Y tế là lĩnh vực đặc biệt nên cơ chế, chính sách phải đặc biệt

Những vấn đề của ngành Y tế rất cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị, y tế là lĩnh vực đặc biệt nên cơ chế, chính sách phải đặc biệt. Các bộ, ngành phải vào cuộc cùng Bộ Y tế khắc phục khó khăn, vướng mắc...

Đây là nhấn mạnh của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Y tế, một số bệnh viện lớn và sở y tế các địa phương về tháo gỡ khó khăn trong công tác quản lý, đấu thầu thuốc, mua sắm trang thiết bị y tế ngày 9/2, tại Hà Nội.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Văn Nam.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Văn Nam.

Mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế còn nhiều vướng mắc

Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, về vấn đề mua sắm thuốc, Bộ Y tế chịu trách nhiệm đảm bảo nguồn cung ứng đủ thuốc (nhập khẩu và sản xuất trong nước) thông qua việc cấp, gia hạn, thay đổi, bổ sung và thu hồi giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc.

Việc tổ chức đấu thầu thuốc đã được thực hiện ở 3 cấp. Tại cấp trung ương, Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia (Bộ Y tế) tổ chức đấu thầu và đàm phán giá (50 danh mục đấu thầu tập trung quốc gia, 27 danh mục thuốc điều trị HIV/AIDS, 701 thuốc thuộc danh mục đàm phán giá); năm 2021 - 2022, đã thực hiện mua sắm danh mục 50 thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia và 69 thuốc biệt dược gốc áp dụng hình thức đàm phán giá. Tại địa phương, việc đấu thầu tập trung do đơn vị mua thuốc tập trung cấp địa phương thực hiện (129 danh mục). Các cơ sở y tế tự thực hiện mua sắm các thuốc còn lại.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị, ngành Y tế xốc lại với quyết tâm mới, một tinh thần làm việc, cống hiến tận tụy, lấy lại động lực như thời điểm trước khi xảy ra đại dịch, xứng đáng là "lương y như từ mẫu", làm rõ nguyên nhân tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực, thuốc, trang thiết bị vật tư, y tế, giải ngân vốn đầu tư công… từ đó xác định những vấn đề cần giải quyết cấp bách hoặc xử lý một cách căn cơ, bài bản.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, việc cấp phép đăng ký, cấp phép nhập khẩu, kinh doanh dược gặp khó khăn do trình tự, thủ tục gia hạn đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc được quy định "cứng" trong Luật Dược. Trong khi đó, quy định về quản lý dược của nhiều nước đã có nhiều sự thay đổi (đặc biệt trong giai đoạn dịch Covid-19).

Bên cạnh đó, số lượng hồ sơ yêu cầu gia hạn ngày càng tăng; nhân lực quản lý và thực hiện việc gia hạn đăng ký lưu hành tại Bộ Y tế còn thiếu; chất lượng hồ sơ do doanh nghiệp nộp chưa cao; mức phí chi trả cho chuyên gia thẩm định thấp, trong khi yêu cầu phải có chuyên môn cao, trách nhiệm lớn, rủi ro pháp lý nên chưa khuyến khích chuyên gia tham gia…

Đối với công tác mua sắm trang thiết bị y tế, Bộ Y tế đã triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 đối với tất cả các thủ tục hành chính về trang thiết bị y tế. Đến nay đã tiếp nhận, xử lý và công bố, cấp phép, cấp số lưu hành: 30.284 hồ sơ công bố đối với trang thiết bị y tế loại A; 12.854 hồ sơ công bố đối với trang thiết bị y tế loại B; 1.247 hồ sơ đăng ký lưu hành đối với trang thiết bị y tế loại C, D; 278 giấy phép nhập khẩu theo Điều 48 Nghị định số 98/2021/NĐ-CP.

