Y sĩ Công ở xã đảo Nam Du
Sinh năm 1982 tại xã Đà Sơn (Đô Lương, Nghệ An), nhưng ngay từ lúc còn bé, Thiếu tá QNCN Nguyễn Quốc Công, y sĩ Đồn Biên phòng Nam Du, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Kiên Giang đã cùng với cha mẹ vào lập nghiệp tại xã Thổ Sơn (Hòn Đất, Kiên Giang). Kể từ khi nhập ngũ (tháng 3-2002) đến nay, Nguyễn Quốc Công luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, gắn bó với địa bàn, hết lòng chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân xã đảo phía Tây Nam Tổ quốc.
Y sĩ hết lòng vì dân
Dù đã qua 11 năm, nhưng mỗi khi nhớ lại, ông Nguyễn Văn Em, ngụ tại ấp Củ Tron, xã An Sơn (Kiên Hải, Kiên Giang) vẫn không thể quên giây phút thập tử nhất sinh ngày đó. Năm 2014, trong lúc đi đánh bắt hải sản cách khu vực đảo Nam Du hơn 20 hải lý, ông Nguyễn Văn Em bị đau bụng dữ dội, người lả đi. Ngay sau khi nhận được thông tin yêu cầu hỗ trợ, Đồn Biên phòng Nam Du đã cử y sĩ Nguyễn Quốc Công cùng phương tiện nhanh chóng tiếp cận, tiến hành sơ cứu cho ông.
“Lúc đầu nghĩ là đau bụng do lạnh hoặc khó tiêu nên tôi bôi dầu quanh vùng rốn nhưng không đỡ. Cơn đau mỗi lúc một tăng lên, mồ hôi vã ra toàn thân nên tôi điện thoại cầu cứu Đồn Biên phòng Nam Du. Khám và chẩn đoán tôi bị viêm ruột thừa, có khả năng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời, nên sau khi truyền dịch xong, anh Công đưa tôi xuống tàu để di chuyển vào bờ.
Trong lúc di chuyển trên tàu cao tốc, mặc dù rất đau và mệt, tôi vẫn nghe được mọi người đi trên tàu xì xầm lo lắng không biết tôi có qua được không... Sau khi được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang mổ cấp cứu, sức khỏe tôi dần hồi phục. Ngày ấy, nếu không nhờ ơn cứu mạng của y sĩ Công, giờ này tôi không biết sẽ như thế nào”, ông Nguyễn Văn Em chia sẻ.

Thiếu tá QNCN Nguyễn Quốc Công khám bệnh cho người dân trên đảo Nam Du.
Vào tháng 7-2023, trong lúc chờ tàu cao tốc để vào đất liền, tại khu vực nhà chờ bỗng xảy ra mưa dông kèm theo lốc lớn, gây sập mái che bến cảng khiến nhiều người bị thương.
Ông Trần Văn Hoàng ngụ tại ấp Củ Tron, xã An Sơn nhớ lại: “Tôi bị thương ở vùng đầu và tay, chân. Trước khi chuyển những người bị thương nặng vào đất liền cấp cứu, chúng tôi đã được y sĩ Công và các nhân viên y tế trên đảo sơ cứu, băng bó vết thương. Mặc dù khi ấy trời đang mưa rất to, gió giật mạnh liên hồi, nhưng trong cơn đau tôi vẫn chứng kiến sự tận tâm của người lính quân y hết lòng cứu chữa cho người bị nạn”... Đó chỉ là hai trong rất nhiều sự việc mà Thiếu tá QNCN Nguyễn Quốc Công đã nêu cao tinh thần của người thầy thuốc mặc áo lính, giúp đỡ người dân không may bị nạn tại xã đảo trong những năm qua.

