Y sĩ quân hàm xanh của người dân vùng biên

Hơn 30 tuổi quân, tròn 25 năm thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho đồng đội và Nhân dân thì đã có đến gần 20 năm, Thiếu tá Nguyễn Đình Vinh (sinh năm 1971), hiện đang là y sĩ công tác tại Trạm Quân dân y kết hợp Pa Lọ Ô, xã Thanh, huyện Hướng Hóa, gắn bó với những bản làng vùng cao biên giới còn nhiều khó khăn. Nhờ tấm lòng tận tụy của anh, hàng nghìn bệnh nhân nghèo đã được chữa khỏi bệnh, nghĩa tình quân - dân nơi miền biên ải cũng vì thế mà ngày càng khăng khít hơn.

 Anh Nguyễn Đình Vinh thăm khám cho bệnh nhân - Ảnh: T.P

Anh Nguyễn Đình Vinh thăm khám cho bệnh nhân - Ảnh: T.P

Trên con đường gập ghềnh dẫn đến Trạm Quân dân y kết hợp Pa Lọ Ô thuộc Đồn Biên phòng Thanh, Thiếu tá Hồ Văn Quyền, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Thanh đã vui vẻ mở lời: “Tuy mới về công tác tại trạm được hơn 3 năm nhưng anh Vinh được người dân biên giới 2 nước Việt - Lào đặc biệt quý mến, tin tưởng. Gặp anh ấy rồi, các bạn sẽ hiểu được lý do vì sao”. Lời giới thiệu ấy khiến chúng tôi càng thêm tò mò về người y sĩ mang quân hàm xanh này.

“Doan Vinh” của người dân biên giới

Đó là tên gọi thân thương mà đồng bào nơi đây đặt cho anh Vinh. Tốt nghiệp Trường Trung cấp Quân y 1 (Sơn Tây) vào năm 1997, anh được phân công nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho bộ đội và người dân tại nhiều đơn vị khác nhau như Bệnh xá Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh, Tiểu đoàn huấn luyện cơ động BĐBP tỉnh hay Hải đội 2, BĐBP tỉnh. Thế nhưng với anh, quãng thời gian gắn bó với đồng bào nơi biên giới xa xôi vẫn để lại nhiều kỷ niệm khó quên, nhất là những ngày đầu mới về nhận nhiệm vụ tại xã Hướng Lập.

Ngày ấy, Hướng Lập là một vùng đặc biệt khó khăn. Dân cư nằm rải rác, đường đi lối lại cách trở, cơ sở vật chất nghèo nàn. Nhưng ngần ấy vẫn chưa là gì so với việc bất đồng ngôn ngữ, người dân lại thiếu kiến thức, mê tín dị đoan, đau ốm gì cũng mời thầy về cúng. Thế rồi để từng bước thay đổi nhận thức của mọi người, anh Vinh cùng các cán bộ, chiến sĩ của đồn phải kiên trì đi từng ngõ, gõ từng nhà tuyên truyền, vận động đồng bào nơi đây từ bỏ nhiều tập tục, hủ tục lạc hậu, nhất là suy nghĩ bị bệnh do ma rừng gây nên, phải mời thầy cúng về bắt con ma rừng.

Anh Vinh nhớ có lần, một bà cụ sống ở Tà Păng bị sốt rét nhưng không biết. Sau khi người nhà mời thầy về cúng mãi không hết liền hốt hoảng nhờ đến bộ đội biên phòng. Ngay lập tức, anh Vinh băng rừng, lội suối suốt 2 giờ đồng hồ không nghỉ từ Cù Bai đến Tà Păng để khám bệnh cho bà. Không chỉ khám, chữa bệnh cho người Việt, anh còn điều trị cho cả bệnh nhân là người Lào có hoàn cảnh khó khăn. “Lần đó, một cô gái người Lào vượt sông qua gõ cửa “cầu cứu” vì con trai cô bị gãy chân. Khi cô gái đó vừa mang túi thuốc của tôi vượt qua sông thì nước trên thượng nguồn đổ về khiến tôi không thể qua sông. Thế là tôi đành phải hướng dẫn cách xử lý vết thương cho con trai cô qua điện thoại. Sau này gặp lại, mẹ con cô ấy cứ cảm ơn tôi mãi”, anh Vinh kể.

