Ý nghĩa dây chuyền đá xanh ở New Zealand
Với hình thù khác nhau tượng trưng cho những ý nghĩa trong cuộc sống, dây chuyền đá xanh ở New Zealand được nhiều người đón nhận như một món quà lưu niệm mang đến sự may mắn.
Khi đến New Zealand, mặt dây chuyền bằng đá xanh (còn gọi với cái tên là pounamu) xuất hiện nhiều ở những cửa hàng quà lưu niệm. Chúng thường có trên những vòng cổ bằng da của cả người dân và khách du lịch. Tuy nhiên, nếu để ý kỹ, bạn sẽ thấy các mặt dây chuyền này thường khác nhau tùy vào ước muốn của người sở hữu.
Nguồn gốc và phân loại
Đá xanh (còn gọi ngọc bích) là một loại đá quý có màu xanh lục nhạt hay màu ngọc lục bảo đậm. Đây là 2 loại khoáng chất riêng biệt nhưng có tính chất vật lý như nhau. Do có tính chất rất bền, đá xanh có thể được chạm khắc vào nhiều đồ vật khác nhau từ vũ khí đến đồ trang sức. Thậm chí, trong nhiều nền văn hóa, người ta tin rằng chúng có khả năng chữa bệnh.
Đá xanh (pounamu) ở New Zealand bắt nguồn từ bờ biển phía tây của quần đảo nam, một vùng của bộ lạc Ngāi Tahu. Các tác phẩm chạm khắc làm từ pounamu đóng một vai trò quan trọng trong văn hóa người Māori sống tại đây.
Giống như bất kỳ loại đá quý nào, giá trị của mỗi mảnh pounamu được xác định bởi chất lượng thẩm mỹ và sự khan hiếm. Cụ thể, người Māori phân loại pounamu theo màu sắc, dấu hiệu và độ trong suốt. Tổng cộng pounamu có 4 loại chính bao gồm inanga, kahurangi, kawakawa và tangiwai.
Kahurangi là loại đá xanh hiếm nhất của New Zealand vì độ trong suốt cao và không có các đốm đen hoặc khuyết điểm. Inanga lấy tên từ một loài cá nước ngọt và thường có màu xám xanh đục. Tangiwai độ trong suốt cao hơn nhưng rất dễ bể, khiến công việc xử lý trở nên khó khăn hơn. Kawakawa phổ biến hơn và có nhiều sắc thái khác nhau của màu xanh lá cây.
Chạm khắc và thiết kế
Cùng với việc chăm sóc môi trường, bộ lạc Ngāi Tahu tự hào về kỹ năng và truyền thống chạm khắc pounamu. Những người thợ thủ công làm ra pounamu coi trọng cả vẻ đẹp tinh thần và thẩm mỹ của những viên đá mà họ làm ra.
Lee-Roy Mullings, người đã làm việc tại xưởng Arrowtown Stonework trong hơn 30 năm, cho biết: "Trước khi bắt đầu chạm khắc, tôi luôn nhận thức tầm quan trọng trong văn hóa của viên đá. Tôi kết nối chúng với những phẩm chất độc đáo và cố gắng truyền tải ý nghĩa của truyền thống Māori”.
Về mặt thiết kế, mặt dây chuyền pounamu đại diện cho những điều may mắn.
Toki là một công cụ cắt hàng ngày, tương tự như một chiếc rìu nhỏ. Nó tượng trưng cho trí tuệ, sức mạnh và quyết tâm. Đàn ông hay phụ nữ đều có thể đeo chúng được. Tuy nhiên, theo truyền thống, toki được sử dụng cho người lớn tuổi. Koru, một loài dương xỉ bản địa, đại diện cho sự khởi đầu mang sức mạnh của sự phát triển và hy vọng mới.
Hei matau, thiết kế lưỡi câu cá, tượng trưng cho sự kết nối với đại dương đồng thời mang lại may mắn và cầu chúc cho những chuyến đi an toàn. Thiết kế hei-tiki trông hơi giống phôi người. Nó thường được cho là biểu tượng khả năng sinh sản và ý nghĩa có thể thay đổi tùy theo ngữ cảnh.
Giá bán và những điều lưu ý
Ở New Zealand, khi mua pounamu, bạn sẽ thấy sự chênh lệch giá giữa mặt hàng nhập khẩu và chính hãng. Một số pounamu giảm giá trong các cửa hàng lưu niệm có thể đã được chạm khắc ở New Zealand nhưng sử dụng nguyên liệu thô từ nước ngoài. Những mặt hàng rẻ hơn có thể sản xuất ở nơi khác nhằm đánh lừa du khách.
Nếu muốn mua một quán quà lưu niệm vừa mang giá trị tinh thần của văn hóa Māori vừa hỗ trợ những người thợ thủ công truyền thống, du khách nên tìm kiếm các mặt hàng có xác thực từ Ngāi Tahu. Một pounamu thiết kế đơn giản sẽ có giá khoảng 100-200 NZD (62-125 USD) còn mảnh phức tạp hơn có thể có giá lên tới 600 NZD (gần 400 USD) tùy thuộc vào chất lượng của viên đá.
Ngoài ra, bạn sẽ nhận được một mã truy xuất nguồn gốc thông tin về whakapapa (phả hệ) của viên đá và tên nghệ sĩ đã chạm khắc. Để có trải nghiệm pounamu thêm phần ý nghĩa hơn, bạn hãy ghé thăm các studio của các thợ kim hoàn trên quần đảo nam và nói chuyện trực tiếp với các nghệ nhân.
Du khách có thể dễ dàng tìm thấy những viên sỏi nhỏ pounamu dọc theo bờ phía tây của quần đảo nam. Tuy nhiên, bạn không được phép đánh cắp chúng. Ngày nay, pounamu trở nên giá trị hơn và đã có sự gia tăng trong việc cướp bóc đá từ các vùng xa xôi. Đây là một sự xúc phạm tinh thần cho bộ tộc Ngāi Tahu và tổn thất đến nền kinh tế cộng đồng.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/y-nghia-day-chuyen-da-xanh-o-new-zealand-post1432635.html