Thiếu tá QNCN Nguyễn Quốc Công khám bệnh cho người dân trên đảo Nam Du.
Đồn Biên phòng Nam Du đứng chân trên địa bàn xã An Sơn và Nam Du, cách đất liền 65 hải lý. Xa đất liền nên đời sống người dân trên đảo còn nhiều khó khăn, nhất là điều kiện chăm sóc sức khỏe còn rất thiếu thốn. Từ lúc y sĩ Công về nhận công tác trên đảo, hình ảnh người thầy thuốc biên phòng đã trở nên quen thuộc, là điểm tựa của người dân mỗi khi đau ốm, bệnh tật. Thiếu tá QNCN Nguyễn Quốc Công tâm sự: “Hằng ngày, cùng với nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cán bộ, chiến sĩ đơn vị, công việc chiếm nhiều thời gian nhất của tôi là tiếp nhận các cuộc gọi của bà con trên đảo nhờ tư vấn, chăm sóc sức khỏe. Bất kể đêm tối, mưa gió hay dù ở bất cứ đâu, hễ nghe có ca bệnh là tôi lập tức lên đường, kịp thời có mặt để giúp đỡ bà con”.
Vì điều kiện đảo còn khó khăn nên nhiều ca bệnh nặng phải đưa vào đất liền để điều trị, nhưng nhờ xử lý ban đầu kịp thời của Thiếu tá QNCN Nguyễn Quốc Công mà nhiều bệnh nhân đã thoát khỏi cơn nguy kịch. “Một ngày cuối năm 2024, khi cả nhà đang chuẩn bị bữa cơm chiều thì chồng tôi bỗng dưng bị chóng mặt, đứng không vững, có dấu hiệu co giật. Ngay lập tức, tôi lấy điện thoại gọi cho y sĩ Công và chỉ ít phút sau khi có mặt, bằng các nghiệp vụ, y sĩ Công đã cứu chồng tôi qua khỏi cơn nguy kịch. Ổn định vài ngày, anh Công còn tận tình cùng gia đình đưa chồng tôi vào đất liền để điều trị tai biến mạch máu não. Có y sĩ Công trên đảo, chúng tôi vững tâm lắm”, bà Nguyễn Thị Chừng, ấp Củ Tron, xã An Sơn bộc bạch.
Để xã đảo ngày càng giàu mạnh, văn minh
Là đảo xa bờ, việc xử lý vệ sinh môi trường rất khó khăn, do vậy dịch sốt xuất huyết đã từng gây ám ảnh đối với bà con trên đảo Nam Du. Mỗi khi trên đảo có dịch bệnh, nhiều người dân rất lúng túng trong việc đối phó, thậm chí có gia đình còn phải đưa trẻ em đi sơ tán ở những nơi khác... Trăn trở với điều này, Thiếu tá QNCN Nguyễn Quốc Công đã tham gia phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, phát tờ rơi, nhắc nhở bà con giữ gìn nếp sống vệ sinh; tham gia phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, thu gom các vật dụng phế thải để phòng bệnh... nhờ vậy thời gian qua dịch bệnh đã giảm đáng kể.
Đồng chí Trần Thị Yến Oanh, Phó chủ tịch UBND xã An Sơn cho biết: “Những năm qua, sự phối hợp giữa Đồn Biên phòng Nam Du với chính quyền địa phương luôn nhịp nhàng, hiệu quả, nhất là trong công tác dân vận. Riêng Thiếu tá QNCN Nguyễn Quốc Công không chỉ là người thầy thuốc tận tụy, sẵn lòng giúp đỡ nhân dân, anh còn rất tích cực trong việc tuyên truyền, vận động bà con thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh để xã đảo luôn xanh, sạch, đẹp, phát triển du lịch. Đặc biệt, trong thời gian xảy ra dịch Covid-19, không quản khó khăn, nguy hiểm, anh Công luôn xông pha trên tuyến đầu chống dịch, giúp dân; tổ chức tuyên truyền, đo thân nhiệt, test nhanh, khai báo y tế cho nhân dân địa bàn và khách ra vào đảo. Năm 2024, xã An Sơn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, hiện đang nỗ lực về đích xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu; trong sự thành công đó có đóng góp không nhỏ của những người lính biên phòng nói chung, Thiếu tá QNCN Nguyễn Quốc Công nói riêng”.

Thiếu tá QNCN Nguyễn Quốc Công khám bệnh cho chiến sĩ Đồn Biên phòng Nam Du.
Không chỉ giúp đỡ bà con mỗi khi đau ốm, một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng của Thiếu tá QNCN Nguyễn Quốc Công là tuyên truyền, giáo dục để người dân nắm chắc luật pháp, tự tin vươn khơi, bám biển; tích cực tham gia đồng hành, gắn bó cùng BĐBP giữ vững chủ quyền biển, đảo. “Tôi thường xuyên tham gia cùng các đội, trạm biên phòng để tuyên truyền, phổ biến cho các chủ tàu và ngư dân làm tốt công tác giám sát hành trình các tàu cá hoạt động trên vùng biển, không vi phạm vùng biển nước ngoài, không tham gia, tiếp tay, bao che cho buôn lậu hoặc che giấu tội phạm... Từ đầu năm 2025 đến nay, tôi cùng đơn vị tổ chức được 4 buổi tuyên truyền cho hàng trăm chủ tàu, tài công, ngư phủ; ngoài ra còn tham gia tổ chức họp nhân dân định kỳ tại các xóm dân cư, trên tàu cá của ngư dân và tại hộ gia đình ở địa phương”, Thiếu tá QNCN Nguyễn Quốc Công cho biết thêm.
Theo chia sẻ của Trung tá Vũ Minh Tuân, Chính trị viên Đồn Biên phòng Nam Du, gia đình đồng chí Công có hai con còn nhỏ, vợ buôn bán cửa hàng tạp hóa nhỏ. Mặc dù nhà gần đơn vị nhưng đồng chí Công luôn xem “đồn là nhà”, phần lớn thời gian túc trực cùng cán bộ, chiến sĩ tại đơn vị. “Với tinh thần trách nhiệm, không ngại khó, ngại khổ, đồng chí Công luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Những đóng góp của Thiếu tá QNCN Nguyễn Quốc Công đã góp phần nâng cao nhận thức cho người dân. Bà con xã đảo ngày càng tin yêu, quý mến BĐBP; tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, chung tay xây dựng phát triển xã đảo ngày càng giàu mạnh, văn minh”, Trung tá Vũ Minh Tuân cho biết.
Kể về chồng mình, chị Phạm Thị Ngoan không giấu được niềm tự hào: “Nhiều lúc đang ăn cơm hoặc đêm hôm, hễ cứ nghe điện thoại ở đâu có người bị đau ốm, lập tức anh Công đến liền. Là người vợ, tôi rất tự hào về chồng mình. Vừa làm tròn nhiệm vụ của một quân nhân, chồng tôi cũng là một thầy thuốc được bà con lối xóm trên xã đảo rất quý mến và tin tưởng”.
Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi bị ngắt giữa chừng bởi điện thoại của Thiếu tá QNCN Nguyễn Quốc Công reo lên. Nghe điện thoại xong, anh nói ở ấp dưới có người bị bệnh. Vội vàng chào tôi, anh lập tức xách theo bộ đồ nghề cùng chiếc xe máy lên đường. Với người lính quân y biên phòng như Thiếu tá QNCN Nguyễn Quốc Công, giờ đây bà con trên đảo thực sự là người thân yêu, ruột thịt... Tình cảm quân dân gắn kết chính là tấm phên giậu vững chắc, chung tay, góp sức để xã đảo ngày càng phát triển, cũng như bảo vệ sự bình yên trên vùng biển Tây Nam của Tổ quốc.