 Trạm Quân dân y kết hợp Pa Lọ Ô được đưa vào sử dụng từ năm 2012 - Ảnh: T.P

Trạm Quân dân y kết hợp Pa Lọ Ô được đưa vào sử dụng từ năm 2012 - Ảnh: T.P

Cuộc nói chuyện đang diễn ra thì bị cắt ngang bởi tiếng gọi của cháu trai bà Hồ Thị Tà Nhờ: “Doan Vinh ơi, bà tôi bị đau cái bụng rồi”. Thế là anh Vinh nhanh tay với lấy chiếc túi có sẵn ống nghe, bông băng, thuốc, vội vàng theo chân người thanh niên đó đến kiểm tra sức khỏe cho bà. Bà Nhờ năm nay đã hơn 70 tuổi, là một trong những bệnh nhân thường xuyên của anh Vinh. Sau khi kiểm tra sức khỏe cho bà, anh cho một ít thuốc và dặn bà uống đúng giờ, giữ gìn sức khỏe. “Doan Vinh rất tốt, hay đến nhà khám bệnh cho người già như chúng tôi. Chúng tôi biết ơn Doan Vinh nhiều lắm”, bà Nhờ cho hay. Trên đường trở về Trạm Quân dân y kết hợp, anh Vinh chia sẻ với chúng tôi, muốn đến Trung tâm Y tế huyện, người dân ở đây phải vượt quãng đường hơn 25 km trong khoảng 1 - 2 tiếng đồng hồ. Nên ngoài những trường hợp nặng, buộc phải chuyển lên tuyến trên, anh sẽ điều trị trực tiếp các bệnh nhẹ ngay tại trạm. “Từ ngày gắn bó với người dân vùng cao, tôi đã học thêm tiếng Bru - Vân Kiều và tiếng Lào để giao tiếp với mọi người. Trước là Cù Bai, bây giờ là Pa Lọ Ô, tôi thấy mình may mắn vì đi đâu cũng được người dân yêu mến, tin tưởng”, anh Vinh chia sẻ.

Hết lòng vì người bệnh

Trạm Quân dân y kết hợp Pa Lọ Ô được đưa vào sử dụng từ tháng 11/2012. Từ năm 2019, anh Vinh về nhận công tác tại đây. Để có thể điều trị tốt nhất cho bệnh nhân, ngoài học tiếng, anh Vinh còn không ngừng trau dồi kiến thức, kỹ năng chuyên môn. Hôm chúng tôi đến trạm, Pả Liên (55 tuổi), hiện đang sống tại thôn Pa Lọ Ô cũng đến khám vì đau lưng. Sau khi kiểm tra một lượt, anh Vinh đã cho thuốc và dặn dò uống thuốc cẩn thận bằng tiếng Bru - Vân Kiều. Pả Liên bộc bạch: “Ngày trước ốm đau toàn mời thầy cúng nhưng bệnh không khỏi mà thường nặng thêm. Từ ngày có Doan Vinh, chúng tôi yên tâm hơn”. Chia sẻ thêm về việc cấp phát thuốc, người y sĩ tận tâm này cho biết, thuốc cấp phát có một số được miễn phí, một số phải thu tiền vì thuốc đó phải mua từ miền xuôi lên. Thế nên để điều trị dứt điểm cho bệnh nhân, trong một số trường hợp anh phải dùng tiền của mình mua sẵn thuốc để dùng ngay khi cần. Được biết trước khi COVID - 19 xảy ra, trung bình mỗi tháng, anh khám cho khoảng 60 lượt bệnh nhân của cả 2 nước. Thế nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh, số lượng người bệnh đến khám mỗi tháng giảm còn 30 lượt bệnh nhân. Đối với các bệnh nhân là người Lào, khi có nhu cầu, họ cũng có thể trao đổi trực tiếp qua điện thoại để được y sĩ Vinh tư vấn điều trị bệnh.

Bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn, tranh thủ thời gian rảnh rỗi, anh Vinh trồng thêm vườn cây thuốc nam và tăng gia sản xuất, cải thiện bữa ăn. Lâu lâu từ miền xuôi lên, anh còn mang theo ít thức quà để tặng người dân địa phương. Ngoài khám, chữa bệnh, anh Vinh và đồng đội giúp dân làm rẫy, trồng cây, dựng nhà... Với anh Vinh, Pa Lọ Ô như là quê hương thứ 2 của mình, người dân nơi đây cũng xem anh như người thân trong gia đình. Tình nghĩa quân - dân nơi rẻo cao biên giới vì thế mà càng bền chặt, khăng khít. Nhận xét về y sĩ, Thiếu tá Nguyễn Đình Vinh, Thiếu tá Hồ Văn Quyền cho hay: “Hơn 3 năm qua, dù làm việc trong điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, địa bàn đóng quân hiểm trở nhưng đồng chí Vinh luôn hoàn thành sắc xuất nhiệm vụ được giao, không nề hà khó khăn, thường xuyên bám bản và lặn lội đến vùng sâu, vùng xa khám bệnh, được người dân 2 bên biên giới tin tưởng, quý mến”.

Trúc Phương

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=165396&title=y-si-quan-ham-xanh-cua-nguoi-dan-vung-bien