Ý nghĩa xác lập đường biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc

Việc hoàn thành toàn bộ công tác hoạch định, phân giới cắm mốc trên biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc là sự kiện có ý nghĩa lịch sử trọng đại trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc.

Lễ ký biên bản đàm phán vòng I cấp Chủ tịch Ủy ban Liên hợp phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam-Trung Quốc, tháng 12/2001.

Lễ ký biên bản đàm phán vòng I cấp Chủ tịch Ủy ban Liên hợp phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam-Trung Quốc, tháng 12/2001.

Lần đầu tiên trong lịch sử, hai nước xác định được một đường biên giới rõ ràng trên đất liền với một hệ thống mốc giới hiện đại, đặt nền tảng vững chắc cho việc xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định lâu dài, hợp tác và phát triển giữa hai nước, mở ra một trang mới trong lịch sử quan hệ Việt Nam - Trung Quốc.

Đàm phán là sự kế thừa các thành quả đã đạt được và các công việc dang dở của Công ước Pháp – Thanh 1887 và 1895. Đàm phán kéo dài 36 năm (từ 1974-2010).

Tạo cơ sở qủan lý biên giới hiệu quả

Lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam đàm phán quyết định toàn bộ đường biên giới quốc gia của mình với một nước khác với tư cách một quốc gia độc lập, có chủ quyền.

Cùng với việc ký Hiệp định phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định Hợp tác nghề cá trong Vịnh Bắc Bộ ngày 25/12/2000, hai trong ba vấn đề lớn do lịch sử để lại trong quan hệ Việt Nam -Trung Quốc đã được giải quyết dứt điểm.

Đường biên giới đất liền Việt Nam-Trung Quốc có tổng số chiều dài 1449,566 km, trong đó đường biên giới trên đất liền là 1065,652 km, đường biên giới nước là 383,914 km.

Điều này chứng tỏ Việt Nam - Trung Quốc hoàn toàn có đủ khả năng để giải quyết mọi bất đồng bằng biện pháp hòa bình; thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị và toàn diện giữa hai nước.

Việc hoàn thành hoạch định và phân giới cắm mốc, xác định rõ ràng một đường biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc tạo cơ sở để các ngành chức năng tiến hành quản lý biên giới một cách hiệu quả, nhân dân sống ở khu vực biên giới giữa hai nước sẽ dễ dàng nhận biết được đường biên giới, cùng nhau bảo vệ đường biên mốc giới, ngăn ngừa hiện tượng xâm canh, xâm cư do thiếu hiểu biết về đường biên giới; mở ra cơ hội mới cho công cuộc phát triển của mỗi nước, đặc biệt là tạo điều kiện cho các địa phương biên giới hai bên mở rộng hợp tác, phát triển kinh tế, tăng cường giao lưu hữu nghị.

Động lực mới thúc đẩy quan hệ

Việc hoàn thành hoạch định và phân giới cắm mốc, đưa Hiệp ước về biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc vào cuộc sống theo đúng Thỏa thuận giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước là biểu hiện sinh động của mối quan hệ "đối tác, hợp tác chiến lược toàn diện", góp phần gia tăng sự tin cậy, tạo động lực mới thúc đẩy quan hệ hai bên phát triển mạnh mẽ hơn, vững chắc hơn.

Khánh thành cột mốc 1116 tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Lạng Sơn, ngày 23/2/2009.

Khánh thành cột mốc 1116 tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Lạng Sơn, ngày 23/2/2009.

Việc hoàn thành giải quyết đường biên giới đất liền thể hiện rõ quyết tâm của hai Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam và Trung Quốc trong việc giải quyết bằng thương lượng hòa bình tất cả các vấn đề biên giới lãnh thổ còn tồn đọng trong quan hệ hai nước.

Kết quả này là nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Nhà nước, nhờ ý chí phấn đấu và sự nỗ lực to lớn, quyết tâm vượt mọi khó khăn gian khổ, đoàn kết quân dân, từ Trung ương đến địa phương, nhờ sự phối hợp hiệu quả của các Bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp, lực lượng biên phòng, phân giới cắm mốc và sự ủng hộ tích cực của đồng bào các dân tộc tại các khu vực biên giới Việt Nam - Trung Quốc.

Trên bình diện quốc tế và khu vực, việc xác lập biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc là sự đóng góp thiết thực đối với hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực, góp phần khẳng định các nguyên tắc chung của luật pháp quốc tế: giải quyết các vấn đề biên giới lãnh thổ bằng thương lượng hòa bình; không sử dụng vũ lực, hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong giải quyết tranh chấp quốc tế.

Đường biên giới đất liền Việt Nam-Trung Quốc được xác định bởi Hiệp ước hoạch định biên giới trên đất liền giữa Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” ngày 30/12/1999 và Nghị định thư về công tác phân giới cắm mốc ngày 18/11/2009.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/y-nghia-xac-lap-duong-bien-gioi-tren-dat-lien-giua-viet-nam-va-trung-quoc-161214.html