Ý nghĩa nhân văn trong lễ đầy tháng của người Tày

Lễ đầy tháng được tổ chức khi trẻ tròn một tháng tuổi, là một phong tục rất quan trọng của người Tày, có ý nghĩa mừng cho gia đình, mừng cho đứa trẻ, mừng cho cộng đồng có thêm một nhân khẩu, sống trong sự đùm bọc yêu thương của mọi người; mong đứa trẻ sau này có cuộc sống yên lành và sống có ý nghĩa.

Lễ đầy tháng được người Tày gọi là “khai bươn”. Đối với đứa con đầu lòng, các gia đình dù giàu hay nghèo, dù sinh con gái hay con trai đều tổ chức lễ đầy tháng. Quy mô lễ này thường chỉ kém lễ cưới, có sự tham gia của cả gia đình nội và ngoại.

Lễ đầy tháng được tổ chức ở nhà bên nội, tuy nhiên, cả hai bên gia đình cùng bàn bạc thống nhất để chuẩn bị mọi công việc. Bên nội chuẩn bị đôi dây nôi, một dây địu cho đứa trẻ, túi đựng và sách vở, bút (có tính tượng trưng), vật chất cho tiệc mừng: lợn, gà, gạo, rượu... Đặc biệt là gạo nếp để đồ xôi và để gói bánh “coóc mò” (bánh sừng bò). Gia đình bên ngoại xem ngày tháng tổ chức lễ, chủ động về phần tâm linh và một số vật chất theo đúng phong tục tập quán của người Tày; sau khi xem được ngày tốt, ngày lành thì tiến hành mời họ hàng thân thích, bà con xóm bản, bè bạn bên ngoại đến dự lễ đầy tháng ở bên nhà nội. Bên nhà ngoại còn chọn ngày đan nôi, may địu cho đứa trẻ. Nôi được đan bằng lạt chẻ từ tre hoặc trúc, thường thì ông ngoại tự đan nôi để đảm bảo chiếc nôi chắc, đẹp, không mối mọt. Địu là quà tặng của bà ngoại và những người thân thích bên ngoại, chiếu địu truyền thống của người Tày được may bằng vải chàm và thổ cẩm. Ngoài ra bên nhà ngoại còn chuẩn bị chăn màn, quần áo, tã, mũ, giày, vải vóc làm quà mừng em bé trong lễ đầy tháng.

Lễ đầy tháng chia thành 3 phần chính: Phần lễ tâm linh, các thủ tục lễ truyền thống theo phong tục tập quán, tiệc mừng. Thông thường Bụt sẽ làm lễ tâm linh từ chiều tối ngày hôm trước đến trưa hôm sau khi tiệc kết thúc. Trong lễ tâm linh có một phần không thể thiếu là lễ tạ ơn “Mẻ bjoóc” (Mẹ hoa - tức Bà mụ). Theo quan niệm của người Tày, trẻ con được sinh ra là do Mẻ bjoóc ban phát cho hoa đến những người ở trần gian. Trong lời hát của Bụt ghi nhận công lao của Mẻ bjoóc: Bjoóc kim mẻ păn lồng/Bjoóc ngần mẻ mà slống/Hâử te cải vần slao/Hâử te mả vần báo (Hoa vàng mẹ ban về/Hoa bạc mẹ đưa tới/Cho nó lớn thành gái/Cho nó mau thành trai).

Nghi lễ trong lễ đầy tháng của người Tày.

Nghi lễ trong lễ đầy tháng của người Tày.

