Ý nghĩa việc hoàn thành hoạch định và phân giới cắm mốc đường biên giới Việt Nam-Lào

Biên giới Việt Nam-Lào là một mẫu mực của sự hợp tác, tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau và áp dụng một cách sáng tạo các nguyên tắc của luật pháp và thực tiễn quốc tế trên cơ sở tình hữu nghị đặc biệt.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Công Phụng và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lào Phongsavath Boupha tham dự Lễ Khai trương cặp Cửa khẩu quốc tế Tây Trang - Sop Hun, tại tỉnh Điện Biên, tháng 5/2007.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Công Phụng và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lào Phongsavath Boupha tham dự Lễ Khai trương cặp Cửa khẩu quốc tế Tây Trang - Sop Hun, tại tỉnh Điện Biên, tháng 5/2007.

Biểu hiện của mối quan hệ đặc biệt

Bốn mươi lăm năm xây dựng đường biên giới (1977-2021) cũng là thời gian thực hiện Hiệp ước hữu nghị và hợp tác năm 1977, Việt Nam và Lào luôn khẳng định quyết tâm xây dựng đường biên giới thành biên giới hữu nghị anh em lâu dài giữa hai nước.

Hai bên đã lần lượt giải quyết các vấn đề hoạch định biên giới, phân giới cắm mốc, xây dựng bản đồ biên giới, giải quyết các khu vực tồn đọng, tăng dày và tôn tạo mốc giới, vấn đề di cư tự do và người kết hôn không giá thú trong vùng biên giới, xây dựng và phát triển hệ thống cửa khẩu quốc tế, quốc gia, cửa mở, các chợ thương mại biên giới và các vấn đề khác trong quản lý biên giới.

Việc hoàn thành thắng lợi công tác hoạch định và phân giới cắm mốc, quản lý biên giới hai nước thể hiện rõ quyết tâm của hai Đảng, hai Nhà nước, nhân dân Việt Nam-Lào vì một đường biên giới chung hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển thịnh vượng.

Các hiệp uớc và văn kiện pháp lý biên giới Việt Nam-Lào được ký kết theo đúng các nguyên tắc của pháp luật quốc tế và thực tiễn quốc tế, trên cơ sở bình đẳng chủ quyền, tôn trọng độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, cũng như lợi ích chính đáng của mỗi bên và đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai nước muốn có một đường biên giới hữu nghị lâu dài.

Hoàn thành biên giới Việt Nam-Lào là một biểu hiện của mối quan hệ đặc biệt, góp phần tích cực vào việc củng cố và tăng cường tình đoàn kết chiến đấu, sự hợp tác toàn diện giữa hai nước.

Xây dựng đường biên giới trường tồn

Đường biên giới Việt Nam-Lào với chất lượng cao, cột mốc chính quy hiện đại, được mô tả và thể hiện chi tiết trong Nghị định thư và bộ bản đồ hiện đại đính kèm đã góp phần giải quyết triệt để các vấn đề biên giới lãnh thổ giữa hai nước, xây dựng đường biên giới trường tồn vĩnh cửu, tạo cơ sở pháp lý cơ bản để quản lý biên giới hiệu quả, bao gồm việc đi lại của nhân dân, quy định các cửa khẩu qua lại... nhằm bảo đảm chủ quyền của mỗi nước, tạo điều kiện thuận lợi cho việc làm ăn, sinh sống của nhân dân hai bên và việc hợp tác mọi mặt giữa hai nước, phát triển kinh tế, tăng cường giao lưu hữu nghị.

Công dân Việt Nam tại Lào nhập cảnh tại Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo tháng 3/2020. Ảnh: VGP/Minh Trang

Công dân Việt Nam tại Lào nhập cảnh tại Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo tháng 3/2020. Ảnh: VGP/Minh Trang

Hoàn thành biên giới Việt Nam-Lào là hình mẫu và kinh nghiệm cho hai nước giải quyết các vấn đề biên giới của mình với các nước láng giềng.

Các nguyên tắc hoạch định và kinh nghiệm phân giới cắm mốc trong Hiệp ước 1977 và các văn bản pháp lý biên giới Việt Nam-Lào cũng được thể hiện trong Hiệp ước về nguyên tắc giải quyết vấn đề biên giới Việt Nam-Campuchia ngày 20/7/1983, Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia Việt Nam-Campuchia ngày 27/12/1985 và Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia Việt Nam-Campuchia năm 1985 ký ngày 10/10/2005 và Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHND Campuchia ký ngày 5/10/2019 cũng như trong đàm phán biên giới Lào-Campuchia.

Việc giải quyết hoàn chỉnh đường biên giới Việt-Lào góp phần tạo môi trường ổn định và phát triển cho khu vực biên giới, tạo điều kiện thực hiện Chương trình tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam, chương trình Một cửa trong hài hòa các quy định hải quan, các chương trình hợp tác phát triển tiểu vùng và ASEAN. Thành quả này còn góp phần bảo vệ hòa bình ổn định và phát triển trong khu vực.

Đường biên giới Việt Nam-Lào với những thắng cảnh thiên nhiên và các di tích lịch sử là những điểm đến du lịch lý tưởng và món quà vô giá cho các thế hệ tương lai tiếp tục vun đắp tình hữu nghị và đoàn kết đặc biệt giữa hai dân tộc.

Ý tưởng về “Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam” (CLV) được hình thành tại cuộc gặp giữa Thủ tướng 3 nước Campuchia, Lào, Việt Nam vào tháng 12/1999 tại Vientiane và tháng 1/2002 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Khu vực Tam giác phát triển CLV nằm trên địa bàn 13 tỉnh. Việt Nam có 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đăk Nông, Bình Phước; Lào có 4 tỉnh: Sekong, Attapeu, Saravan, Champasak; Campuchia có 4 tỉnh: Stung Treng, Rattanakkiri, Mondulkiri, Kratie.

Tam giác phát triển CLV có diện tích tự nhiên 143,9 nghìn km2, với nhiều dân tộc sinh sống. Trong đó, các tỉnh của Campuchia có 31 dân tộc; các tỉnh của Việt Nam có 40 dân tộc; các tỉnh của Lào có 15 dân tộc.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/y-nghia-viec-hoan-thanh-hoach-dinh-va-phan-gioi-cam-moc-duong-bien-gioi-viet-nam-lao-162187.html