Y tế dự phòng thời hội nhập

Trong những năm qua, tuy gặp rất nhiều khó khăn nhưng ngành y tế nước ta đã đạt được nhiều thành tích. Ngoài những tiến bộ trong y học chẩn đoán và điều trị thì y tế dự phòng của chúng ta đã giải quyết thành công các đợt dịch sốt rét, tả, lỵ, thương hàn, mắt hột, đậu mùa, dịch hạch…

Năm 2003, chúng ta là nước đầu tiên được Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố đã giải quyết được dịch SARS. Mới đây nhất, WHO và Trung tâm Kiểm soát - Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đều đánh giá cao công tác phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam, cho rằng Việt Nam đã phòng chống dịch với quyết tâm rất cao, với các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, công khai, minh bạch.

Qua thực tiễn công tác, y tế Việt Nam đã rút ra những bài học kinh nghiệm cả về tổ chức lẫn chuyên môn trong dự phòng. Bài học lớn nhất là công tác tuyên truyền kết hợp với các phong trào vận động quần chúng làm cho mọi người dân hiểu phòng bệnh là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe. Những kinh nghiệm trong chuyên môn như phát hiện chẩn đoán sớm và chính xác, kết hợp với điều trị kịp thời là các giải pháp rất quan trọng. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu khoa học, tự túc sản xuất vaccine; việc kết hợp với y học cổ truyền trong phòng và chữa bệnh dịch như chữa sốt rét bằng artemizinin chiết từ cây thanh hao hoa vàng… là những bài học quý giá của Việt Nam.

Những bài học này vẫn còn nguyên giá trị đối với phòng chống dịch Covid-19 hiện tại. Tuy nhiên, trong một hoàn cảnh thế giới đang hội nhập, chúng ta cũng cần quan tâm thêm một số khía cạnh liên quan rất mật thiết đến y tế dự phòng.

Vấn đề thứ nhất là di cư và dịch bệnh. Trào lưu hiện nay là sự dịch chuyển dòng người làm ăn, du lịch và học tập toàn cầu. Các phương tiện giao thông phát triển làm cho con người di chuyển nhanh, nay ở đây, mai ở đó, có khi cách nhau hàng vạn cây số. Đây là yếu tố làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh từ nước này sang nước khác. Vì vậy, việc tính toán các luồng di cư hàng ngày, hàng tháng, hàng mùa và hàng năm phải trở thành một yếu tố thường xuyên trong tiên đoán dịch và phải có các cán bộ chuyên cho công việc này. Dịch SARS năm 2003, bệnh nhân đầu tiên ở ta bị mắc là một người nước ngoài di chuyển đến Hà Nội từ Hồng Công (Trung Quốc). Còn những trường hợp mắc Ebola ở Mỹ hay châu Âu bắt nguồn lây lan từ châu Phi… Tốc độ lây lan dịch bệnh có tỷ lệ nhanh cùng với tốc độ của các phương tiện vận chuyển. Để đối phó với vấn đề này, chúng ta cần chú trọng đến việc theo dõi giám sát và thực hiện cách ly đối với những người đến từ vùng dịch.

Vấn đề thứ hai là tham gia vào mạng lưới kiểm dịch quốc tế. Một số quốc gia lớn đã phát triển Trung tâm quản lý dịch mang tính toàn cầu. Ví dụ như CDC có trụ sở ở Atlanta (Mỹ), do có mạng lưới toàn cầu nên họ có thông tin dịch sớm và đầy đủ; có đội ngũ chuyên gia phân tích dịch trên phạm vi đa quốc gia và kịp thời cung cấp các kinh nghiệm cũng như tin tức cần thiết. Với tiềm lực khoa học và tài chính mạnh, họ có thể chuyển giao các kỹ thuật hiện đại để chẩn đoán và điều trị bệnh dịch. CDC đã có trụ sở hoạt động tại Việt Nam. Vì vậy, chúng ta nên có một đội ngũ cán bộ có khả năng chuyên môn và ngoại ngữ để tiếp thu kịp trình độ và kinh nghiệm của bạn.

Vấn đề thứ ba là ngoại giao và chính trị trong y tế dự phòng. Ngày nay, các dịch bệnh nguy hiểm có xu thế lây lan toàn cầu, không bó hẹp trong biên giới một quốc gia. Vì vậy, khi dịch bùng phát, các nước phải hợp tác với nhau và ngồi lại cùng bàn về chống dịch. Lúc ấy, dù chế độ chính trị khác nhau, thậm chí là kẻ thù của nhau, cũng phải bắt tay để cùng chống dịch, nếu không thì quốc gia mình và dân tộc mình cũng sẽ lâm nguy vì dịch bệnh. Vì vậy, phải chuẩn bị sẵn cả kế hoạch ngoại giao khi dịch bệnh bùng phát. Lúc này, vấn đề kỳ thị dân tộc sẽ trở thành nhạy cảm: cấm nhập cảnh hay không cấm nhập cảnh với những người từ nước có bệnh dịch đang lưu hành, không phải là vấn đề đơn giản. Cách ly họ một cách cưỡng chế tại các sân bay cũng là một việc cần cân nhắc. Nếu không cẩn thận nó lại trở nên rắc rối vì liên quan đến nhân quyền và kỳ thị chủng tộc. Vấn đề bảo hộ công dân Việt Nam tại các nước có dịch bùng phát, việc hồi hương của họ khi gặp khó khăn… đều phải được tính đến khi phòng chống dịch.

Vấn đề thứ tư là kinh tế và dự phòng dịch bệnh. Bài toán này quả là khó; một bên là sản xuất, giao thương, du lịch, lưu thông hàng hóa… và một bên là hạn chế đông người, hạn chế xuất nhập cảnh… Đôi lúc phải tìm cách tính toán phân tích chi ly, hơn nữa lại phải quả cảm, quyết đoán trong khi có tính may - rủi. Nhưng, dù là may - rủi thì cũng nên đề ra một số nguyên tắc chỉ đạo để người thực hiện yên tâm không bị quy kết trách nhiệm một cách oan uổng. Phải đặt an toàn của người dân lên trên hết. Phải có đầy đủ dữ liệu tiên đoán về diễn biến dịch; trình bày có chứng cứ thuyết phục. Phải tạo ra sự đồng thuận của đa số người dân và phải có phương án dự phòng, công khai nếu diễn biến trái với dự đoán (kể cả dự phòng tình huống xấu nhất).

Như vậy, trong tình hình diễn biến dịch bệnh ngày càng phức tạp thì những người làm y học dự phòng cần chú trọng đến yếu tố hội nhập để có những kế hoạch dự phòng dịch bệnh toàn diện và hiệu quả hơn nữa.

GS-TSKH PHẠM MẠNH HÙNG Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Nguyên Phó trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương, Nguyên Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/y-te-du-phong-thoi-hoi-nhap-648780.html