Y tế Đắk Nông: Luôn chú trọng chăm lo và nâng cao sức khỏe cho nhân dân
Trong những năm qua, với những nỗ lực không ngừng nghỉ, ngành y tế Đắk Nông trên đà phát triển vượt bậc. Tính riêng năm 2019, ngành Y tế Đắk Nông đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Trong những năm gần đây, công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân trên địa bàn luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo kịp thời. Các cơ sở khám, chữa bệnh từng bước được đầu tư nâng cấp và xây dựng mới. Từ chỗ, năm 2016 mới chỉ có là 845 giường bệnh thì đến nay tăng lên 1.220 giường và tỷ lệ giường thực kê (1.514 giường, tăng 24%). Vì thế, tổng số lượt bệnh nhân đến khám năm 2019 là trên 800 nghìn tăng 18,3% so với năm 2018, trong đó BHYT là 727.492 lượt, tăng 26,4% so với cùng kỳ năm trước; công suất sử dụng giường bệnh năm 2019 là 87,6%. Hệ thống khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền tiếp tục phát triển ở tất cả các tuyến từ đến xã.
Đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế tăng cả về số lượng và chất lượng chuyên môn. Các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện nghiêm túc các quy định, quy chế chuyên môn theo quy định của Bộ Y tế, nhất là việc thực hiện thường trực 24/24h, quy chế chẩn đoán, làm hồ sơ bệnh án, kê đơn điều trị, công tác quản lý sử dụng thuốc đúng quy chế và đảm bảo an toàn, hợp lý.
Đến nay, hệ thống trang thiết bị y tế được đầu tư bổ sung đảm bảo tốt cho việc phục vụ người bệnh. Một số cơ sở đã thực hiện xã hội hóa để đầu tư các trang thiết bị hiện đại như máy phẫu thuật nội soi khớp, máy lọc máu liên tục, máy tán sỏi Laser, máy chạy thận nhân tạo, hệ thống phẫu thuật mắt Phaco, hệ thống X-Quang kỹ thuật số, hệ thống CT Scanner 64 lát cắt, máy xét nghiệm đông máu tự động, máy cấy máu tự động, máy đo loãng xương toàn than bằng tia X, siêu âm màu tim mạch… Đặc biệt, tại BVĐK tỉnh, TTYT huyện Đắk R’Lấp, TTYT huyện Đắk Song đã triển khai các dịch vụ kỹ thuật chuyên sâu như kỹ thuật điều trị thông mạch vành bằng thuốc tiêu sợi huyết, phẫu thuật thay khớp, phẫu thuật vi phẫu, phẫu thuật nội soi, chạy thận nhân tạo, kỹ thuật kết hợp xương hiện đại, kỹ thuật thay khớp,…đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân.
Đến cuối năm 2019, các cơ sở y tế từ tuyến tỉnh đến tuyến xã cơ bản đã đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp, sửa chữa (100% cơ sở y tế tuyến tỉnh, Trung tâm Y tế huyện/thị và trên 95% Trạm Y tế xã được xây mới). Việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nêu trên đã góp phần xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng y tế, góp phần thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch hàng năm đề ra, đặc biệt là việc xây dựng xã đạt chuẩn quốc gia về y tế xã đến nay đạt gần 70% và đến năm 2020 đạt khoảng 75%. Trong giai đoạn tới, thông qua các nguồn vốn viện trợ nước ngoài, tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng tuyến xã đạt chuẩn xây dựng mới của Bộ Y tế nhằm tăng cường hơn nữa việc thực hiện mô hình y học gia đình, giúp người dân được tiếp cận nhanh hơn, gần hơn với các dịch vụ y tế tiên tiến.
Công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh được chú trọng; triển khai đồng bộ, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh theo Quyết định số 2151/QĐ-BYT ngày 04 /6 /2015 của Bộ Y tế. Chú trọng thực hiện đánh giá chất lượng bệnh viện theo 83 tiêu chí (Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện Việt Nam), kết quả đạt mức từ mức trung bình khá (từ 2.4 đến 3.2) trở lên các chỉ số có cải thiện so với năm 2018, tỷ lệ hài lòng tăng từ 80% lên 89%. Tiếp nhận và xử lý kịp thời ý kiến phản ánh của người dân, về chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thông qua đường dây nóng mang lại hiệu quả tích cực góp phần tăng sự hài lòng của người bệnh và người dân nói chung.
Thông qua các chương trình, dự án vốn nước ngoài, vốn ngân sách địa phương và việc thực hiện các chương trình, đề án hợp tác y tế, như: Phát triển BVĐK tỉnh thành Bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Chợ Rẫy và của Bệnh viện nhân dân 115, Đề án thành lập Khoa Lão – Tim mạch của BVĐK tỉnh do Bệnh viện Lão Khoa Trung ương hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật; Chương trình hợp tác y tế giữa Sở Y tế Tp.HCM và Đắk Nông, trong đó có 04 Bệnh viện hàng đầu của Tp.HCM hỗ trợ kỹ thuật là: Từ Dũ, Nhi Đồng, Bình Dân và Chấn thương chỉnh hình.
Trong thời gian qua, ngành Y tế tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ đối với hệ Đại học là 224 người; Thạc sĩ và Chuyên khoa I: 68 người; chuyên khoa 2: 01 bác sĩ… Trên 70% viên chức lãnh đạo, quản lý tại các cơ sở khám, chữa bệnh được tham gia đào tạo chương trình quản lý bệnh viện, trên 90% viên chức làm việc tại các đơn vị thuộc hệ khám bệnh, chữa bệnh hàng năm được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về giao tiếp ứng xử.
Ngoài ra được sự hỗ của dự án HPET, ngành y tế đã đào tạo gần 600 viên chức y tế đang làm việc tại tuyến cơ sở về việc chăm sóc sức khỏe ban đầu theo nguyên lý y học gia đình, trong đó 15 bác sĩ chuyên khoa I Y học gia đình; đào tạo định hướng chăm sóc sức khỏe ban đầu theo nguyên lý Y học gia đình cho 73 bác sĩ, 89 y sĩ, 146 điều dưỡng, 113 hộ sinh, 76 dược; đào tạo quản lý y tế cho 50 Trưởng, phó Trạm Y tế xã, phường, thị trấn; đào tạo siêu âm cho 22 bác sĩ tuyến xã, phường.
Cùng với đó, để đảm bảo nguồn nhân lực, đặc biệt nhân lực có trình độ sau đại học. Ngành Y tế đã tham mưu trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết 09/2014/NQ-HĐND và Ủy ban nhan dân tỉnh ban hành Quyết định số 04/2015/QĐ-UBND ngày 28/01/2015. Đến nay đã thu hút và được hưởng chính sách thu hút là 23 trường hợp, đang trình cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt cho 19 trường hợp được hưởng thu hút năm 2019.
Đến nay, số bác sỹ trên một vạn dân tăng 17,2% tương đương tăng 1,1 bác sĩ trên vạn dân (năm 2019 là 7,7 bác sĩ/10000 dân; năm 2016 là 6,57/10000 dân). Dự kiến đến năm 2020 đạt 8 bác sỹ trên 10000 dân; tỷ lệ trạm y tế xã, phường có bác sỹ làm việc đạt 100% tăng lên 12,7% so với năm 2016. Duy trì tỷ lệ trạm y tế xã, phường có hộ sinh hoặc y sỹ sản nhi làm việc (98,75%). Tỷ lệ nhân viên y tế thôn, bản của xã, phường, thị trấn được đào tạo theo quy định đạt 93,5% và dự kiến đến năm 2020 đạt 100%.