Y tế Nghệ An khẩn trương khắc phục hậu quả, bảo đảm khám chữa bệnh vùng lũ

Hiện các đơn vị y tế vùng cao Nghệ An đang khẩn trương khắc phục hậu quả của bão số 3, tập trung phòng chống dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm và duy trì khám chữa bệnh kịp thời, liên tục cho người dân sau bão lũ.

Trạm y tế xã Châu Khê (Con Cuông) bị ngập sâu 1,2m. Sau khi nước rút chính quyền địa phương và các lực lượng tiến hành tổng dọn vệ sinh để triển khai công tác khám chữa bệnh cho nhân dân.

Trạm y tế xã Châu Khê (Con Cuông) bị ngập sâu 1,2m. Sau khi nước rút chính quyền địa phương và các lực lượng tiến hành tổng dọn vệ sinh để triển khai công tác khám chữa bệnh cho nhân dân.

Nhanh chóng khắc phục hậu quả

Chiều 24/7/2025, đoàn công tác Sở Y tế Nghệ An đã đi kiểm tra, thăm hỏi, động viên cán bộ y tế và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão lũ tại một số xã miền núi. Đoàn do TS. BSCKII Nguyễn Hữu Lê – Phó Giám đốc Sở làm trưởng đoàn. Cùng đi có lãnh đạo các phòng chuyên môn của Sở, lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

Đoàn đã trực tiếp kiểm tra và chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục hậu quả tại một số trạm y tế các xã Con Cuông, Tương Dương; đồng thời thăm hỏi, động viên và tặng quà chia sẻ với những khó khăn mà các đơn vị đang gặp phải.

Đoàn cũng đưa ra hướng dẫn, chỉ đạo nhằm đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, thực hiện khám, chữa bệnh an toàn và liên tục sau bão lũ.

Tại Trạm Y tế Bồng Khê, mưa lũ đã gây hỏng hóc 3 máy tính để bàn, 1 máy in và bàn ghế làm việc.

Tại Trạm Y tế Bồng Khê, mưa lũ đã gây hỏng hóc 3 máy tính để bàn, 1 máy in và bàn ghế làm việc.

Theo báo cáo của các đơn vị y tế: Lũ lụt do ảnh hưởng của cơn bão số 3 đã khiến nhiều cơ sở vật chất của các đơn vị y tế trên địa bàn các xã miền núi Nghệ An bị thiệt hại nặng nề.

Cụ thể, Trung tâm Y tế Tương Dương bị ngập nước hoàn toàn tầng 1 khu điều trị, khu dự phòng bị cô lập. Đơn vị có 2 xe bị ngập nước lũ không kịp di chuyển lên điểm an toàn, gồm 1 xe cứu thương và 1 xe chuyên dụng. Ở khu vực huyện Kỳ Sơn cũ, Trạm Y tế Mỹ Lý, Mường Típ, Mường Ải bị nước lũ cô lập, không triển khai được hoạt động khám, chữa bệnh. Trong đó, Trạm Y tế Mỹ Lý bị ngập sâu nhất, toàn bộ tài sản hiện có bị hư hại nặng nề.

Ở khu vực huyện Tương Dương cũ, các trạm y tế Thạch Giám, Lưu Kiền, Tam Quang bị nước ngập sâu hoàn toàn, toàn bộ tài sản hiện có đều bị hư hại... Ở khu vực huyện Con Cuông cũ, Trạm Y tế Châu Khê ngập sâu 1,2 m; Trạm Y tế Bồng Khê ngập sâu hiện, mưa lũ đã gây hỏng hóc 3 máy tính để bàn, 1 máy in và bàn ghế làm việc.

Nước vừa rút, cán bộ y tế nhanh chóng thực hiện vệ sinh môi trường.

Nước vừa rút, cán bộ y tế nhanh chóng thực hiện vệ sinh môi trường.

Hiện nước lũ đang rút, Sở Y tế Nghệ An đã chỉ đạo các đơn vị y tế vùng bị lũ lụt triển khai các giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường; đảm bảo an toàn nguồn nước ăn uống; phòng ngừa dịch bệnh; giám sát, phát hiện sớm, xử lý dịch; tăng cường công tác truyền thông về dịch bệnh cho người dân.

Phát động chương trình quyên góp khẩn cấp hỗ trợ người dân vùng lũ

TS.BSCKII Lê Thị Hoài Chung – Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết: Sở Y tế đang tích cực phối hợp cùng các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp và cộng đồng để phát động chương trình quyên góp, hỗ trợ khẩn cấp (thực phẩm, nước sạch, thuốc men, vật tư y tế) cho các hộ dân bị ảnh hưởng tại các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, đặc biệt là các xã bị cô lập như Nhôn Mai, Mường Xén, Hữu Kiệm...

Phối hợp tổ chức các đoàn tình nguyện y tế đến các khu vực bị ngập lụt, cô lập để hỗ trợ khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí, đặc biệt là thuốc phòng chống dịch bệnh viêm da, tiêu chảy, sốt xuất huyết và các nhu yếu phẩm cần thiết cho sức khỏe.

