong các cơ sở y tế, cộng đồng và toàn xã hội.

Lê Hùng

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/suc-khoe/y-nghia-cua-ngay-quoc-te-tre-em-gai-126203.aspx