Phần lễ theo phong tục, tập quán của người Tày được tiến hành vào buổi sáng, thông thường khoảng 8 giờ sẽ bắt đầu với sự tham gia của họ hàng nội, ngoại thân thích. Khi đó quà mừng của bên ngoại được sắp sẵn đặt gọn gàng trên tấm chiếu trúc nơi trang trọng trong nhà. Quà của người khác sẽ tặng bé khi đi “khai hảy” (bán khóc) về. Đúng giờ đã định, dây địu được xỏ vào thân địu; bên ngoại chuẩn bị sẵn người địu đứa trẻ, thường là một bé gái xinh xắn, ngoan ngoãn, học giỏi. Bà ngoại trực tiếp đặt và địu cháu ngoại lên lưng người được tin tưởng đưa bé “đi chợ, khai bươn”. Chuẩn bị đi ra khỏi nhà, người địu bé sẽ xách túi, cặp đựng đồ dùng học tập tượng trưng của đứa bé theo, rồi nói những câu xã giao thông thường như: “Chào ông bà và mọi người, bé đi chợ đây”. Một đại diện thường là người cao tuổi nhất và có uy tín có mặt tại buổi lễ sẽ kéo cổ địu lên che chắn cho đứa trẻ rồi nói: “Cháu đi chợ nhé, đi chợ bán hết “coóc mò” sớm, bán hết khóc rồi về nhà nhé”. Một thiếu nữ khỏe mạnh, tháo vát và xinh đẹp do bên ngoại cử sẽ gánh bánh “coóc mò” đi theo đứa trẻ để “bán”. Đứa trẻ sẽ được địu đến những nhà trong bản để đưa một xâu bánh coi như “bán khóc” đi. Những người nhận bánh sẽ có những lời chúc tốt đẹp cho đứa trẻ và hoàn trả một chút tiền gọi là lấy lệ để cầu những điều tốt lành cho bé. Khi hết bánh “coóc mò” thì nhóm người “đi chợ” sẽ đưa bé trở về nhà để làm các thủ tục tiếp theo.

Trong khi đứa trẻ “đi chợ” thì ở nhà ông nội và ông ngoại làm thủ tục treo nôi. Nôi được treo ở nơi thoáng mát, tiện lợi cho việc gia đình chăm sóc bé. Ông nội buộc một đầu nôi, ông ngoại buộc đầu bên kia. Hàm ý của việc này là thể hiện tình cảm gắn kết giữa thông gia và kết quả có được là rất tốt đẹp. Khi đứa trẻ sơ sinh đi “bán coóc mò” về đến nhà, người cõng bé sẽ chào hỏi mọi người, những người có mặt sẽ đáp lại bằng những lời xã giao tốt đẹp. Người nhà đặt quả bí đỏ hoặc bí đao cùng cái chổi vào trong nôi với ý nghĩa đứa bé sẽ hay ăn chóng lớn, khỏe mạnh, hiền lành như quả bí; chiếc chổi rơm có ý nghĩa sẽ quét sạch những thứ rác rưởi bụi trần cũng như ma quỷ để đứa bé sau này luôn là người trong sạch, luôn nghĩ đến và làm việc thiện, việc nghĩa cho bản thân, cho gia đình và cho xã hội.

Tiếp theo bà nội sẽ cởi bỏ địu bế đón lấy cháu, đồng thời quả bí cùng chiếc chổi được bỏ ra khỏi nôi. Người địu cháu và những người thân sẽ lót tã, lót chăn trong nôi để bà nội đặt đứa trẻ vào đấy. Ông bà ngoại và nội ru cháu bằng bài ru truyền thống của người Tày. Một việc rất đặc biệt là sau bữa tiệc, tất cả những người đến dự đều được gia chủ đưa cho một xâu bánh coóc mò đem về.

Lễ đầy tháng là một phong tục truyền thống tốt đẹp ngày nay vẫn được nhiều gia đình người Tày gìn giữ, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc không chỉ với những mong ước tốt đẹp cho đứa trẻ mà còn thể hiện sự quan tâm, chăm sóc và giáo dục của gia đình, cộng đồng đối với trẻ em.

Dạ Đăng

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/y-nghia-nhan-van-trong-le-day-thang-cua-nguoi-tay-3169905.html