Ý nghĩa thiết thực từ mô hình an sinh xã hội

Chung tay thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, thời gian qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Bình Chánh đã phát huy hiệu quả mô hình 'Bếp - Nhà yêu thương' nhằm thực hiện công tác chăm lo an sinh xã hội, giúp các hộ cận nghèo, hộ khó khăn có nhà ở ổn định, an cư lạc nghiệp, từ đó yên tâm phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Bình Chánh và các đơn vị trao nhà và các thiết bị gia dụng cần thiết cho các hộ dân trên địa bàn huyện.

Đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Bình Chánh và các đơn vị trao nhà và các thiết bị gia dụng cần thiết cho các hộ dân trên địa bàn huyện.

Gia đình bà Lê Thị Ngọ, ngụ Ấp 4, xã Bình Lợi là hộ khó khăn với tám nhân khẩu. Cuộc sống mưu sinh hằng ngày phụ thuộc vào việc buôn bán nhỏ. Nhiều năm nay, mặc dù nhà xuống cấp, nền thấp thường xuyên bị nước ngập, tường mái tôn bị mục nhưng với nguồn thu nhập chỉ đủ trang trải cuộc sống hằng ngày, bao năm nay gia đình bà không đủ điều kiện để sửa chữa, nâng cấp. Cho đến khi đứng trong ngôi nhà tình nghĩa khang trang được chính quyền địa phương hỗ trợ xây dựng, bà Ngọ vẫn không tin ước mơ đó đã thành hiện thực. Hôm bà con chòm xóm, chính quyền địa phương đến chung vui nhà mới, bà Ngọ vui lắm.

Bà chia sẻ: "Vậy là từ nay gia đình tôi không còn phải chịu cảnh ngập úng nữa rồi". Cũng chung niềm vui như gia đình bà Lê Thị Ngọ, gia đình ông Quan Văn Mai Dũng, ở Ấp 1, xã Lê Minh Xuân phấn khởi khi có một ngôi nhà mới khang trang để chuẩn bị đón Tết Nguyên đán. Nhiều năm qua, ông Quan Văn Mai Dũng gặp khó khăn trong sinh hoạt vì bản thân đang mang trọng bệnh. Thu nhập từ đồng lương ít ỏi của người vợ khiến gia đình thường xuyên rơi vào cảnh thiếu trước hụt sau.

Đây là một trong hai hộ gia đình được Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể, chính trị huyện Bình Chánh chăm lo thời gian qua. Hưởng ứng phong trào thi đua "Vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau" của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, hệ thống Mặt trận Tổ quốc huyện, xã, thị trấn đã xây dựng và triển khai nhiều mô hình giảm nghèo, phát động nhiều hoạt động chăm lo, trong đó chú trọng việc chăm lo cho người dân bảo đảm tiêu chí về nhà ở, có cuộc sống ổn định để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Ông Huỳnh Văn Phạm Hồng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Bình Chánh nhấn mạnh: Các hoạt động này cũng là một trong các nhiệm vụ trọng tâm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 về Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và Nghị quyết Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc huyện nhiệm kỳ 2019-2024 nhằm góp phần giảm hộ nghèo trên địa bàn huyện.

Bám sát mục tiêu này, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện đã triển khai thực hiện các kế hoạch như: Nhân rộng các mô hình, giải pháp trong công tác chăm lo an sinh xã hội; phối hợp tổ chức phúc tra nhu cầu hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có hoàn cảnh khó khăn; phối hợp vận động, chăm lo hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có hoàn cảnh khó khăn năm 2024.

Ông Huỳnh Văn Phạm Hồng cho biết, qua việc triển khai thực hiện và kết quả phúc tra nhu cầu hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có hoàn cảnh khó khăn, các đơn vị trong quá trình xây nhà tình nghĩa, nhà tình thương, sửa chữa chống dột cũng phát hiện các hộ gia đình còn thiếu rất nhiều vật dụng thiết yếu như: nệm, bếp gas, quạt máy, nồi cơm điện, kệ, chén... Thực tế này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sinh hoạt, sức khỏe của các hộ gia đình. Một số hộ tuy có các thiết bị gia dụng nhưng cũng bị hư hỏng, xuống cấp không còn sử dụng được.

Mặt trận Tổ quốc huyện Bình Chánh cho biết, sau khi thực hiện hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho 27 trường hợp (sửa chữa một căn nhà tình nghĩa; xây mới bốn căn và sửa chữa chống dột 22 căn nhà tình thương) với tổng kinh phí hơn 1,3 tỷ đồng, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện đã vận động và hỗ trợ thêm cho các hộ gia đình những vật dụng, thiết bị gia dụng để bảo đảm nhu cầu trong sinh hoạt hằng ngày.

Việc thực hiện mô hình "Bếp - Nhà yêu thương", trao tặng bộ quà gồm các vật dụng gia đình: Nệm, chăn, gối, nồi cơm điện, quạt máy, bộ nồi, chén, kệ, bếp gas... đã giúp cho các hộ gia đình hoàn cảnh khó khăn có đầy đủ vật dụng cần thiết trong sinh hoạt hằng ngày, phần nào cải thiện được chất lượng cuộc sống. Đây không chỉ là món quà thiết thực, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc mà còn là nguồn động viên lớn để các hộ có hoàn cảnh khó khăn vững tin vào cuộc sống, yên tâm lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Sau khi mô hình "Bếp - Nhà yêu thương" được triển khai, thấy được ý nghĩa và tính nhân văn sâu sắc của mô hình, các công ty, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã cam kết hỗ trợ lâu dài, phối hợp cùng Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện chăm lo cho các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn.

Ông Huỳnh Văn Phạm Hồng cho biết, thời gian tới, các đơn vị sẽ tùy thuộc vào tình hình thực tế của địa phương, cùng phối hợp nâng cao chất lượng hiệu quả mô hình, vận động chăm lo, hỗ trợ, tiếp thêm động lực cho người dân còn nhiều khó khăn trong cuộc sống sớm vượt qua, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Bài và ảnh: QUANG QUÝ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/y-nghia-thiet-thuc-tu-mo-hinh-an-sinh-xa-hoi-post850139.html