Ý nghĩa cuộc hội đàm giữa Tổng thống Nga và Quốc vương Oman
Cuộc gặp lịch sử tại Điện Kremlin không chỉ đánh dấu bước ngoặt quan hệ song phương, mà còn mở ra khả năng Nga trở thành trung gian chiến lược trong thỏa thuận hạt nhân Iran.

Quốc vương Oman Haitham bin Tariq Al Said gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải). Ảnh: TASS
Theo báo Vedomosti (Nga) được hãng thông tấn TASS trích dẫn ngày 23/4, Điện Kremlin vừa chứng kiến một tuần ngoại giao sôi động khi liên tiếp đón tiếp hai nhà lãnh đạo Arab. Sau chuyến thăm của Quốc vương Qatar, ngày 22/4, Quốc vương Oman Haitham bin Tariq Al Said đã có cuộc hội đàm cấp cao với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Điều đáng chú ý, đây là cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa hai nước kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao cách đây 40 năm, một cột mốc được chính Quốc vương Al Said đặt nền móng khi còn là Thứ trưởng Ngoại giao Oman vào năm 1985.
Sự quan tâm đặc biệt đổ dồn vào cuộc gặp lần này xuất phát từ vai trò trung gian then chốt của Oman trong các cuộc đàm phán về thỏa thuận hạt nhân Iran giữa Tehran và Washington. Giới phân tích đặt ra câu hỏi: liệu Quốc vương Oman có mang đến Moskva những thông tin "tối mật" về tiến trình đàm phán hạt nhân đầy phức tạp này?
Ilya Vaskin, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông, Kavkaz và Trung Á thuộc Trường Kinh tế Cao cấp Moskva, nhận định khả năng Quốc vương Oman đã chuyển giao cho giới lãnh đạo Nga những khía cạnh nhạy cảm của thỏa thuận. Ông Vaskin cho rằng Oman có thể đã chuyển tiếp lập trường chung của Mỹ và Iran về vai trò tiềm năng của Nga trong một thỏa thuận hạt nhân sửa đổi.
"Vai trò tiềm năng của Nga là trở thành người tạo điều kiện hoặc trung gian giữa Mỹ và Iran, cụ thể là liên quan đến thỏa thuận này", ông Vaskin nhấn mạnh. Chuyên gia Vaskin cũng gợi ý rằng Moskva có thể đảm nhận một số khía cạnh kỹ thuật của thỏa thuận, chẳng hạn như việc chuyển giao nhiên liệu hạt nhân từ Iran sang Nga.
Cùng quan điểm, chuyên gia Sergey Balmasov thuộc Viện Trung Đông (Hội đồng Quan hệ Quốc tế Nga - RIAC) cho rằng vấn đề hạt nhân Iran chắc chắn là tâm điểm của cuộc hội đàm. Ông Balmasov chỉ ra rằng Oman hiện đóng vai trò như một cầu nối quan trọng giữa Iran và các cường quốc phương Tây, trong khi Moskva cũng tích cực hỗ trợ các hoạt động hạt nhân hòa bình của Iran.
"Rõ ràng là cuộc đối thoại giữa Mỹ và Iran về vấn đề hạt nhân vẫn chưa đạt được tiến triển đáng kể nào, do lập trường cố hữu của cả hai bên. Do đó, Oman đang trông cậy vào sự giúp đỡ của Nga để đạt được bước đột phá tiềm năng trong các cuộc đàm phán", ông Balmasov phân tích. Chuyên gia này cũng lưu ý rằng Tehran khó có thể chấp nhận một thỏa thuận mới dựa trên thỏa thuận trước đó nếu không có sự đảm bảo chắc chắn về việc thực thi.
Murad Sadygzade, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông, giảng viên thỉnh giảng tại trường Kinh tế Cao cấp Moskva mở rộng thêm về vai trò trung gian truyền thống của Oman giữa Iran và phương Tây. Ông cho rằng các chuyến thăm gần đây tới Moskva của cả Quốc vương Qatar và Quốc vương Oman có liên quan đến những diễn biến phức tạp ở Trung Đông.
"Các quốc gia này muốn giảm nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột lớn trong khu vực, có thể gây ra hậu quả kinh tế và chính trị đáng kể cho Trung Đông và Bắc Phi, bao gồm cả các quốc gia vùng Vịnh Ba Tư", ông Sadygzade giải thích.
Theo chuyên gia Sadygzade, cuộc đối thoại giữa Nga và Oman bao trùm nhiều vấn đề, từ tình hình Syria đến vấn đề hạt nhân Iran, từ sự ổn định khu vực đến việc xây dựng một khuôn khổ an ninh mới. Ông nhấn mạnh vai trò tiềm năng của Nga như một bên bảo lãnh cho một thỏa thuận mới của Iran, tương tự như vai trò của nước này trong thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA) trước đây.
"Nga, với tư cách là một trong những bên chủ chốt ở Trung Đông, có thể trở thành một trong những bên bảo lãnh cho một thỏa thuận mới của Iran, tương tự như vai trò của nước này trong thỏa thuận JCPOA trước đó", ông Sadygzade nêu rõ, đồng thời khẳng định Moskva là một đối tác quốc tế đáng tin cậy của Tehran.
Ông Sadygzade cũng nhận thấy những dấu hiệu tích cực khi căng thẳng giữa Nga và Mỹ có dấu hiệu hạ nhiệt. "Nếu đạt được thỏa thuận về Ukraine và mối quan hệ giữa Moskva và Washington được cải thiện, Nga có thể trở thành một bên trung gian trung lập hỗ trợ các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Iran", ông Sadygzade nhận định. Trong bối cảnh đó, Oman vẫn giữ vững vai trò quan trọng của mình như một nhà trung gian đáng tin cậy, một vị thế đã được chứng minh từ năm 2013 khi nước này đóng vai trò tạo điều kiện thuận lợi cho việc ký kết JCPOA năm 2015, nhận được sự tin tưởng từ cả Iran, Mỹ và Saudi Arabia.
Cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Putin và Quốc vương Al Said, do đó, không chỉ mang ý nghĩa lịch sử trong quan hệ song phương mà còn ẩn chứa những kỳ vọng về một vai trò tích cực hơn của Nga trong việc giải quyết "bài toán" hạt nhân Iran đầy hóc búa, với sự hỗ trợ đắc lực từ "bên ngoại giao" Oman.