Phối hợp cùng công an, quân sự, các sở ngành và chính quyền địa phương thực hiện cứu hộ, di dời dân, đảm bảo an ninh y tế, vệ sinh môi trường; cung cấp nước sạch, thuốc men và vật tư y tế... cho người dân vùng lũ.

Tăng cường công tác y tế vùng lũ

Trước đó, để triển khai kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm và đảm bảo công tác khám, chữa bệnh sau mưa lũ, ngập úng, Sở Y tế Nghệ An đã ban hành Công văn số 3149/SYT-NVY gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, các Trung tâm Y tế và các cơ sở khám, chữa bệnh trong và ngoài công lập trên địa bàn tỉnh.

Công văn nêu rõ: Do ảnh hưởng sau Bão số 3, khu vực miền Tây Nghệ An đã xuất hiện tình trạng ngập úng, sạt lở, đặc biệt tại các xã Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông. Nhiều khu vực ngập sâu, có nơi ngập đến mái nhà; nhiều bản làng bị cô lập do nước sông dâng cao và các tuyến đường liên thôn, liên xã bị ngập, sạt lở.

Lãnh đạo Sở Y tế Nghệ An đi kiểm tra, thăm hỏi, động viên cán bộ y tế và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão lũ tại xã Con Cuông.

Lãnh đạo Sở Y tế Nghệ An đi kiểm tra, thăm hỏi, động viên cán bộ y tế và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão lũ tại xã Con Cuông.

Để kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm và đảm bảo công tác khám, chữa bệnh sau mưa lũ, ngập úng, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị chủ động rà soát, xác định vùng trọng điểm có nguy cơ cao xảy ra dịch bệnh; sẵn sàng phương án xử lý khi có tình huống phát sinh; tăng cường các đội cơ động phòng, chống dịch hỗ trợ cơ sở trong việc giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các bệnh truyền nhiễm thường gia tăng trong và sau mưa lũ.

Bố trí ngay nhân lực, đảm bảo đầy đủ thuốc, hóa chất, trang thiết bị và vật tư cần thiết để triển khai biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại địa phương bị ảnh hưởng; tổ chức vệ sinh môi trường theo phương châm “nước rút đến đâu, làm vệ sinh đến đó”; xử lý môi trường, thu gom và chôn lấp xác động vật theo đúng hướng dẫn; sử dụng vôi bột và hóa chất khử khuẩn nhằm ngăn chặn nguy cơ phát sinh dịch bệnh; khẩn trương phun hóa chất diệt côn trùng tại các vùng nguy cơ cao.

Tổ chức truyền thông trực tiếp tại cộng đồng và qua các phương tiện thông tin đại chúng, hướng dẫn cụ thể cho người dân về nguy cơ dịch bệnh, biện pháp xử lý nước sạch, vệ sinh an toàn thực phẩm và cách phòng tránh các bệnh thường gặp trong và sau mưa lũ như tiêu chảy, đau mắt đỏ, bệnh ngoài da, sốt xuất huyết…

Tăng cường giám sát tại các khu vực bị ảnh hưởng, nhất là tại điểm sơ tán tập trung và vùng bị cô lập, nhằm phát hiện sớm, xử lý kịp thời, triệt để các ổ dịch bệnh phát sinh như tiêu chảy cấp, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp cấp, bệnh ngoài da, cúm, sốt xuất huyết, đặc biệt chú ý bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa như tả, lỵ, thương hàn…

Cán bộ y tế phun độc, khử trùng khu vực ngập lụt.

Cán bộ y tế phun độc, khử trùng khu vực ngập lụt.

Các cơ sở khám, chữa bệnh trong và ngoài công lập khẩn trương rà soát, khắc phục ngay thiệt hại sau mưa lũ, đảm bảo hoạt động khám, chữa bệnh không bị gián đoạn; thực hiện nghiêm phương án tổ chức cấp cứu, điều trị bệnh nhân kịp thời, an toàn theo chỉ đạo tại Công văn số 3188/SYT-NVY ngày 22/7/2025 của Sở Y tế.

Tăng cường kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm tại khu vực bị ảnh hưởng của lũ lụt, ngập úng; hướng dẫn người dân tuyệt đối không sử dụng thực phẩm bị ngâm nước, ô nhiễm hoặc hư hỏng, ôi thiu, không rõ nguồn gốc; tuyên truyền các biện pháp lựa chọn, chế biến và bảo quản thực phẩm an toàn; chuẩn bị đầy đủ thuốc men, hóa chất và phương tiện sẵn sàng xử lý kịp thời khi có tình huống ngộ độc thực phẩm xảy ra; đồng thời thực hiện nghiêm quy trình điều tra và báo cáo các vụ ngộ độc thực phẩm theo quy định.

Sở Y tế giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh làm đơn vị thường trực, tiếp nhận và tổng hợp tình hình dịch bệnh, vệ sinh môi trường từ các địa phương; sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật, thuốc, hóa chất, vật tư khi cần thiết, đặc biệt trong tình huống xảy ra dịch bệnh diện rộng.

Khánh Tâm - Vũ Đồng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/y-te-nghe-an-khan-truong-khac-phuc-hau-qua-bao-dam-kham-chua-benh-vung-lu-169250724190051944.htm