Ý, Singapore đồng loạt thay đổi quy định nhập cảnh vì biến thể 'siêu đột biến'
Ngay sau khi xuất hiện thông tin về biến thể mới đáng lo ngại, nhiều nước châu Á và châu Âu đã gấp rút thắt chặt các biện pháp kiểm soát biên giới, thay đổi quy định xét nghiệm và cách ly.
Ảnh minh họa: BBC
Anh đã tạm thời cấm các chuyến bay từ Nam Phi, Namibia, Botswana, Zimbabwe, Lesotho và Eswatini, đồng thời yêu cầu du khách Anh trở về từ các quốc gia này phải cách ly.
Singapore tuyên bố tất cả các du khách từng đến 7 quốc gia châu Phi (bổ sung Mozambique so với danh sách của Anh) sẽ không được phép nhập cảnh hoặc quá cảnh ở nước này. Công dân Singapore trở về từ các quốc gia này buộc phải cách ly 10 ngày.
Ý áp đặt lệnh cấm nhập cảnh đối với những người từng tới các quốc gia khu vực Nam Phi trong vòng 14 ngày qua. Đảo Đài Loan (Trung Quốc) cho biết các du khách đến từ những quốc gia Nam Phi có “nguy cơ cao” sẽ phải cách ly tập trung 14 ngày.
Tại Nhật Bản, hãng thông tấn Jiji đưa tin Tokyo sẽ thắt chặt kiểm soát biên giới đối với du khách từ Nam Phi và năm quốc gia châu Phi khác. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Nhật Bản chưa bình luận về thông tin này.
Tại Ấn Độ, cơ quan y tế khuyến cáo chính quyền các bang nên kiểm soát và sàng lọc nghiêm ngặt du khách quốc tế đến từ Nam Phi cùng nhiều quốc gia có nguy cơ khác. “Biến thể B.1.1.529 có số lượng đột biến cao đáng kể và có thể tác động nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng trong bối cảnh chúng ta bắt đầu mở cửa du lịch quốc tế”, Bộ trưởng Y tế Ấn Độ Rajesh Bhushan nói.
Theo hãng tin Reuters, thị trường chứng khoán châu Á đã ghi nhận mức sụt giảm mạnh nhất trong ba tháng qua, và giá dầu cũng giảm mạnh vì các nhà đầu tư lo ngại về những tác động tiềm tàng của biến thể mới đối với thị trường. Chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương không tính thị trường Nhật Bản sụt 2%, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 8. Chỉ số Nikkei của Nhật Bản lao dốc gần 3%. Trong khi giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ giảm khoảng 3%.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp về biến thể mới B.1.1.529 sau khi có thông tin cho rằng biến thể này chứa nhiều đột biến nguy hiểm.
Trả lời hỏi đáp ngày 25/11, bà Maria Van Kerkhove - trưởng nhóm chuyên gia về COVID-19 của WHO nói: “Chúng tôi chưa biết cụ thể về biến thể này. Những gì chúng tôi biết là biến thể này có rất nhiều đột biến. Khi ấy, nó có thể tác động đến cách thức hoạt động của virus.”
Trong cuộc họp sắp tới, nhóm chuyên gia WHO sẽ thảo luận về quá trình đột biến của virus để quyết định xem B.1.1.529 có thể được xếp vào nhóm Biến thể cần quan tâm (VOI) hay Biến thể đáng quan ngại (VOC). Sau đó, WHO sẽ gán cho biến thể này một cái tên khác theo bảng chữ cái Hy Lạp, giống các biến thể Alpha, Delta.
Biến thể B.1.1.529 được phát hiện lần đầu ở Nam Phi, và có thể đã hình thành trong quá trình virus SARS-CoV-2 tấn công một người bị suy giảm miễn dịch (ví dụ: bị HIV/Aids nhưng không được điều trị). Ngoài Nam Phi, biến thể B.1.1.529 còn xuất hiện ở Botswana và Hồng Kông (Trung Quốc).
Các nhà khoa học xác định biến thể này có 32 đột biến ở protein gai, gấp đôi số đột biến ở biến thể Delta. Nhiều đột biến trong số đó có liên quan đến việc tăng khả năng kháng kháng thể, có thể làm giảm hiệu quả của vắc-xin. Trong khi một số đột biến khác có thể làm cho virus dễ lây lan hơn.