Thứ trưởng cũng chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc về nội dung, phương pháp xây dựng quyết định mua sắm, dự toán mua sắm; phương án xử lý các trang thiết bị sau khi kết thúc đề án liên doanh, liên kết có giá trị dưới 50%, nhưng vẫn trong điều kiện hoạt động tốt.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo một số bệnh viện kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý giá trang thiết bị y tế, đăng ký lưu hành trang thiết bị, thu hồi trang thiết bị y tế...

Đánh giá toàn diện các mô hình tự chủ bệnh viện công lập

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ghi nhận, biểu dương đội ngũ cán bộ y tế, y bác sỹ đã nỗ lực, cống hiến, hy sinh hết sức mình trên tuyến đầu chống dịch Covid-19.

Phó Thủ tướng cho rằng, những vấn đề đặt ra tại cuộc họp là rất cấp thiết, liên quan đến sức khỏe, tính mạng của người dân. Nhiều cơ chế, chính sách trước đây đã bộc lộ không ít bất cập, hạn chế, tồn tại sau khi "cơn bão" Covid-19 đi qua. Đơn cử, mô hình tự chủ bệnh viện vốn là điểm sáng cũng gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí không còn phù hợp. Công tác đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế, xã hội hóa trong cơ sở y tế công lập… nảy sinh những vấn đề không lường trước được.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên báo cáo những khó khăn, vướng mắc mua sắm thuốc và trang thiết bị y tế. Ảnh: Văn Nam.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên báo cáo những khó khăn, vướng mắc mua sắm thuốc và trang thiết bị y tế. Ảnh: Văn Nam.

Cơ chế, chính sách về y tế sau đại dịch Covid-19 bộc lộ nhiều hạn chế, cần có sự đổi mới, nhất là lĩnh vực y tế dự phòng, bảo đảm tính năng động, sáng tạo, có khả năng chống chịu với các dịch bệnh có thể xảy ra trong tương lai.

Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, ngành Y tế phải rà soát cụ thể từng điều, khoản, thông tư, nghị định, luật cần sửa đổi, bổ sung về tự chủ, xã hội hóa, mua sắm, đấu thầu…; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan nhằm xây dựng được những chính sách cốt lõi, năng động, có tính chất đặc thù, riêng biệt để ngành Y tế thực hiện tốt những nhiệm vụ quan trọng, nhất là trong giai đoạn khoa học, công nghệ phát triển mạnh mẽ; tạo sự gắn kết giữa y tế công lập với y tế tư nhân, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.

Phó Thủ tướng lưu ý, Luật Khám bệnh, chữa bệnh sẽ có hiệu lực vào ngày 1/1/2024, Bộ Y tế cần sớm báo cáo với Chính phủ về kế hoạch xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện như nghị định, thông tư.

Về tự chủ bệnh viện công lập, Bộ Y tế tổng kết, đánh giá toàn diện các mô hình đã có, cả thành công, hiệu quả cũng như bài học kinh nghiệm rút ra, làm cơ sở để tiếp tục triển khai chủ trương này cùng với thực hiện tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế và các chính sách khuyến khích xã hội hóa y tế, hợp tác công - tư…

Đề xuất phương án "một luật sửa nhiều luật" đối với những vấn đề cấp bách

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu, Bộ Y tế tập hợp ý kiến của các địa phương, cơ sở y tế nhằm đưa hết các vấn đề vướng mắc vào những nghị định, thông tư đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung; nghiên cứu, đề xuất phương án "một luật sửa nhiều luật" hoặc "một nghị định sửa nhiều nghị định" đối với những vấn đề cấp bách, cần tháo gỡ ngay thay vì "ngồi chờ sửa toàn diện"; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành đang chủ trì xây dựng những luật có liên quan đến lĩnh vực y tế, đồng thời, sớm đề xuất, chủ động xây dựng nghị định, văn bản hướng dẫn thực hiện luật phù hợp với chuyên môn, đặc thù của ngành y tế.

Văn Nam

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/y-te-la-linh-vuc-dac-biet-nen-co-che-chinh-sach-phai-dac-biet-121457.html